Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) vừa đưa ra những khuyến cáo cho chính phủ, ngành công nghệ thông tin, nhà trường, đặc biệt là các bậc phụ huynh trước nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng trong đại dịch COVID-19.
Theo UNICEF, hàng triệu trẻ em tăng nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19. Hơn 1,5 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi trường học đóng cửa trên toàn thế giới do dịch COVID-19.
Hiện nay nhiều học sinh học tập, giao lưu nhiều hơn trên môi trường mạng. Việc dành nhiều thời gian hơn trên các nền tảng ảo có thể khiến trẻ dễ bị bóc lột tình dục, dụ dỗ và lừa gạt, tiếp xúc với những nội dung độc hại, bạo lực vì những kẻ xấu đang tìm cách lợi dụng tình hình đại dịch.
UNICEF cùng với các đối tác vừa đưa ra văn bản để hối thúc các chính phủ, ngành công nghệ thông tin và truyền thông, giáo viên và cha mẹ cần cảnh giác, có các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy đến. Bên cạnh đó, đảm bảo những trải nghiệm trên mạng của trẻ em được an toàn và tích cực trong đại dịch COVID-19.
Cụ thể, UNICEF khuyến cáo các trường học cần cập nhật các chính sách bảo vệ hiện hành để phù hợp với thực tế mới là học từ nhà của trẻ em. Đồng thời khuyến khích và theo dõi những hành vi tốt trên mạng, đảm bảo trẻ em vẫn tiếp cận được với các dịch vụ tham vấn của trường học.
Đặc biệt khuyến cáo cha mẹ cần đảm bảo các thiết bị của con được cập nhật phiên bản mới nhất và có các chương trình chống virus. Trong gia đình, cha mẹ thường xuyên chia sẻ cởi mở với con về cách giao tiếp trên mạng, giao tiếp như thế nào, với ai. Cùng con xây dựng những nguyên tắc khi dùng Internet, dùng như thế nào, khi nào, những kênh nào.
Cha mẹ cũng cần chú ý đến những dấu hiệu lo lắng của trẻ khi sử dụng mạng; đảm bảo con mình biết các chính sách từ nhà trường và cơ chế báo cáo ở địa phương, có các số điện thoại của đường dây điện thoại hỗ trợ và đường dây nóng.
UNICEF cũng đưa ra các khuyến cáo với chính phủ với các việc làm: đẩy mạnh các dịch vụ bảo vệ trẻ em chủ chốt; tập huấn cho các cán bộ y tế, giáo dục, cán bộ xã hội về tác động của COVID-19 đối với sức khỏe và tinh thần của trẻ em, kể cả những nguy cơ trên mạng.
Cùng với đó, tăng cường sáng kiến nâng cao nhận thức và giáo dục về an toàn cho trẻ em trên mạng; đảm bảo nhà cung cấp dịch vụ xã hội, trường học, cha mẹ và trẻ em biết về các cơ chế báo cáo ở địa phương và số điện thoại các đường dây nóng hỗ trợ.
Với ngành công nghệ thông tin, đảm bảo các nền tảng mạng tăng cường các biện pháp bảo vệ và an toàn, đặc biệt là các công cụ học tập trên mạng; thúc đẩy và hỗ trợ các dịch vụ chuyển tuyến đảm bảo an toàn cho trẻ em và đường dây điện thoại trợ giúp; xây dựng các chính sách tiêu chuẩn phù hợp với quyền trẻ em.
Ngoài ra, sử dụng các tính năng bảo vệ sẵn có, đồng thời đổi mới sáng tạo một cách phù hợp, cung cấp kết nối mạng Internet để cải thiện tiếp cận của những trẻ em thiệt thòi từ các hộ gia đình thu nhập thấp.
Nguồn: tuoitre.vn