Từ hôm nay, người dân có thể đo đếm chất lượng cuộc sống, doanh nhân đánh giá môi trường kinh doanh qua hai con số, đó là năm 2020 tăng trưởng kinh tế phải trên 5%, giữ lạm phát dưới 4%.
Được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra để các bộ ngành, địa phương, doanh nhân cùng thực hiện, ẩn sau con số ấy là chất lượng cuộc sống của gần 100 triệu dân. Không trên 5, vẫn trên 4, chất lượng cuộc sống suy giảm, nhiều khó khăn hơn.
Nhìn ra thế giới, chúng ta may mắn hơn khi kinh tế nhiều nước tăng trưởng âm, mất việc tràn lan. Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, nhưng nếu chỉ đạt 2,7% như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo thì cuộc sống người dân vẫn khó khăn. Việt Nam đang phát triển, người bước vào độ tuổi lao động cần việc làm khá cao, vì thế phải có thêm nhiều công trình, nhà máy, thêm vốn đổ vào nền kinh tế, đạt tăng trưởng 5% mới có thể tạo ra thêm việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, do giá cả tăng cũng tính vào tăng trưởng kinh tế, nếu giá cả tăng cao đẩy GDP tăng nhưng chất lượng và thu nhập cuộc sống người dân không tăng tương ứng. Vì vậy, hai con số trên 5% dưới 4% luôn phải song hành.
Công bằng mà nói, mức tăng 5% chỉ là “ngưỡng vừa đủ”, không tạo ra thêm nhiều sung túc nhưng cũng không làm giảm chất lượng cuộc sống của đại đa số người dân. Cần nhắc lại, từ sau năm 2011 đến nay kinh tế luôn có mức tăng trưởng trên 6%. Đặc biệt năm 2018 là 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008, và năm 2019 là 7,02%, cũng hai năm liên tiếp có mức tăng trên 7%.
Nhiều nhà máy, công trình, doanh nghiệp mới thành lập, đủ sức để tạo ra việc làm cho những người lần đầu tiên bước vào độ tuổi lao động. Sinh viên ra trường dễ kiếm việc làm, người lao động không lo bị sa thải bất ngờ vì nhà máy mất đơn hàng hay đóng cửa…
Đại dịch COVID-19 đã phá bĩnh đà tăng trưởng kinh tế của đất nước. Mục tiêu trên 5% của năm 2020 dù khiêm tốn vẫn là điểm sáng trên thế giới.
Nhưng cuộc sống người dân có dễ thở hay không phụ thuộc vào việc triển khai 5 mũi giáp công để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế (thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng nội địa).
Nếu 700.000 tỉ vốn đầu tư công vẫn kẹt ở đâu đó, không thể giải ngân; nếu các dự án bất động sản chưa được gỡ về thủ tục để triển khai; nếu các địa phương không tăng tốc đền bù giải tỏa cho các dự án đường cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành và nhiều dự án hạ tầng khác; nếu ngành du lịch, hàng không… chưa thể cất cánh với thị trường nội địa, nếu doanh nghiệp còn khó vay vốn ngân hàng; nếu thị trường nội địa chưa được khai thác đúng mức; nếu giá những mặt hàng thiết yếu, trong đó có thịt heo, kềm mãi vẫn không giảm nhiệt… đều khiến con số trên 5% và dưới 4% không trọn vẹn.
Danh sách những chữ nếu như trên đã được nhận diện và còn rất dài. Phải xoay chuyển ngay những chữ nếu này, nếu không người lao động sẽ vất vả tìm việc, thu nhập teo tóp đi! Hệ quả là có thêm một “nếu không” khác, đó là ảnh hưởng đến đà tăng trưởng năm 2021, được xem là năm với dự báo nền kinh tế lấy lại phong độ với mức tăng ai cũng hài lòng, trên 7%.
Nguồn: tuoitre.vn