Mới đây, các chuyên gia từ Viện Ung thư Dana-Farber (Boston, Mỹ) đã công bố một phương pháp điều trị ung thư mới tại Hiệp hội nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (AACR). 

Theo Catherine Wu – bác sĩ đứng đầu nghiên cứu – vaccine của họ đã giúp 12 bệnh nhân ngăn chặn thành công chứng ung thư da ngay từ giai đoạn đầu. Đồng thời, cơ thể bệnh nhân tạo ra được miễn dịch, chứ không giống các loại thuốc khác.

Trên thực tế, khoa học cũng từng tạo ra một số loại vaccine chống ung thư  nhưng không hiệu quả vì chúng chỉ tấn công được một loại protein ung thư duy nhất. Trong khi đó, loại vaccine mới này có chứa các kháng nguyên ung thư – neoantigen – một dạng protein đột biến dành riêng cho từng khối u trong cơ thể.

Và kết quả thật tuyệt vời! Các thí nghiệm của Wu cho thấy nhóm bệnh nhân không những chặn được khối u, mà còn không để lại tác dụng phụ, đồng thời hệ miễn dịch hoạt động cực kỳ hiệu quả. Quá trình theo dõi 2,5 năm qua cũng chưa thấy trường hợp nào tái phát.Cụ thể hơn, các kháng nguyên đột biến này sẽ được tạo ra trong phòng thí nghiệm, sau khi bác sĩ tìm được mã gene của khối u. Kế đó, hệ miễn dịch nhận được một liều neoantigen, qua đó kích hoạt các lympho T tấn công tế bào ung thư.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vui mừng lúc này là quá sớm. Dù kết quả cực kỳ hứa hẹn, nhưng phương pháp này vẫn còn rất mới và cần nhiều nghiên cứu xa hơn để xác nhận.

Hơn nữa, đây là loại vaccine chuyên biệt – tức là được điều chế dành riêng cho từng bệnh nhân – nên có giá thành rất cao. Cùng với thời gian cần để điều chế lên đến vài tháng, đó sẽ là những trở ngại không nhỏ dành cho bệnh nhân ung thư.

Chi phí sản xuất lớn và thời gian là hai trở ngại của vaccine mới

Nhưng bù lại, tính an toàn và hiệu quả của vaccine lại cực kỳ triển vọng. Vậy nên, đây có lẽ đang là một trong những niềm hy vọng lớn nhất cho cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư – vấn nạn của thế kỷ.

Thùy Dung

Từ khóa : bệnh ung thưvaccinevắcxin

Các tin liên quan đến bài viết