Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công ngày 14-4, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải cải cách căn bản, toàn diện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
Tăng năng suất lao động để giảm sức ép lên quĩ lương. Trong ảnh: Cán bộ, công chức trẻ Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM tham gia Ngày thứ bảy tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân – Ảnh: Q.L. |
Theo kế hoạch, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì hoàn thiện đề cương Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp.
Còn Bộ Lao động – thương binh và xã hội chủ trì hoàn thiện đề cương Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và đề cương Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công.
Các đề án này sẽ được trình Bộ Chính trị vào quý 1-2018 và đến tháng 5 năm sau trình trung ương.
Tăng lương bằng cách giảm người
Đại diện nhiều bộ ngành tham dự cũng cho rằng cải cách tiền lương là vấn đề khó và phức tạp, đặc biệt là nguồn tiền để cải cách.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết phương án cải cách tiền lương khá toàn diện gồm cải cách thang bảng lương, mức lương cơ sở, phụ cấp… nên nhu cầu nguồn cho tiền lương có thể sẽ tăng lên và “đây là vấn đề cần cân nhắc”.
Cái khó nhất theo bà là ngân sách khó khăn, không tìm ra nguồn tiền để cải cách tiền lương. Hai năm qua, khi Quốc hội và Chính phủ ép phải tăng lương nhưng Bộ Tài chính không thể cân đối được nguồn. Do đó, giải pháp duy nhất là ép các bộ ngành phải tự lo.
Bà nêu: như năm 2016, lương cơ sở tăng từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng. Còn đến năm 2017, lương cơ sở từ 1.210.000 đồng tăng lên 1.300.000 đồng. Tuy vậy, ngân sách không có để chi. Song mọi việc cũng đâu vào đó nhờ các bộ ngành phải giảm biên chế, giảm đầu mối đơn vị, từ đó quỹ lương dôi ra để cải cách tiền lương.
Trong sạch bộ máy, tăng năng suất lao động
Về cách thức xây dựng đề án, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, các ngành cần phải đánh giá xem chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công có hạn chế gì vì đã thực hiện gần 15 năm nay.
Cụ thể, cần đánh giá sâu xem tiền lương đã động viên được cán bộ công chức, người lao động gắn bó tận tâm với công việc hay chưa? Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu đã đảm bảo nhu cầu tối thiểu hay chưa? Quan hệ tiền lương hiện nay như thế nào, theo thị trường chưa hay vẫn tính bình quân? Hệ thống thang bảng lương công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hiện nay như thế nào? Có ý kiến là hệ thống thang bảng lương cho những đối tượng này còn lạc hậu…
Riêng đối với mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công, ông Huệ cho rằng tuy đã tăng nhưng đời sống người có công vẫn thấp so với mức bình quân chung của xã hội, cá biệt có một bộ phận đời sống người có công còn rất khó khăn.
Phó thủ tướng lưu ý: các cơ quan soạn thảo chính sách lưu ý điều chỉnh mức lương khu vực doanh nghiệp nhanh hơn khu vực công để có thể sớm đạt được nhu cầu tối thiểu. Áp dụng một bảng lương chung, thực hiện chính sách đặc thù ngành nghề bằng phụ cấp chứ không nên quá nhiều bảng lương làm rối rắm.
Rà soát các ngành nghề đặc thù như tư pháp, hải quan, thuế… trên cơ sở đó xây dựng hoàn thiện các chế độ trợ cấp, phụ cấp đảm bảo công bằng hợp lý. Đẩy mạnh cải cách khu vực hành chính, thu gọn đầu mối và tinh giản biên chế…
Đặc biệt theo ông, nhanh chóng nghiên cứu chuyển những thu nhập ổn định thành lương, “phải lương hóa các khoản này”. Đồng thời phải phấn đấu giảm đối tượng hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách, thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, nâng cao chất lượng hiệu quả công vụ.
Một điểm quan trọng thực hiện cải cách tiền lương là nguồn, thực hiện cơ cấu ngân sách nhà nước để tạo nguồn cải cách tiền lương.
Dứt khoát phải giảm biên chế công chức Cùng ngày, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chủ trì họp Ban Chỉ đạo nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo ông Nguyễn Duy Thăng – thứ trưởng Bộ Nội vụ, cả nước có hơn 56.800 đơn vị sự nghiệp công lập với tổng số biên chế trên 2,1 triệu người. Mục tiêu đến năm 2020 số biên chế phải giảm 10%, tương ứng với 210.000 người. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định quan điểm dứt khoát phải giảm số biên chế công chức, viên chức. |
Còn hàng ngàn người có công
chưa có chế độ
Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, trong thời gian qua chính sách ưu đãi người có công đã chăm lo cho 8,8 triệu lượt người có công, trong đó có 1,4 triệu người đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Tuy nhiên trong thực tế, chính sách ưu đãi người có công còn hạn chế như thiếu đồng bộ, tiêu chí xác nhận chưa rõ ràng. Hiện còn tồn tại hàng nghìn hồ sơ đề nghị được công nhận là người có công vẫn chưa được giải quyết. |