Việc triển khai thí điểm các mô hình khám chữa bệnh từ xa nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết, các giải pháp khám chữa bệnh từ xa hiện đang được Bộ TT&TT, Bộ Y tế phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ và các bệnh viện Đại học Y, Tim Hà Nội và Đa khoa tỉnh Hà Nam triển khai thí điểm.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là đơn vị được Bộ Y tế giao thí điểm triển khai mô hình khám chữa bệnh từ xa với một số bệnh viện vệ tinh |
Trước đó, ngày 10/4/2020, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã ký các văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội, bệnh viện Tim Hà Nội, Sở Y tế Hà Nam, bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam, trường Đại học Y Hà Nội và bệnh viện Đại học Y Hà Nội về việc phối hợp thực hiện thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa.
Theo đó, Bộ Y tế đã giao bệnh viện Đại học Y Hà Nội là đơn vị thí điểm triển khai mô hình khám chữa bệnh từ xa với một số bệnh viện vệ tinh. Các bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam và Tim Hà Nội cũng được Bộ Y tế giao thí điểm triển khai mô hình khám chữa bệnh từ xa.
Các bệnh viện này được yêu cầu xem xét lựa chọn bệnh viện, cơ sở y tế có điều kiện điều kiện nhân lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng CNTT, mô hình bệnh tật phù hợp.
Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế Hà Nam và Sở Y tế các tỉnh có bệnh viện, địa phương tham gia thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa cần phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện và cơ quan liên quan để triển khai thực hiện trước ngày 16/4/2020.
Thông tin từ Cục Tin học hóa cho hay, hiện nay đã lựa chọn được bệnh viện, cơ sở y tế phù hợp để viện Đại học Y Hà Nội, viện Tim Hà Nội và viện đa khoa Hà Nam thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa.
Trong đó, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội dự kiến chọn thực hiện thí điểm mô hình tại 3 địa điểm. Bao gồm: Bệnh viện đa khoa Mường Khương, Lào Cai (tổ chức hội chẩn điện tâm đồ và siêu âm từ xa về các bệnh mạn tính cần đi khám hoặc duy trì thuốc tại nhà như thế nào); Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh (hội chẩn CT từ xa đánh giá những trường hợp đột quỵ não để chỉ định điều trị gián tiếp, hạn chế phải chuyển tuyến cao hơn); Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Xương, Thanh Hóa (kết nối giữa bác sỹ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với bệnh nhân ở thôn Câu Đồng, xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương).
Ngoài ra, theo thông tin từ doanh nghiệp công nghệ cung cấp giải pháp cho Đại học Y Hà Nội, với việc bệnh viện này triển khai thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa, người dân tại Hà Nội còn có thể sử dụng web, apps, conference để gửi thông tin đến bệnh viện. Từ đó, bác sĩ chẩn đoán bệnh, kê đơn thuốc điều trị tại nhà hoặc chỉ định đến khám.
Như vậy, mô hình này sẽ giúp bệnh nhân có bệnh mạn tính, cấp tính được tiếp cận với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mà không cần di chuyển, không cần tập trung trong thời kỳ “cách ly xã hội” và kể cả sau này.
Bộ Y tế cũng cho biết, căn cứ hiệu quả của mô hình triển khai thí điểm tại 3 bệnh viện: Đại học Y Hà Nội, Đa khoa tỉnh Hà Nam và Tim Hà Nội, Bộ Y tế và Bộ TT&TT sẽ phối hợp triển khai mở rộng quy mô tại các tỉnh, thành phố khác.
Việc triển khai thí điểm các mô hình khám chữa bệnh từ xa nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong Chỉ thị này, việc người dân hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh nếu không thực sự cần thiết cũng là một biện pháp có hiệu quả để phòng chống dịch bệnh.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, để hỗ trợ người dân khi thực hiện Chỉ thị 16 nhưng vẫn được hỗ trợ y tế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ TT&TT phối hợp cùng Bộ Y tế triển khai mô hình khám chữa bệnh từ xa tới các hộ gia đình, thôn bản, xã phường, quận huyện.
Nguồn: vietnamnet