Sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh đã có những bước tiến dài với nhiều thành tựu đáng tự hào. Bên cạnh phát triển nguồn nhân lực, trung tâm còn đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ nhu cầu tập luyện của vận động viên (VĐV). Do đó, thể thao Bình Phước không chỉ hòa nhập cùng sự phát triển của thể thao cả nước mà còn bứt phá cả về số lượng và chất lượng.

TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC, VẬT LỰC

Được thành lập năm 2006, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, thời gian đầu trung tâm chỉ có hơn 10 cán bộ, viên chức, cơ sở hạ tầng phục vụ tập luyện, sinh hoạt gần như là con số không (chỉ được đầu tư nhà tập thể thao đa năng) và chưa có VĐV. Các phong trào thể thao diễn ra tự phát, quy mô nhỏ, chưa thu hút quần chúng tham gia tập luyện. Nguồn kinh phí cho sự nghiệp thể thao cũng eo hẹp. Nhận thấy con người là yếu tố quyết định, Ban giám đốc trung tâm đã tập trung đầu tư nâng cao trình độ cán bộ, viên chức và đến nay, trung tâm đã có 87 cán bộ, viên chức, người lao động với trình độ chuyên môn cao. Trong đó có 5 thạc sĩ (5,7%); 70 người có trình độ đại học, cao đẳng (80,4%), còn lại là trình độ khác.

Để nâng cao năng lực quản lý và phát triển các giải phong trào, mỗi cán bộ, viên chức của trung tâm luôn có ý thức nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức tin học và ngoại ngữ. Hiện 100% cán bộ, viên chức của trung tâm được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ TDTT, tin học và ngoại ngữ. Trung tâm còn cử cán bộ, viên chức, huấn luyện viên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ do các liên đoàn và ngành tổ chức hằng năm.

Lãnh đạo tỉnh và đại diện một số sở, ngành, đơn vị cùng các huấn luyện viên, vận động viên của Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh chụp hình lưu niệm

Ngoài tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trung tâm còn đẩy mạnh đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống phòng tập và dụng cụ hỗ trợ VĐV. Đến nay, 5 phòng chức năng được trang bị đầy đủ thiết bị, toàn bộ khu sân tập được đầu tư xây dựng hoàn thiện. Từ năm 2011 đến nay, trung tâm đã xây dựng, tu bổ và đưa vào sử dụng 4 sân quần vợt, nhà tập TDTT đa năng, khán đài sân vận động, hệ thống máy tập thể thao ngoài trời trên quỹ đất rộng 22 ha. Những công trình thể thao được trung tâm quản lý đã phát huy tối đa công năng, phục vụ tốt việc tập luyện và thi đấu. Trung tâm còn đầu tư các hạng mục, như cây xanh, sân bê tông; dọn vệ sinh, chăm sóc, bảo dưỡng mặt sân cỏ, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp và duy trì an ninh, an toàn trong đơn vị.

NHỮNG “TRÁI NGỌT”

Những năm qua, thành tích thi đấu của các VĐV năm sau luôn cao hơn năm trước. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI, năm 2010, đoàn thể thao Bình Phước đoạt 6 huy chương vàng (HCV), 9 huy chương bạc (HCB), 15 huy chương đồng (HCĐ), xếp 32/65 đơn vị tham gia. Đến Đại hội lần thứ VII, năm 2014, đoàn thể thao tỉnh giành 6 HCV, 11 HCB, 11 HCĐ, xếp thứ 24/65 tỉnh, thành, ngành tham dự. Bình Phước đã có VĐV đoạt HCV môn đấu kiếm (SEA Games 27) và HCĐ môn điền kinh (SEA Games 28). Với môn thể thao “vua”, đội tuyển bóng đá tỉnh đã giành quyền tham dự sân chơi hạng nhất từ mùa bóng 2014, đạt chỉ tiêu trụ hạng thành công 2 mùa giải 2015 và 2016. Hằng năm, trung tâm đều có những VĐV xuất sắc được gọi tập trung và thi đấu đạt thành tích tốt trong màu áo đội tuyển quốc gia. Hiện trong tổng số 713 VĐV do trung tâm quản lý và đào tạo có 21 em được gọi tập trung cho các đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia.

Trung tâm còn khai thác các dịch vụ thể thao, phát triển dịch vụ mới trọn gói như lễ hội thể thao, tổ chức sự kiện… và vận động quảng cáo, tài trợ để thu hút các hoạt động, chương trình, sự kiện diễn ra tại đơn vị, tạo nguồn thu bổ sung cho các hoạt động và đóng góp vào ngân sách nhà nước.

“TIÊN TIẾN, ĐA DẠNG VÀ CHẤT LƯỢNG”

Hưởng ứng “Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020” của Chính phủ, trung tâm đã tổ chức nhiều phong trào nhằm đáp ứng nhu cầu luyện tập TDTT của các tầng lớp nhân dân, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh trên địa bàn. Ông Trần Thế Anh, Giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh cho biết: Để xây dựng một nền thể thao “Tiên tiến, đa dạng và chất lượng” trong tương lai, đơn vị sẽ quan tâm đưa các bộ môn đi tập huấn, thi đấu giao hữu, giúp VĐV tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh, tâm lý; tổ chức sinh hoạt, bồi dưỡng các chuyên đề về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp cho VĐV… Để công tác huấn luyện, đào tạo đạt kết quả cao nhất, trung tâm sẽ kiểm tra định kỳ hằng tháng, quý và gửi VĐV đi đào tạo nâng cao, tập huấn dài ngày tại các trung tâm huấn luyện quốc gia và những tỉnh, thành, ngành có uy tín, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quân khu 7. Đồng thời tạo điều kiện cho huấn luyện viên được tham gia các lớp tập huấn để nâng cao chất lượng huấn luyện. Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp VĐV ăn đủ, ăn đúng khẩu phần quy định, đảm bảo sức khỏe và khả năng phục hồi tốt sau tập luyện.

“Do kinh phí, nhân lực, vật lực còn hạn chế đã ảnh hưởng lớn đến việc tập luyện và tổ chức giải cũng như thành tích của các VĐV trong thi đấu thể thao thành tích cao. Để khắc phục hạn chế và tạo sự phát triển bền vững, trung tâm kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan xem xét, bố trí kinh phí mua sắm, xây dựng cơ bản các hạng mục công trình phục vụ như: Nhà thi đấu đa năng, bể bơi, nhà ở của huấn luyện viên, VĐV thể thao… Đồng thời, phê duyệt, hoàn thiện tuyến đường nội ô trung tâm để sử dụng làm đường chạy cho VĐV marathon và các môn thể thao khác” – ông Trần Thế Anh nói.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : Trung tam Thể dục Thể thao

Các tin liên quan đến bài viết