Một chương trình kích cầu du lịch nội địa trên toàn quốc được phát động trong tháng 5 này, đặt an toàn sức khỏe cho khách lên hàng đầu, giảm giá sâu và gia tăng giá trị. Đây là thời điểm vàng để người dân đi du lịch trong nước.
Gấp gáp tung hàng trăm tour giá rẻ
Tại Hội nghị Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt Nam, diễn ra ngày 16/5, tại Thanh Hóa, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) nhận xét, chưa bao giờ tất cả nền tảng của du lịch Việt Nam về con số 0 trong thời gian ngắn như vậy. Tuy nhiên, thành công trong kiểm soát dịch bệnh đã tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam phục hồi thị trường du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa.
Ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Công ty du lịch HanoiRedtours, nhận xét, đây được coi là thời điểm vàng để thu hút khách nội địa đi du lịch bởi chưa bao giờ giá vé máy bay, khách sạn, dịch vụ du lịch rẻ như vậy, chưa kể các điểm đến cũng rất vắng vẻ.
Hiện đã giữa tháng 5, thời gian du lịch hè không còn nhiều nên Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các công ty lữ hành, hãng hàng không,… gấp gáp, nhanh chóng triển khai các chương trình giảm giá sâu thu hút khách.
Phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa kết nối du lịch cả nước với du lịch ĐBSCL. |
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, cho hay Hiệp hội và các DN đã xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa trên toàn quốc từ tháng 5/2020.
Nguyên tắc khi triển khai là đặt yếu tố đảm bảo an toàn cho du khách lên hàng đầu, sau đó là giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ và giữ giá nhưng tăng thêm dịch vụ cho du khách.
Chương trình được triển khai trong hai giai đoạn: Giai đoạn 1 bao gồm 2 tháng (15/5-15/7); giai đoạn 2 từ 15/7 đến hết năm 2020. Phạm vi triển khai trên cả nước, bao gồm ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam Bộ; khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên; các tỉnh phía Bắc và Trung Trung bộ; khu vực Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh ven biển phía Bắc; khu vực Đông Bắc và Tây Bắc.
Ngày 16/5, chương trình kích cầu du lịch nội địa đầu tiên đã được phát động tại Cần Thơ, kết nối du lịch cả nước với du lịch ĐBSCL.
Theo đó, Hãng hàng không Vietnam Airlines phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các công ty lữ hành uy tín như Hanoitourist, Saigontourist, Vietrans Tour, Vietravel, HanoiRedtours tung ra chùm tour ưu đãi giảm tối đa 40% khi đi theo nhóm tối thiểu 6 người. Chương trình áp dụng cho các tour khởi hành từ 15/5-31/12.
Chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, cho biết, với hơn 5.000 vé máy bay giá rẻ, giá tour bán cho khách giảm từ 30-40%. Điểm đặc biệt là 15 tour siêu khuyến mãi này được các DN lữ hành lớn thống nhất chương trình, mức giá rồi đưa ra để các đơn vị lữ hành khác cùng bán. Ông Thắng tiết lộ lượng tour bán ra khá tốt.
Cũng để thu hút kích cầu khách đi du lịch, hàng không Bamboo Airways tung ra giá vé 45.000 đồng/chiều (chưa gồm thuế, phí), các combo vé máy bay – khách sạn hay thẻ Bamboo Pass bay không giới hạn chỉ với hơn 20 triệu đồng, mua vé máy bay trả góp 0% lãi suất,… Nhờ đó, khách đi du lịch tăng trở lại. Như tại FLC Sầm Sơn với hơn 1.000 phòng cuối tuần đa số đã kín khách.
Hưởng ứng chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, Vietjet Air ngoài chương trình bán vé siêu tiết kiệm chỉ từ 18.000 đồng (chưa gồm thuế, phí) hãng vừa tung ra hơn 200.000 vé giá 0 đồng từ 15/5 đến 30/6 và mỗi chuyến bay có tối đa 25 vé giá 0 đồng cho các đối tác là doanh nghiệp du lịch, lữ hành…
Cần thống nhất mức giảm giá
Trước băn khoăn về việc kích cầu có đồng nghĩa với giảm giá, ông Trần Trọng Kiên cho rằng kích cầu không có nghĩa là giá rẻ, mà để có nhiều sản phẩm tốt hơn cho khách đi du lịch. “Không nhất thiết phải giảm giá mà tập trung vào gia tăng giá trị dịch vụ cho khách”, ông Kiên nói.
Hành vi của du khách thay đổi sau đại dịch Covid-19 |
Còn nếu giảm giá, bà Dương Mai Lan, Giám đốc Công ty du lịch Ascend Travel, kiến nghị cần thống nhất một mức giảm cụ thể trước khi công bố hay quảng bá trên các phương tiện truyền thông.
“Nếu các DN lữ hành cứ truyền thông là giảm giá tour 50-70% thì cái chúng tôi nghe là sự lo lắng chứ không phải vui mừng”, bà nói. Bởi, khách hàng nghe được thông tin đó, họ sẽ chờ tới khi giảm 70% mới đi. Vì thế, theo bà Lan, chỉ nên chọn một con số thống nhất như giảm 20% hoặc 30% và chuyển tải thông điệp này tới khách hàng.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, cho rằng không thể để tình trạng mạnh ai nấy giảm mà rất cần một nhạc trưởng trong việc kích cầu giảm giá.
Ngoài ra, ông góp ý, có địa phương giảm giá dịch vụ, vé tham quan quá ngắn. Ví dụ tỉnh Quảng Ninh miễn giảm vé tham quan vịnh Hạ Long chỉ đến hết tháng 6, trong khi 14/5 mới triển khai. Chưa kể, việc giảm giá lại không áp dụng cho tàu ngủ đêm trên vịnh, đây vốn là thế mạnh của tỉnh mà trước hầu hết chỉ phục vụ khách quốc tế.
Lo lắng về yếu tố mùa vụ ảnh hưởng đến hiệu quả chương trình kích cầu, ông Bùi Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong, nói rằng hiện là nửa cuối tháng 5, sắp đến mùa mưa bão, nếu không làm nhanh khó kích thích người dân đi du lịch.
Ông Phùng Quang Thắng góp ý, kích cầu du lịch chỉ là một trong những yếu tố của kích cầu nội địa, bao gồm cả kích cầu tiêu dùng, kích cầu mua sắm, kích cầu ẩm thực,… Vì vậy, rất cần có sự tham gia kích cầu tổng hợp từ các địa phương. Việc hợp tác hàng ngang giữa du lịch và các DN lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ,… mới thực sự hiệu quả.
Ngoài ra, các địa phương vẫn lúng túng không biết kích cầu như thế nào, do đó rất cần được hỗ trợ về công cụ. Trong đó, vai trò của cơ quan quản lý là tạo ra môi trường kích cầu tốt, công bằng cho tất cả các địa phương. Cũng nên thống nhất một mức giảm giá giữa các địa phương, bởi tỉnh nào có lợi thế về điểm đến, danh lam thắng cảnh, giảm giá sâu, truyền thông tốt,… sẽ được lợi, các địa phương yếu thế sẽ bị lỡ cơ hội.
Nguồn: vietnamnet