Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị 18 về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) năm năm 2021-2025.

Chỉ thị nêu rõ trong giai đoạn tới, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đó kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, đặt ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển bền vững, trong đó có diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Do đó, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 là rất nặng nề.

Doanh nghiệp công nghệ số phải đủ sức cạnh tranh toàn cầu

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của kế hoạch phát triển KT-XH năm năm 2021-2025.

Theo đó, từng bộ, ngành, địa phương phải nhận định, phân tích đúng những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro mà mình sẽ gặp trong việc lên kế hoạch và thực hiện phát triển KT-XH năm năm 2021-2025.

Thủ tướng yêu cầu từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải có mục tiêu tổng quát, kế hoạch trúng cho việc phát triển KT-XH năm năm 2021-2025. Từ yêu cầu nhận định đúng, mục tiêu trúng nêu trên, Thủ tướng chỉ rõ các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu. Cụ thể như thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.

Về phát triển nền kinh tế số, Thủ tướng định hướng cần hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu; cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Về các thành phần kinh tế, Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế để phát triển các mô hình kinh tế mới có ứng dụng công nghệ số.

Thủ tướng ra chỉ thị về phát triển kinh tế năm 2021-2025 - ảnh 17% là mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của cả nước bình quân năm năm 2021-2025. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chú trọng kinh tế vùng, phát triển kinh tế biển

Trong vấn đề nguồn lực, Thủ tướng chỉ thị cần nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Cùng đó là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo.

7% là mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của cả nước bình quân năm năm 2021-2025.

Trước mục tiêu trên, Chỉ thị 18 nêu rõ: Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần căn cứ tình hình thực tế xây dựng tốc độ tăng trưởng của ngành, lĩnh vực và địa phương cụ thể, hợp lý và phù hợp.

Điểm đáng chú ý, tại Chỉ thị 18, Thủ tướng nêu rõ thúc đẩy phát triển các vùng và khu kinh tế theo quy hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu ban hành quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên kết vùng. Chỉ thị cũng đặt ra vấn đề xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng; phát triển các mô hình kinh tế xanh cho các vùng và khu kinh tế. Cùng đó là phát triển các vùng nguyên vật liệu trong nước để chủ động hơn các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh; phát triển kinh tế biển.

Chỉ thị 18 cũng yêu cầu đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ như giao thông vận tải, cảng biển, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông, đô thị, nông nghiệp… Định hướng phát triển đô thị phải phù hợp với xu hướng đô thị thông minh, xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung nâng cao chất lượng đô thị.

Biến đổi khí hậu, dịch bệnh tác động lớn đến phát triển

Về tác động từ bên ngoài, Chỉ thị 18nêu kế hoạch phát triển KT-XH năm năm 2021-2025 xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, cạnh tranh trên thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt; tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn giai đoạn trước…

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và rộng rãi đến mọi mặt của đời sống; các thách thức an ninh phi truyền thống… Về những tác động mang tính thời sự, gần đây nhất, Chỉ thị 18 đặc biệt lưu ý là biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ; dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch COVID-19.

Về trong nước, Chỉ thị 18 nêu: Thế và lực của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh; tình hình chính trị – xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên… Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021-2025 nền kinh tế sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa và chậm được khắc phục, các vấn đề xã hội – môi trường gây áp lực lớn đến phát triển KT-XH như già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn…

LƯU ĐỨC

Nguồn https://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-ra-chi-thi-ve-phat-trien-kinh-te-nam-20212025-905614.html

Từ khóa : 7% GDPBan Hành Chỉ Thị 18Kế Hoạch Phát Triển Kinh Tế - Xã HộiNăm 2021-2025Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Các tin liên quan đến bài viết