Chỉ với 6 bước vệ sinh điều hoà tại nhà này, các gia đình có thể tự làm, tiết kiệm được khoản chi phí tiền triệu vì không cần gọi thợ bảo dưỡng điều hoà.

Điều hoà không khí là thiết bị điện lạnh được sử dụng phổ biến hiện nay. Để giúp điều hoà làm mát sâu, kéo dài tuổi thọ và tiết kiệm tiền điện mỗi tháng, theo các chuyên gia, trong quá trình sử dụng phải vệ sinh máy điều hoà định kỳ 3-6 tháng/lần tuỳ vào nhu cầu sử dụng. Với điều hoà gia đình, nên 3 tháng vệ sinh tổng thể 1 lần.

Các chuyên gia điện máy cho rằng, khi vệ sinh máy điều hoà, các gia đình có thể gọi thợ bảo dưỡng. Giá mỗi lần bảo dưỡng dao động từ 150.000-250.000 đồng/máy  (chưa gồm phí nạp gas điều hoà).

Mỗi gia đình hiện thuờng dùng 2-4 máy điều hoà nên bảo dưỡng hết vài trăm cho tới cả triệu đồng. Chưa kể mùa hè cao điểm, để gọi được thợ không phải chuyện dễ, thường phải chờ 2-3 ngày, thậm chí cả tuần vì thợ bảo dưỡng điều hoà luôn trong tình trạng quá tải.

6 bước tự vệ sinh điều hoà tại nhà, đơn giản mà tiết kiệm tiền triệu
Nếu không muốn tốn tiền gọi thợ, các gia đình có thể tự vệ sinh máy điều hoà

Để tiết kiệm tiền và chủ động hơn là tự vệ sinh điều hoà tại nhà. Các chuyên gia góp ý có thể thực hiện theo 6 bước sau:

Trước khi vệ sinh điều hoà cần chuẩn bị:

Bơm tăng áp: Đây là máy bơm nước với áp suất cao dùng để xịt rửa các khe kim loại trên dàn nóng, lạnh. Chỉ cần cắm một đầu vòi vào chậu nước, đầu còn lại bấm nút để xịt nước bất cứ khi nào cần. Bạn có thể dùng bình xịt kính hoặc bình tưới cây để thay thế.

Túi nilon: Các dịch vụ vệ sinh điều hoà thường dùng máng tôn hoặc túi hứng nước bẩn dài tương đương giàn lạnh và có thể treo cố định vào giàn lạnh. Bạn có thể dùng 1 túi nilon lớn hoặc chế áo mưa thành 1 túi lớn sao cho có thể chứa nước bẩn trong quá trình xối rửa.

Các vật dụng khác: Tua-vít; nước sạch; nước rửa chén hoặc chất tẩy rửa để lau chùi dàn lạnh; khăn sạch hoặc túi nilon ngăn nước bắn vào các bo mạch.

Bước 1: Kiểm tra điều hoà có hoạt động bình thường hay không?

Trước khi vệ sinh, bạn cần phải kiểm tra điều hoà có hoạt động bình thường không bằng cách điều chỉnh xuống nhiệt độ thấp nhất. Sau đó kiểm tra khả năng làm lạnh.

Sau đó dùng remote điều khiển cánh quạt tản gió xem có hoạt động bình thường không. Nếu mọi thứ đều ổn thì có thể chuyển sang bước tiếp theo.

Nếu thiết bị hư hỏng hoặc gặp trục trặc khi vận hành, bạn cần liên hệ trung tâm sửa chữa, bảo hành trước khi tiến hành quy trình vệ sinh máy lạnh.

Bước 2: Ngắt nguồn điện, kiểm tra tổng quát

Trước khi bắt tay vào vệ sinh máy điều hòa, bạn cần phải tắt nguồn điện để đảm bảo an toàn trong quá trình vệ sinh.

Sau đó, kiểm tra tình trạng bên ngoài và bên trong của máy điều hòa. Đặc biệt, chú ý ở dàn nóng và dàn lạnh xem có dị vật (lá cây, xác côn trùng, tổ chim, đinh tán,… ) rơi vào trong không.

Ngoài ra, kiểm tra các mối nối điện, mối gas xem có gì bất thường không. Nếu thấy lỏng lẻo, không an toàn thì siết chặt lại ngay.

Bước 3: Tháo lắp và vệ sinh dàn lạnh (cục lạnh)

Để tháo lắp dàn lạnh, đầu tiên cần phải tháo quạt đảo gió bằng cách tháo chốt giữ quạt

Tiếp theo bật nắp trước máy lạnh theo chiều lên trên.

Sau đó tháo tấm lọc bụi ra khỏi thân máy.

Dùng tua vít 4 cạnh để tháo ốc cố định vỏ máy trên dàn lạnh.

Sau đó tháo bỏ vỏ máy bên ngoài, chúng ta sẽ thấy được bộ phận cần vệ sinh bên trong (dàn trao đổi nhiệt).

Dùng bọc chuyên dụng bọc lại cục lạnh để tránh nước văng ra trong quá trình vệ sinh.

Dùng khăn khô hoặc bọc ni lông để bọc lại khu vực mạch điện trên cục lạnh. Đây là bước cực kỳ quan trọng nhằm tránh tình huống nước văng vào làm chập điện, hư hỏng máy.

Dùng vòi xịt để xịt rửa vệ sinh bụi bẩn, nấm mốc tích tụ trên cục lạnh.

Xịt rửa cánh quát lồng sóc và quạt lồng sóc. Đây là bộ phận nằm bên trong nhưng vẫn chứa khá nhiều bụi bẩn cần vệ sinh.

Xịt rửa, vệ sinh bộ lọc không khí đã tháo ra trước đó.

Bước 4: Vệ sinh dàn nóng (cục nóng)

Việc vệ sinh dàn nóng có phần đơn giản hơn so với dàn lạnh, đầu tiên bạn cần tháo vỏ bảo vệ mặt trước bằng cách nạy các ngàm giữ.

Tiếp theo bạn cần xịt rửa bụi bẩn bám ở mặt sau cục nóng.

Xịt rửa vỏ bảo vệ cục nóng đã tháo ra trước đó.

Chú ý, không được xịt nước trực tiếp vào khu vực chứa bo mạch, mạch điện bạn nhé

Dùng khăn khô lau lại toàn bộ thân máy để loại bỏ nước bám trên bề mặt.

Bước 5: Kiểm tra gas điều hoà, nếu thiếu cần nạp thêm

Để kiểm tra gas, đầu tiên cần tháo ốp bảo vệ mạch điện bằng tua vít 4 chấu.

Kết nối đồng hồ đo gas với ống gas trên cục nóng để tiến hành đo gas.

Dùng Ampe kế để đo dòng điện trên máy.

Đối chiếu áp suất gas trên đồng hồ đo gas và dòng điện trên Ampe kế với các thông số từ nhà sản xuất. Từ đó tính ra ra máy lạnh của bạn có bị thiếu gas hay không? Nếu thiếu thì phải nạp thêm (bơm ga máy lạnh 1-1.5 HP giá 130.000 đồng, 2-3 HP giá 250.000 đồng, và máy lạnh trần trên 3 HP giá 450.000 đồng)

Bước 6: Lau khô thiết bị, lắp đặt lại vị trí cũ, kiểm tra tổng thể lần cuối

Dùng khăn khô lau thật khô các bộ phận có thể lau, lấy lưới lọc đã ráo nước và nắp che của điều hoà lắp lại chỗ cũ, sau đó lau sạch toàn bộ phía ngoài.

Bật lại điều hoà, để phần nước còn lại chảy ra ngoài. Khi đã xác định máy chạy êm, không có tiếng động lạ thì tháo túi chắn bụi, và điều hoà của bạn đã sạch bóng từ ngoài vào trong.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : dàn lạnhđiều hòatiết kiệmvê sinh

Các tin liên quan đến bài viết