Cuộc chiến đấu sử dụng lực lượng phòng không của quân ta được xác định bắt đầu từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2 (1945-1954). Sách “Lịch sử Quân chủng Phòng không – Không quân” có ghi lại thời điểm này, dù chỉ có lực lượng bộ binh nhưng nhiều nơi như Long An, Vĩnh Long, Hà Nội quân ta đã bắn hạ được một số máy bay của địch. Đỉnh cao là 75 ngày đêm trong Chiến dịch Việt Bắc thu – đông 1947, bộ binh với súng trường đã bắn rơi 16 máy bay của địch. Trước nhu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến, tháng 6-1951, Tiểu đoàn Phòng không 387 thuộc Đại đoàn 308 được thành lập. Sự ra đời của các đơn vị phòng không đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, góp phần to lớn làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, không quân là một trong những lực lượng chủ lực được Mỹ – ngụy sử dụng khá phổ biến, gây nhiều tội ác với nhân dân ta. Trước tình hình đó, lực lượng Phòng không – Không quân của ta không ngừng phát triển với sự đa dạng về chủng loại vũ khí, lực lượng và phương thức chiến đấu. Năm 1972, đánh dấu bước ngoặt lớn khi lực lượng không quân của ta được Nga viện trợ một loại vũ khí mới là tên lửa 9K32 “Strela-2”, bộ đội ta gọi là tên lửa vác vai A72. Cùng với đó lực lượng phòng không mang tên A72 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân được ra đời để thực hiện nhiệm vụ sử dụng loại vũ khí này. Đơn vị gồm 2 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có 2 đại đội. Tiểu đoàn 1 gồm đại đội 1 và 2 chiến đấu ở vùng Trị Thiên Huế; Tiểu đoàn 2 gồm đại đội 3 và 4 chiến đấu ở Nam bộ, gọi là Tiểu đoàn 172. Năm 1972, Lộc Ninh được giải phóng và trở thành vùng an toàn nên nơi đây được chọn làm căn cứ đóng chân của đơn vị này. Địa điểm đóng căn cứ là khu rừng Cấm xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Xuân cùng tên lửa vác vai A72 – Ảnh Đinh Nho Dương chụp tháng 7-2015

A72 là loại tên lửa tầm thấp có tầm bắn 4km, trọng lượng nhẹ, chỉ cần 1 người bắn và có thể di chuyển linh hoạt ở mọi địa hình. Vì vậy, Tiểu đoàn 172 tham gia chiến đấu khắp các tỉnh ở Nam bộ. Cách bố trí lực lượng chiến đấu cũng rất linh hoạt, mỗi nhóm thường có 3 người tham gia phối hợp với lực lượng khác để cùng chiến đấu trong các chiến dịch, trận đánh ở Nam bộ như chiến đấu phòng ngự ở Tàu Ô, Xóm Ruộng, trận đánh Bù Bông (Quảng Đức), Chiến dịch đường 14 Phước Long…; tham gia bảo vệ mục tiêu như Căn cứ Tà Thiết, bảo vệ hành lang đường 13… Trong trường hợp không chiến dịch, đơn vị tập trung về căn cứ ở Lộc Tấn để huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tăng gia sản xuất.

Theo thống kê của Hội Cựu chiến binh A72, trong 3 năm chiến đấu, từ 1972-1975, đơn vị này đã bắn rơi 153 máy bay các loại, trong đó có cả loại khó bắn hạ như máy bay không người lái, CH47 ngày 13-5-1972 tại Lộc Ninh, gây cho địch nhiều thiệt hại và khiến địch vô cùng bất ngờ, bối rối. Cũng theo thông tin từ đơn vị này, có nhiều chiến sĩ với cách bắn linh hoạt, sáng tạo đã bắn rơi nhiều máy bay của địch. Trong số những người tham gia và ghi nhiều chiến công trong chiến đấu phòng không với tên lửa vác vai A72, tiêu biểu có ông Trần Văn Xuân (hiện ở Thường Tín, Hà Nội), bắn rơi 8 máy bay và được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

Hoạt động và những chiến tích của Tiểu đoàn Phòng không A72 của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam trên địa bàn Nam bộ nói chung, Lộc Ninh nói riêng góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần tô đậm thêm những chiến tích oai hùng trên vùng đất Lộc Ninh anh dũng, kiên cường.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : lộc ninhTiểu đoàn Phòng không A72

Các tin liên quan đến bài viết