Trong 2 “phán quyết”ngược nhau về kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có đúng luật hay không, chỉ có một đáp án: Đúng hoặc không đúng.
Sau khi Hội đồng thẩm phán biểu quyết “không chấp nhận kháng nghị” của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trong vụ án Hồ Duy Hải, dư luận dậy sóng với những bình luận trái chiều. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn những vi phạm tố tụng, mâu thuẫn, do đó, phán quyết của 17 vị thẩm phán khiến dư luận thấy có gì đó chưa ổn.
Với luật pháp, khi kết án tử hình một ai đó, rất cần những chứng cứ rõ ràng, chứ không chỉ là lời khai của bị cáo. Do đó, rất cần thiết phải điều tra lại để làm rõ những mâu thuẫn, đặc biệt với những hành vi vi phạm tố tụng của các cán bộ tiến hành tố tụng mà Hội đồng thẩm phán cũng khẳng định là có.
Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao gồm toàn bộ 17 thẩm phán cao cấp của cả nước. Ảnh: Báo Công Lý.
Việc Viện Kiểm sát và Tòa án có ý kiến khác nhau cũng là bình thường, điều đó còn có thể xem như là một thành công của cải cách tư pháp khi có sự tranh tụng công khai minh bạch giữa hai bên. Nhưng với vụ này, sự mâu thuẫn ở cấp cao nhất, việc kéo dài đã 12 năm, tốn quá nhiều giấy mực của báo chí, tạo nên bao nhiêu cảm xúc cho xã hội, nên đã gây chú ý đến vậy.
Người ta đặt câu hỏi, các vị thẩm phán thừa nhận có sai phạm của cán bộ điều tra, nhưng vẫn cho rằng “bản chất vụ án không thay đổi”, thì liệu những vi phạm đó đã được xem xét thấu đáo đến cùng hay chưa? Bởi sự vi phạm đó quá sơ đẳng. Trong vụ trọng án này, những vết máu ở hiện trường lại không được xét nghiệm; những dấu vân tay được xác định lại không có của đối tượng Hồ Duy Hải – người bị coi là hung thủ; các tang vật của vụ án như chiếc thớt, chiếc ghế có dính máu bị biến mất, thậm chí con dao được coi là hung khí chính gây ra cái chết cho các nạn nhân cũng biến mất. Sau đó, các điều tra viên cho người mua lại để làm minh họa, đối chứng thì … không còn gì để nói. Lẽ nào với những vi phạm tố tụng nghiêm trọng như vậy mà, tòa sơ thẩm, phúc thẩm vẫn tuyên án tử hình một con người được sao? Lẽ nào tòa Giám đốc thẩm lại đồng ý với những vi phạm đó?
Những năm gần đây, chúng ta đang tiến hành công cuộc cải cách tư pháp, phải thừa nhận các hoạt động điều tra, xét hỏi, luận tội, tranh tụng, xét xử… có những thay đổi theo hướng rất tích cực, giảm hẳn án oan sai. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp án oan, gây bức xúc xã hội, như vụ án của các ông Huỳnh Văn Nén (xảy ra ở Bình Thuận) và Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long (ở Bắc Giang). Họ đều bị kết tội giết người, thậm chí ông Nén còn bị kết án oan trong hai vụ án giết người. Một điều chung nhất của 3 vụ án này, trong một số bản cung, họ đều thừa nhận mình đã giết người, thậm chí họ còn khai không bị ép cung, nhục hình. Và tất cả lời khai của họ đều phù hợp với diễn biến của vụ án.
Điều đó nói lên rằng, hình thức mớm cung, bức cung, nhục hình đối với các bị cáo tinh vi đến mức nào. Cũng chính vì vậy, dù không đoạt mạng ai cả, nhưng ông Nén phải khai ra gần chục người trong gia đình tham gia để phù hợp với “diễn biến vụ án”. Nếu thủ phạm đích thực không bị lộ diện sau đó, các ông Nén, ông Chấn luôn bị coi là những kẻ giết người.
Nhắc đến chuyện đã qua để thấy, việc tuyên án tử hình một đối tượng cần hết sức thận trọng và phải tuân thủ nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung. Giả sử tòa Giám đốc thẩm yêu cầu hủy án và điều tra lại như kháng nghị của Viện Kiểm sát, Hồ Duy Hải vẫn có thể là kẻ giết người. Nhưng với một quá trình điều tra, xét hỏi, luận tội công minh, bản thân thủ phạm, gia đình và dư luận sẽ tâm phục khẩu phục. Bị cáo dù phải chịu án tử hình, sẽ là một bản án xác đáng.
Còn nếu Hồ Duy Hải không phải thủ phạm, thì ngoài việc tìm ra kẻ giết người thực sự và bắt hắn đền tội, vẫn cần phải có một phiên toà nữa, xét xử những kẻ đã suýt giết chết một con người vô tội – phiên toà tương tự xét xử các điều tra viên, kiểm sát viên sai phạm đã diễn ra trong vụ ông Chấn.
Ngoài ra, trong bài này chúng tôi muốn nhấn mạnh đến một nội dung khác, khiến dư luận bất ngờ nhất: 17 vị thẩm phán cùng biểu quyết với tỷ lệ đồng thuận 100% cho rằng, quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là “không đúng pháp luật” (nội dung này đã được đề cập trong bài “Vụ án Hồ Duy Hải: Bất ngờ trong bản án Giám đốc thẩm”,ra ngày 8.5).
Về phần mình, trả lời câu hỏi của cử tri ở TP HCM, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí khẳng định: Về trách nhiệm và thẩm quyền thì Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chắc chắn kháng nghị có căn cứ, đúng pháp luật.
Với hai “phán quyết” trái ngược nhau của 2 vị đứng đầu Tòa án Nhân đân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về kháng nghị của phía Viện khiến dư luận khó hiểu.
Khó hiểu bởi, nếu như các bản án Giám đốc thẩm có thể hủy án, sửa án hay y án phúc thẩm là chuyện bình thường, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ việc có hay không những tình tiết mới, những mâu thuẫn về các hành vi của đối tượng đã được làm rõ hay không … Thậm chí, có những vụ án phải xử phúc thẩm lần 1, lần 2… nhưng dư luận vẫn có thể hình dung được.
Nhưng trong vụ án này, việc kháng nghị có đúng luật hay không lại là việc khác, bởi nội dung này chỉ có một mốc duy nhất: Sau khi Chủ tịch nước bác đơn ân xá với Hồ Duy Hải, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có quyền được kháng nghị hay không? Đây là nội dung mang tính nguyên tắc, rất rõ, khác hoàn toàn nội dung của bản án, nhưng dư luận không hiểu sao các vị lại có sự hiểu ngược hẳn nhau như vậy.
sDo đó, chắc chắn một điều, trong hai “phán quyết” ngược nhau này, chỉ có một đúng, một sai. Tới đây, chắc chắn các cơ quan có chức năng giám sát tối cao sẽ có câu trả lời thỏa đáng.
Theo Dân việt