Tại TP.HCM, việc tạm dừng rồi cho hoạt động lại tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Công ty PouYuen) vừa qua là điển hình cho việc “thiết lập cuộc chơi” mùa dịch.
Trước đây, quy mô 62.000 công nhân, làm việc 3 ca (có ca đêm), duy trì trên 800 xe đưa rước công nhân hằng ngày đi và về một số tỉnh ven thành phố… Công ty PouYuen trở thành nỗi lo bùng phát “ổ dịch” của TP.
Tuy nhiên, vấn đề càng làm cho các cơ quan chức năng của TP bối rối hơn khi xưa nay không có bộ tiêu chí “chấm điểm” nguy cơ lây lan dịch bệnh của các công ty. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trước khi Thủ tướng có chỉ thị 16 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) liên tục đến kiểm tra, giám sát tại PouYuen.
Dù có nguy cơ lây nhiễm nhưng để chỉ ra bằng những dẫn chứng khoa học, thuyết phục được doanh nghiệp rất khó, khiến các cơ quan đau đầu. HCDC chỉ dừng ở mức khuyến cáo công ty này giảm quy mô hoặc tạm dừng sản xuất để đảm bảo an toàn.
Ngay sau đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM ban hành bộ tiêu chí đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus corona tại doanh nghiệp trên địa bàn với 10 chỉ số thành phần. Đại diện HCDC chia sẻ: bộ tiêu chí giống như hướng dẫn, thước đo để đánh giá chỉ số rủi ro của doanh nghiệp. Đây là công cụ để đoàn giám sát đo mức độ rủi ro thấp, trung bình hay cao.
Từ đó HCDC đưa ra những khuyến cáo, hướng dẫn các giải pháp phòng chống COVID-19 để doanh nghiệp khắc phục. Nếu doanh nghiệp cố tình đối phó, không điều chỉnh, bộ tiêu chí là căn cứ để cơ quan chức năng kiến nghị tạm ngưng sản xuất.
Có “thước đo” trong tay, HCDC nhanh chóng đánh giá PouYuen vào nhóm “rủi ro lây nhiễm rất cao” và kiến nghị tạm dừng hoạt động. UBND TP sau đó thống nhất quan điểm việc tạm dừng hoạt động sản xuất Công ty PouYuen hai ngày 14 và 15-4.
Sau 2 ngày tạm dừng, Công ty PouYuen đã khắc phục được những chỉ số chưa đạt như giảm quy mô sản xuất còn 30%, giảm 90% số lượng xe đưa rước người lao động, bố trí vách ngăn trong nhà ăn để đảm bảo ngăn cách giữa những người ngồi ăn, bố trí làm việc lệch ca, lắp đặt thêm các bồn rửa tay… Kết quả đánh giá lại theo bộ tiêu chí tại công ty đạt mức 42% (rủi ro lây nhiễm trung bình) – mức cải thiện đáng kể so với mức 81% (rủi ro lây nhiễm rất cao) trước đó, do đó công ty có thể tiếp tục hoạt động và duy trì.
Vừa sản xuất vừa chống dịch
Theo nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương, giai đoạn này nếu doanh nghiệp nào tái cơ cấu tốt, tổ chức lại sản xuất sẽ có cơ hội tăng sức cạnh tranh, vươn lên so với các đối thủ. Một doanh nghiệp có khoảng 1.000 lao động tại đây cho biết vừa qua đã cắt giảm khoảng 30% lao động, chủ yếu là những lao động có năng suất làm việc không tốt. Nhiều doanh nghiệp cũng tận dụng thời gian giảm bớt sản xuất để cơ cấu lại các dây chuyền đạt hiệu quả tốt hơn.
Từ đầu mùa dịch tới nay, hầu hết các doanh nghiệp tại Bình Dương vẫn tiến hành sản xuất trong tâm thế “vừa sản xuất vừa chống dịch”. Người lao động phải đo thân nhiệt toàn bộ trước khi vào nhà máy, lau rửa vệ sinh các vị trí tiếp xúc nhiều người trong công ty, các bếp ăn có vách ngăn chống dịch…
Nguồn: tuoitre.vn