Trong khi Trung Quốc lần đầu tiên thông báo không có thêm trường hợp nào thiệt mạng vì virus corona chủng mới, thì Chính phủ Nhật vừa phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sự bùng phát của dịch Covid-19.

Trang Worldometers thống kê, tính đến chiều 7/4 (theo giờ Việt Nam), dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra đã tấn công 209 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp toàn cầu, lây nhiễm cho ít nhất 1.356.380 người và cướp đi sinh mạng của 75.762 trường hợp trong số đó. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến hơn 290.000 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi.

Trung Quốc báo tin vui, Nhật ban bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19
Các hành khách đeo khẩu trang phòng ngừa lây lan Covid-19 khi đi tàu điện ngầm ở Tokyo, Nhật. 

Nhật ban bố tình trạng khẩn cấp

Thủ tướng Nhật Abe Shinzo ngày 7/4 đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp tại 7 tỉnh thành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì sự bùng phát của dịch Covid-19 gồm Kanagawa, Saitama, Osaka, Chiba, Hyogo, Fukuoka và thủ đô Tokyo. Theo hãng thông tấn Kyodo, sắc lệnh có hiệu lực trong một tháng, từ nay cho đến hết ngày 6/5.

Đây là lần đầu tiên Nhật ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp để đối phó với dịch bệnh. Theo sắc lệnh mới, “các hoạt động kinh tế cơ bản” sẽ vẫn tiếp tục, hệ thống giao thông công cộng và các siêu thị vẫn được mở cửa. Người dân được yêu cầu ở nhà và tránh ra ngoài khi không cần thiết.

Thủ tướng Abe cho biết, Nhật sẽ tăng gấp đôi số ca xét nghiệm Covid-19 lên 20.000 trường hợp/ngày. Chính phủ của ông cũng sẽ sớm công bố gói cứu trợ trị giá 108.000 tỷ Yen (989 tỷ USD), tương đương 20% GDP nhằm ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế đất nước.

Tin vui từ Trung Quốc

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 7/4 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này chỉ ghi nhận 32 ca nhiễm mới Covid-19 có triệu chứng, với tất cả số này đều là những trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài thời gian gần đây. Cùng thời gian, nước này cũng ghi nhận thêm 30 ca dương tính với virus không có triệu chứng.

Đáng nói, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu công bố các dữ liệu liệu thống kê về dịch Covid-19 vào tháng Một, nhà chức trách Trung Quốc thông báo không có thêm ca tử vong nào vì mầm bệnh nguy hiểm. Tín hiệu tích cực xuất hiện đúng vào lúc đại lục và đặc khu hành chính Hong Kong siết chặt các biện pháp giới hạn mọi hoạt động di chuyển từ nước ngoài đến Trung Quốc nhằm ứng phó với xu hướng gia tăng các ca nhiễm Covid-19 có nguồn gốc nhập ngoại hoặc không có triệu chứng.

Theo kế hoạch, ngày mai, 8/4 thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát và cũng là tâm chấn của dịch Covid-19 ở đại lục sẽ chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 3 tháng qua.

Châu Âu điêu đứng vì dịch

Cho đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 vẫn như cơn sóng thần càn quét các quốc gia châu Âu.

BBC trích dẫn thông báo của Bộ Y tế Tây Ban Nha cho hay, trong 24 giờ qua có thêm 743 người ở nước này thiệt mạng vì virus corona chủng mới, tăng hơn 100 trường hợp so với một ngày trước đó và nâng tổng số ca tử vong trên toàn quốc tính đến ngày 7/4 lên 13.798 người.

Số ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày tại Tây Ban Nha có xu hướng giảm, nhưng vẫn trên mức 3.800 người, nâng tổng số trường hợp dương tính với virus của nước này lên hơn 140.500 người, cao thứ hai thế giới sau Mỹ. Để ứng phó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã thông báo kéo dài thời gian phong tỏa toàn quốc đến hết ngày 25/4.

Diễn biến dịch tại Anh cũng khá phức tạp khi tổng số ca dương tính với virus corona chủng mới ở nước này đã lên tới 51.608 người, với 5.373 trường hợp tử vong. Thủ tướng Boris Johnson đang phải nằm điều trị trong phòng chăm sóc tích cực tại bệnh viện vì tình hình sức khỏe của ông chuyển biến xấu. Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove hiện cũng phải tự cách ly tại nhà vì một thành viên gia đình có triệu chứng nhiễm virus.

Nga cũng vừa trải qua một ngày đen tối, khi tổng số ca nhiễm mới Covid-19 ở nước này trong vòng 24 giờ qua lần đầu tiên tăng hơn mức 1.000 trường hợp, lên 7.497 người trên toàn quốc. Số ca tử vong vì dịch ở nước này tính đến thời điểm hiện tại là 58 người, tăng hơn 11 người so với dữ liệu thống kê ngày 6/4. Thủ đô Moscow hiện vẫn là tâm dịch của cả nước. Chính quyền địa phương đã cho áp dụng các biện pháp phong tỏa một phần để dập dịch, bao gồm cả việc chỉ cho phép người dân rời nhà để mua nhu yếu phẩm và thuốc men.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo nước này vẫn chưa đạt đến đỉnh dịch Covid-19, với tổng số nhiễm mới và tử vong dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 833 người thiệt mạng vì dịch, nâng số ca tử vong trên toàn quốc lên 8.911 người trong tổng số hơn 98.000 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới.

Để ngăn chặn mầm bệnh lây lan, Pháp đã huy động hơn 160.000 cảnh sát và hiến binh kiểm tra việc tuân thủ lệnh phong tỏa toàn quốc chống dịch. Mặc dù mọi người vẫn được phép ra ngoài để tập thể dục trong thời gian áp lệnh phong tỏa, nhưng tại thủ đô Paris, nhà chức trách địa phương đã cấm các cư dân chạy bộ ngoài trời từ 10 giờ sáng tới 7 giờ tối nhằm hạn chế các tiếp xúc không cần thiết, cũng như việc lợi dụng danh nghĩa tập thể dục để trốn ra ngoài chơi. Nhiều thành phố Pháp cũng thông báo sẽ phân phát miễn phí khẩu trang cho người dân để chống dịch.

Các tin nóng khác về dịch Covid-19:

– Bộ trưởng Y tế New Zealand David Clark tự gọi mình là “kẻ ngu ngốc” vì đã lái xe 20km ra bãi biển chơi cùng gia đình, vi phạm các quy định về cách ly cộng đồng để chống dịch Covid-19. Ông Clark đã nộp đơn xin từ chức lên Thủ tướng Jacinda Ardern. Song, do “không muốn để xảy ra tình trạng rối loạn trong ngành y tế hoặc trong phản ứng của chính phủ trong công tác dập dịch”, bà Ardern tiếp tục để ông Clark giữ nguyên chức vụ.

– Indonesia ngày 7/4 ghi nhận thêm 247 ca nhiễm virus Covid-19, mức cao nhất trong một ngày, nâng tổng số bệnh nhân tại nước này lên 2.738 người. Tổng số ca tử vong của nước hiện là 221 trường hợp, tăng 12 ca so với một ngày trước đó. Để đối phó, Chính phủ Indonesia đã phê chuẩn đề nghị của chính quyền thủ đô Jakarta về việc áp đặt các hạn chế xã hội quy mô lớn hơn trong 2 tuần tại thành phố, nơi hiện đang là tâm dịch của cả nước. Các biện pháp hạn chế bao gồm giới hạn các sự kiện tôn giáo, các hoạt động liên quan đến văn hóa – xã hội và đóng cửa các trường học và nơi làm việc.

–  Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước ưu tiên chi tiền để bảo vệ sức khỏe người dân giữa đại dịch Covid-19, đồng thời nên tiến hành song song việc cứu người và bảo vệ nền kinh tế. Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều tổ chức cam kết hỗ trợ khẩn cấp hàng tỉ USD để nền kinh tế thế giới đối phó với khủng hoảng. Trong đó, IMF khẳng định đã tăng gấp đôi năng lực cấp vốn, từ 50 tỷ USD lên 100 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới (World Bank) tuần trước thông qua các khoản vay khẩn cấp trong lĩnh vực y tế cho 25 nước, với tổng số tiền lên đến 1,9 tỷ USD.

– Theo CNN, Hoa hậu Anh 2019 Bhasha Mukherjee đã quyết định dừng các hoạt động từ thiện ở nước ngoài và quay trở về nước để tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19 với tư cách bác sĩ. Mukherjee trở về Anh từ ngày 2/4 và đang tự cách ly trong 1 – 2 tuần trước khi cô quay trở lại bệnh viện để hỗ trợ các đồng nghiệp điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chính phủ nhậtCOVID-19lây lantrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết