Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến 13h hôm nay 18-4, mới có 6.829 tấn trong số 400.000 tấn gạo hạn ngạch tháng được doanh nghiệp đăng ký tờ khai hải quan được xuất khẩu.

Lượng gạo thực xuất mới chỉ đạt 1,7% hạn ngạch - Ảnh 1.

Tính đến 13h hôm nay 18-4, trong số 400.000 tấn gạo hạn ngạch tháng này mới có 6.829 tấn gạo đã được xuất khẩu – Ảnh chụp màn hình cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan lúc 13h ngày 18-4 

Theo cập nhật số liệu về tình hình xuất khẩu 400.000 tấn gạo theo hạn ngạch trên cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan, tính đến 13h ngày 18-4, lượng gạo đã đăng ký xuất khẩu 399.999,73 tấn gạo. Lượng gạo thực xuất đạt 6.829,85 tấn. Lượng còn lại được phép đăng ký xuất 0,27 tấn.

Như vậy, tính từ thời điểm 39 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu hết 400.000 tấn gạo là 10h ngày 12-4, đến nay đã qua hơn 6 ngày, số gạo được xuất chiếm chỉ đạt 1,7% tổng hạn ngạch.

Trong khi đó, Tổng cục Hải quan cho biết theo phản ánh của Hiệp hội lương thực Việt Nam, số gạo đang nằm tồn ở cảng chưa đăng ký được tờ khai xuất khẩu do hết hạn ngạch đến 146.453 tấn.

Để tạo thuận lợi cho gạo xuất khẩu, ông Âu Anh Tuấn – cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan – cho biết đã có hướng dẫn Cục Hải quan địa phương về cách thức kiểm tra đối với các lô hàng gạo xuất khẩu.

Theo đó, Cục Hải quan tỉnh, thành chỉ đạo các chi cục hải quan kiểm tra hồ sơ để xác định gạo xuất khẩu đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 107 năm 2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Về kiểm tra thực tế để xác định lượng gạo thực xuất khẩu, các đơn vị sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, không yêu cầu doanh nghiệp phải dỡ gạo ra khỏi container đối với hàng hóa đóng trong container.

Cụ thể, đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, khối lượng gạo phải được kiểm tra qua cân. Cơ quan Hải quan phải ghi nhận để xác nhận số lượng thực tế xuất khẩu.

Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường biển, cơ quan Hải quan căn cứ khối lượng hàng hóa thực tế được xếp lên phương tiện vận tải của hãng tàu hoặc đơn vị xếp dỡ để xác nhận số lượng thực tế xuất khẩu.

Cục Giám sát quản lý về hải quan đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành kiểm tra, theo dõi việc thực hiện của công chức hải quan, không để tình trạng phiền hà, sách nhiễu, gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Giá gạo chào thầu cho dự trữ quốc gia cao hơn hồi tháng 3

Đồng loạt Cục Dự trữ ở nhiều khu vực trên cả nước cũng thông báo mời thầu gạo dữ trữ quốc gia năm 2020. Đây là đợt mở thầu lại để mua 182.300 tấn gạo dự trữ quốc gia sau khi 26 doanh nghiệp trúng thầu không ký hợp đồng cung cấp gạo.

Cụ thể, Cục Dự trữ khu vực Tây Nam Bộ mời thầu 4.500 tấn gạo, khu vực Nam Tây Nguyên 5.800 tấn gạo, khu vực Hà Bắc 9.000 tấn gạo, khu vực Hà Nam Ninh 8.000 tấn gạo, khu vực Tây Bắc 11.000 tấn gạo, khu vực Nghệ Tĩnh, 14.500 tấn gạo…

Theo đó, có các gói thầu được đấu thầu rộng rãi trong nước. Ngày phát hành hồ sơ mời thầu 17-4 và mở thầu ngày 12-5, gạo nhập kho xong trước ngày 30-6.

Đáng chú ý, giá mời thầu lần này được đưa ra mức cao hơn so với ngày mở thầu 12-3 mà 22 Cục Dự trữ các khu vực đã chào.

Đơn cử, giá gói thầu đã gồm thuế giá trị gia tăng cung cấp 700 tấn gạo được khu vực Tây Nam Bộ đưa ra lần này là 7,5 tỉ đồng, cao hơn 1 tỉ so với giá gói thầu hồi tháng 3 6,5 tỉ.

Nguyên nhân phải mở thầu lại và đưa giá thầu cao hơn, Tổng cục Dự trữ cho biết do giá gạo trong tháng 4 trên thị trường biến động mạnh, tăng thêm 1.200 – 2.000 đồng/kg so mức giá của tháng 3.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : gạohạn ngạchlương thựcxuất khẩu

Các tin liên quan đến bài viết