80% dân số đang phụ thuộc vào nguồn thức ăn nhập khẩu nên khi giao thông toàn cầu đình trệ, hệ thống cung ứng thực phẩm cho thế giới bị đe doạ.

Cuối tháng 1-2020, khi Trung Quốc ra lệnh cấm các tour du lịch trọn gói ra nước ngoài, Bộ trưởng thương mại New Zealand David Parker rất lo lắng. Ít du khách hơn là điều thất vọng, nhưng việc các máy bay không đưa khách đến cũng đồng nghĩa họ sẽ không chở nông sản của New Zealand đi theo chiều ngược lại. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của họ về thực phẩm – mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước này.

Chuỗi cung ứng lách khe cửa hẹp

Trước tình hình đó, khi các hãng hàng không bắt đầu dừng bay, chính phủ ngỏ lời với Air New Zealand. Theo đó, hãng sẽ nhận được một khoản vay nếu vẫn giữ các tuyến đến Trung Quốc, Singapore và Mỹ, để xuất khẩu kiwi và các đặc sản. Ông Parker còn đề nghị hỗ trợ các hãng hàng không ở Trung Đông. “Ở đó rất khó trồng vài thứ họ cần dùng,” ông nói, “Duy trì khả năng kết nối sẽ mang lại lợi ích chung”.

80% người trên hành tinh được nuôi dưỡng một phần nhờ vào thực phẩm nhập khẩu. Năm ngoái, tiền nhập thực phẩm các nước là 1.500 tỷ USD, gấp ba lần năm 2000. Sự tinh vi của chuỗi thực phẩm toàn cầu, và tầm nhìn của những người như ông Parker, đã giúp hạn chế các tác động của Covid-19 đến chuỗi cung ứng.

Một cơ sở chế biến thịt heo ở Milan, Missouri, Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Các trang trại có thể tập trung ở một vùng, nhưng phần lớn ngành công nghiệp thực phẩm còn lại có mặt ở toàn cầu. Các nguồn cung hạt giống, phân bón, máy móc và nhiên liệu được nhập khẩu từ nước khác. Những công ty trung gian khổng lồ như ADM, Bunge, Cargill, Louis Dreyfus và Olam International hoạt động trên toàn thế giới, tìm nguồn cung ứng, lưu trữ và vận chuyển hàng hóa nông nghiệp cho các nhà sản xuất thực phẩm như Kraft hay Unilever.

Quy mô và phạm vi toàn cầu cho phép họ kiếm được nhiều tiền nhưng với tỷ suất lợi nhuận khá hẹp. Họ có thể nhanh chóng chuyển đổi nguồn này sang nguồn khác nhằm phù hợp với những thay đổi về cung hoặc cầu. Nhờ vậy cũng giúp uyển chuyển về giá cả và giữ cho hệ thống linh hoạt.

Trong 20 năm vừa qua, ngành công nghiệp này chứng kiến sự tập trung quyền sở hữu ngày càng tăng. Một nửa thị trường gia cầm Mỹ – thị trường lớn nhất thế giới – hiện được kiểm soát chỉ bởi 4 công ty. Hai trong số sáu vụ sáp nhập lớn nhất trong những năm 2010 là giữa các công ty về thực phẩm và đồ uống.

Các thị trường mới nổi, nơi chế độ ăn uống đang thay đổi và đô thị hóa làm nảy sinh nhu cầu mới, tạo ra những gã khổng lồ riêng. JBS của Brazil là công ty chế biến thịt lớn nhất thế giới. Công ty sản xuất thực phẩm lớn nhất Trung Quốc, COFCO, nhanh chóng kiểm soát việc quản lý ngũ cốc chuyển đến Bắc Kinh.

Hệ thống sản xuất này ngày càng tinh vi và đòi hỏi vốn lớn hơn. Các máy kéo tự động có mặt ở khắp các cánh đồng rộng lớn. Hình ảnh từ các vệ tinh, được phân tích bằng trí tuệ nhân tạo để theo dõi tàu hàng lẫn các cơn bão để ước đoán sản lượng mùa vụ.

Các mạng lưới sản xuất thực phẩm cũng rất phức tạp. Thực phẩm, giống như xe hơi, thường được chế biến tại nơi gần với người tiêu dùng, nhưng các thành phần của nó có thể được bắt nguồn từ bất cứ đâu. Lúa mì của Ukraine, được xay thành bột ở Thổ Nhĩ Kỳ, rồi chế biến thành mì ở Trung Quốc. Frank van Lierde, người quản lý bộ phận công nghệ sinh học và các thành phần thực phẩm của Cargill, cho biết chuỗi thực phẩm hiện có “bước tiến đa dạng hơn rất nhiều” so với 20 năm trước.

Toàn cầu hóa nghĩa là nhiều quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu. Và theo Josef Schmidhuber và Bing Qiao thuộc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), hầu hết quốc gia hiện phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu so với 20 năm trước. Điều này khiến các nhà quan sát lo sự gián đoạn do Covid-19 có thể lặp lại cuộc khủng hoảng lương thực vào năm 2007-2008.

Nhưng dù các nước phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều hơn thì so với trước, nguồn cung cũng đã tốt hơn. Ngày nay, dự trữ ngũ cốc cao gấp đôi so với trước đây. Vận chuyển hàng hóa số lượng lớn rẻ hơn 20 lần và dầu thô chỉ có 30 USD một thùng. Điều đó làm cho nhập khẩu rẻ hơn và đẩy giá nguyên – nhiên liệu như ngũ cốc và đường mía xuống thấp hơn. Nếu số lượng các nước nhập khẩu tăng lên với hầu hết loại cây trồng, số lượng các nước xuất khẩu cũng như vậy. Điều này khiến nền thương mại trở nên kiên cường hơn trước những thay đổi trong cung và cầu.

Vì vậy, khi nguồn cung một số sản phẩm thiếu hụt vì Covid-19 thì vẫn có lựa chọn thay thế. Khi các thương nhân Ấn Độ ngừng ký hợp đồng xuất khẩu mới trong tháng 4, một tập đoàn siêu thị Pháp, tìm thấy nguồn cung cấp gạo mới ở Pakistan và Việt Nam còn thịt bò nhập khẩu từ Romania.

Công nghệ và hạ tầng phát triển cũng có công không nhỏ. Vào tháng 3, Timbues -một trong những cảng chính của Rosario, khu vực chiếm 80% lượng xuất khẩu thực phẩm của Argentina, đóng cửa gần một tuần vì đại dịch. Nhưng ngũ cốc vẫn được xuất khẩu nhờ vào tự động hóa. Vận chuyển trơn tru đến mức các thành phố ven biển bị cách ly ở Ấn Độ chọn mua dầu đậu nành từ Argentina thay vì từ nội địa.

Nhưng vẫn nhiều tổn thương

Các nhà hàng, quán ăn, căn tin và các tổ chức khác chiếm 30% tổng lượng calo được tiêu thụ. Nhưng tại nhiều địa điểm trên thế giới, họ vẫn còn đóng cửa khiến nông dân bị mất khách hàng.

Về lý thuyết, họ có thể chuyển hướng bán sản phẩm sang các cửa hàng. Nhưng những người ở nhà không hoàn toàn ăn những thứ họ ăn ở ngoài. Họ có xu hướng ưa thích các sản phẩm được chế biến sẵn mà nhiều đầu bếp không dùng đến. Họ dùng các nguyên liệu cơ bản nhiều hơn khi nấu ăn.

Do những thay đổi này, vài nhà sản xuất thực phẩm gặp rắc rối. Ngư dân Pháp cho biết họ thả 2/3 sản lượng đánh bắt được. Australia đang phải đối mặt tình trạng dư thừa bơ. Alain Goubau, nông dân ở Ontario, hiện nuôi bò bằng sữa. Nhưng việc tận dụng, tái chế nguồn cung dư thừa cũng có hạn và hầu hết vẫn bỏ đi lãng phí.

Liên minh châu Âu dự kiến mất 400 triệu euro khoai tây vì dư thừa. Tỷ lệ chất thải thực phẩm của Mỹ tăng lên từ 30% đến 40% trong năm nay, dựa theo André Laperrière của GODAN.

Bên cạnh những thay đổi về nhu cầu, cũng có những nút thắt cổ chai về vận chuyển. Dễ hư hỏng chính là vấn đề. Trái cây và rau quả, cùng với cà phê và thịt, thường được vận chuyển bằng máy bay hoặc trong các container đông lạnh trên các chuyến tàu đặc biệt. Sự trì hoãn bất cứ nơi nào trong hệ thống thương mại sẽ tạo ra vấn đề.

Janine Mansour, Giám đốc thương mại cảng New Orleans (Mỹ), nơi nhập khẩu cà phê hàng đầu và xuất khẩu gia cầm đứng thứ hai của Mỹ, cho biết công suất kinh doanh container tăng lên trong quý đầu tiên. Bởi lẽ, công suất vận chuyển máy bay giảm mạnh đến 80% toàn thế giới vào tuần cuối tháng 3. Khi không còn cách vận chuyển, giá nông sản sụp đổ. Ở Thái Lan, giá bán sỉ thanh long, loại trái cây được yêu thích ở Trung Quốc, giảm 85%.

Thịt cũng có những nút thắt cổ chai vì nhu cầu quá thấp. Carlos Rodriguez, Nhà đồng sáng lập AGRO Merchants, đơn vị cung cấp kho đông lạnh ở 11 quốc gia, cho biết các kho từng chỉ dùng để dự phòng nhưng hiện đầy kín. Nhưng nguồn cung vẫn cứ tiếp tục đổ về.

Điều này đang giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp thịt heo của Mỹ. Đóng cửa các lò mổ lớn làm giảm 40% công suất giết mổ thịt heo của quốc gia này. Cứ mỗi 5 ngày, sẽ có những con heo đủ cân nặng vẫn còn sống trong những trang trại không còn chỗ chứa. Tuần rồi, Tổng thống Donald Trump lệnh cho các nhà máy chế biến phải mở cửa lại. Một số đã mở nhưng một số khác thì không.

Loạt nguy cơ tiềm tàng

Ở các nước giàu, kết quả của sự gián đoạn như vậy không phải là nạn đói mà là sự bất tiện: như thiếu mất thịt xông khói và quả việt quất yêu thích. Đáng kể hơn, có 3 mối nguy lờ mờ hiện ra và nó sẽ hiện rõ nếu khủng hoảng Covid-19 kéo dài.

Đầu tiên là nông dân bắt đầu sản xuất ít hơn và một số nơi thì thiếu nhân công. Việc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Mexico khiến nhiều visa trong số 250.000 visa H-2A dành cho công nhân nông nghiệp không được cấp trong năm nay. Tương tự, Anh sẽ nhận rất ít trong số 90.000 công nhân nông trại thường được nhận từ châu Âu.

Một số nông dân bị mất vốn và thị trường. Vài người phải tuyên bố phá sản. Ở các nước có lãi suất thấp, rủi ro này giảm đi. Các trang trại Mỹ trả nợ ít hơn nhiều so với những năm 1980, nên an toàn hơn. Các trang trại ở Mỹ Latin, nơi có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu và lãi suất cao, bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Tín dụng khan hiếm là rủi ro thứ hai. Chuỗi cung ứng hoạt động trơn tru vì các khoản vay ngắn hạn cho phép mỗi liên kết chi trả cho hàng hóa trước khi bán. Khi hoạt động chậm lại, thời hạn các khoản vay này được kéo dài, bẫy tiền mặt xuất hiện khi vay tiền ở nơi khác.

Và các ngân hàng đang đề phòng các giao dịch hàng hóa tài chính dưới bất kỳ hình thức nào, theo John MacNamara, cựu giám đốc tài chính thương mại của Deutsche Bank. Tiền tệ biến động, thị trường dầu sụp đổ và giá trị ngũ cốc giảm mà các công ty đưa ra làm tài sản thế chấp khiến họ hoảng sợ.

Các tổ chức đa phương đang cố gắng hỗ trợ. Hơn một phần năm trong số 425 triệu USD tiền mặt dành cho vấn đề thương mại khẩn cấp do ADB triển khai tháng rồi đã bao gồm các thỏa thuận về an toàn thực phẩm. Nhưng một quan chức thân cận với các ngân hàng lớn cho biết ông “nghe thấy có những vết nứt” trong hệ thống.

Mối nguy thứ ba là các chính phủ mất bình tĩnh. Giai đoạn 2007-2008, 33 quốc gia tuyên bố kiểm soát xuất khẩu. Những lệnh cấm đó khiến phần lớn giá gạo tăng lên tới 116%. Lần này 19 quốc gia đã hạn chế xuất khẩu và tác động ít hơn nhiều. Việc kiểm soát của năm 2007-2008 ảnh hưởng đến 19% lượng calo được giao dịch trên thế giới. Còn thời điểm này, ảnh hưởng chỉ 5%.

Nhưng thị trường đang dễ bị kích động. Những hành động tương đối nhỏ cũng có thể gây ra đột biến. Sunny Verghese, CEO Olam, nhà buôn gạo lớn thứ hai thế giới, cho biết chỉ 4 hoặc 5 quốc gia trồng được nhiều gạo hơn nhu cầu của họ. Đó là lý do những hạn chế xuất khẩu đợt rồi của Việt Nam khiến giá cả tăng mạnh.

Và những kiểm soát xuất khẩu khuyến khích người mua dự trữ, tạo ra một vòng lẩn quẩn. Nhiều quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu đặt “chiến lược” dự trữ ngũ cốc, thường bao gồm nguồn cung trong 3 tháng. Hiện họ có thể tăng thêm một tháng, theo Jonatan Lassa, chuyên gia tại Đại học Charles Darwin (Australia)

Hậu quả kết hợp giữa kiểm soát xuất khẩu và dự trữ có thể gây hại đến các nước nghèo. Nhiều nước cho biết tiền tệ của họ bị mất giá và vì vậy phải tốn kém hơn để nhập khẩu thực phẩm. Bất cứ điều gì về lạm phát thực phẩm như năm 2007-2008 sẽ trở thành một thảm họa nhân đạo.

Sự phối hợp toàn cầu có thể giúp kiềm chế thảm kịch đó. Tháng trước, 22 thành viên trong Tổ chức Thương mại Thế giới, các nước chiếm 63% lượng xuất khẩu nông sản trên thế giới, cam kết duy trì mở cửa thương mại, đây là một điềm tốt.

Ông André Laperrière của GODAN cho rằng hợp tác ở cấp độ địa phương cũng cần thiết. Ví dụ, các siêu thị có thể ra mắt nền tảng giao dịch liên doanh, nơi họ có thể trao đổi sản phẩm khi gặp phải tình trạng thiếu hụt. Nếu như sự hợp tác và kết nối như vậy được duy trì, đổ bể chuỗi thực phẩm toàn cầu có thể được ngăn chặn.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : COVID-19

Các tin liên quan đến bài viết