Nhiều sản phẩm và mức giá ưu đãi đang là cơ hội tốt cho người mua nhà thời điểm này. Nhu cầu nhà ở vốn ổn định, tương đối ít bị ảnh hưởng bởi các tác động từ thị trường.

Khan hàng kéo dài nhiều năm

Lập nghiệp tại Hà Nội hơn 7 năm, vợ chồng anh Trần Tuấn Anh vẫn đang phải thuê nhà. Với tổng thu nhập của hai vợ chồng vào khoảng 28 triệu đồng/tháng, anh cho hay không biết khi nào mới mua được nhà. Nhu cầu về một ngôi nhà đầu tiên là rất cao nhưng không lại được với giá nhà đất tăng chóng mặt thời gian qua.

Anh cho hay, một căn hộ cao cấp 55m2 hiện có giá thấp nhất lên tới 1,5 tỉ đồng, thậm chí còn cao hơn nhiều. Cơ hội sở hữu nhà của người trẻ mua nhà lần đầu ngày càng xa vời, khi những dự án bất động sản mới có mức giá trên dưới 1,5 tỉ đồng/căn ngày càng khan hiếm. “Tiết kiệm mấy năm được 500 triệu đồng nhưng giá nhà mấy năm qua khá cao mà lại ít dự án phù hợp”, anh cho biết thêm.

Trong khi những người có nhu cầu mua nhà như anh Tuấn Anh rất nhiều thì nguồn cung bất động sản lại ngày càng hạn hẹp, thị trường đối mặt với tình trạng tăng giá. Nói về thực trạng này, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VnREA) từng cung cấp số liệu về tình hình đầu tư, kinh doanh BĐS trong năm 2019 của các doanh nghiệp thành viên. Trong đó, nổi lên vấn đề sụt giảm mạnh nguồn cung mới từ các dự án tại đô thị lớn.

Tình huống hiếm có: BĐS khan hàng dài hạn, tức thời chạm đáy
Nhu cầu mua nhà rất lớn

Tại diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên – xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020, TS Đặng Hùng Võ cho biết trong năm 2019, thị trường chững lại vì hàng loạt dự án đình trệ do phải rà soát pháp lý. “Trong 2-3 năm tới, nguồn cung nhà ở sẽ suy giảm và giá sẽ tăng. Giờ xu hướng tăng giá nhà ở đã bắt đầu”, ông Võ dự báo.

Báo cáo nghiên cứu thị trường của Công ty CBRE Vietnam cho thấy nguồn cung TP.HCM trong năm 2019 giảm 52%, Hà Nội giảm 24%. Trong khi giá nhà tại Hà Nội tăng 6%, TP.HCM tăng 12%, quan hệ cung cầu mất cân đối.

Khi những tồn tại của thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2019 chưa được giải quyết triệt để, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tạo ra những thách thức mới đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, thị trường BĐS Việt Nam nói riêng. Từ lượng dự án ra hàng mới, chất lượng/tần suất giao dịch, hoạt động kinh doanh dịch vụ BĐS…, tất cả đều ảm đạm, thiếu sức sống.

Trong khi đó, nhu cầu mua nhà của người dân vẫn còn rất lớn. Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng bức thiết. Xu hướng các gia đình trẻ, gia đình tách hộ… ngày càng tăng. Hơn nữa, Việt Nam có tốc độ đô thị hoá nhanh, ước tính khoảng một triệu dân cư đô thị mới tăng lên mỗi năm.

Theo Bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước cần xây dựng khoảng 700.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại các khu vực đô thị trong cả nước. Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia khó chạm mốc.

Chớp cơ hội bắt đáy

Đầu năm 2020, thị trường bất động sản giảm sút do ảnh hưởng của Covid-19. Báo cáo thị trường quý I/2020 do Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) công bố mới đây cho thấy cả lượng cung lẫn giao dịch, tỷ lệ hấp thụ đều ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Theo đó, đối với các dự án nhà ở, tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm. Giao dịch đạt 7.641 sản phẩm, tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt 14,3%. Trong đó, lượng cung mới chào bán là 18.695 sản phẩm, bao gồm 8.363 căn hộ chung cư và 10.322 nhà ở thấp tầng. Lượng giao dịch đạt 2.769 sản phẩm chỉ bằng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tỉ lệ hấp thụ đạt 14,8%.

Tại Hà Nội, có 8.963 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch 1.307 sản phẩm. Trong đó có 1.167 sản phẩm mới chào bán, giao dịch 181/1.167 sản phẩm, còn lại là nguồn cung và giao dịch từ hàng tồn kho năm 2019.

Tình huống hiếm có: BĐS khan hàng dài hạn, tức thời chạm đáy
Cơ hội cho người mua nhà

Dự báo về tình hình thị trường BĐS Việt Nam trong quý II/2020, VARs cho rằng, lượng giao dịch nhà ở tại các đô thị như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong quý tiếp theo tập trung diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu ở của người dân vẫn ở mức cao. Nguồn cung mới từ các dự án BĐS đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn cũng không có nhiều. Điều này dẫn đến giá khó thể giảm.

Đánh giá về thị trường ông Dương Đức Hiển, nguyên Giám đốc Kinh doanh nhà ở Savills, đã bày tỏ sự lạc quan nhất định. Đối với BĐS thì nhu cầu ở vẫn rất lớn và mức ảnh hưởng của Covid-19 có thể gián tiếp hơn. Hơn thế, tại thị trường đang phát triển như Việt Nam, có thể xảy ra khủng hoảng cục bộ ở một vài địa phương chứ không xảy ra trên diện rộng cả nước.

Nhìn nhận về tiềm năng, theo JLL Việt Nam, BĐS nhà ở vẫn là tài sản đầu tư tốt, hưởng lợi từ thu nhập tiền thuê ổn định và khả năng linh hoạt giá thuê để đảm bảo tỷ lệ lấp đầy. Nhu cầu nhà ở vốn ổn định, tương đối ít bị ảnh hưởng bởi các tác động từ thị trường.

Chính vì thế, xu hướng chững lại gần đây chỉ là phản ứng tức thời trong ngắn hạn khi người dân có tâm lý khu trú dòng tiền trước mắt để quan sát tìm hiểu chờ ổn định để ra tiền. Dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, nền kinh tế sẽ bật lên, dòng tiền sẽ chảy mạnh mẽ và nhà đất chính là lĩnh vực sôi động trở lại sớm nhất. Quãng thời gian giảm giá vì thế không nhiều, nếu không nắm bắt thì cơ hội sẽ qua đi nhanh chóng.

Còn ở góc độ người mua, các chuyên gia cho rằng, đối với nhà đầu tư có năng lực về tài chính và không phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường, đây có thể là cơ hội để lựa chọn những dự án đúng với mục tiêu đầu tư của mình, phù hợp các tiêu chí lựa chọn về vị trí, tiến độ pháp lý và xây dựng, uy tín chủ đầu tư, tiềm năng phát triển của khu vực,… và đặc biệt là mức giá.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bắt động sảndầu tư

Các tin liên quan đến bài viết