Số ca tử vong do Covid-19 dường như chững lại ở New York, Mỹ và phản ánh xu hướng đang diễn ra ở Italia, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, khủng hoảng do Covid-19 gây ra đang leo thang một cách báo động ở Anh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson |
Thủ tướng Anh vào phòng chăm sóc tích cực
Theo AP, Thủ tướng Anh Boris Johnson, 55 tuổi, tối qua (6/4) đã được đưa vào phòng chăm sóc tích cực sau khi tình hình của ông chuyển biến xấu.
Ông Johnson hiện vẫn tỉnh và chưa cần thiết phải thở máy ngay lập tức, văn phòng Thủ tướng Anh xác nhận. Thủ tướng Anh là người đứng đầu chính phủ đầu tiên trên thế giới ngã bệnh vì nhiễm virus corona chủng mới.
Dịch đạt đỉnh ở nơi virus tấn công mạnh nhất Mỹ
Tại New York, Thống đốc Andrew Cuomo thông báo những dấu hiệu đầu tiên, không mấy rõ rệt rằng dịch Covid-19 tại bang này có thể đã đạt đỉnh hoặc gần đỉnh.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, hiện giờ vẫn chưa phải là thời gian có thể nới lỏng các hạn chế để tách mọi người ra xa nhau. Nhà lãnh đạo này đã yêu cầu các mức phạt nặng hơn đối với những ai vi phạm.
Ông Cuomo cho hay, các ca tử vong vì virus corona chủng mới ở Mỹ đã vượt qúa 10.000 và số ca nhiễm vào khoảng 350.000.
Covid-19 đổi hướng sang Anh, Pháp
Dịch Covid-19 ở những nơi khác lại đi theo hướng ngược lại với New York: Pháp ghi nhận số ca tử vong vì virus corona chủng mới trong 24h qua vọt lên mức kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát ở nước này, thêm 833 người thiệt mạng.
Ảnh |
Thủ tướng Nhật Abe Shinzo cho biết, hôm nay ông sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở một số khu vực, trong đó có Tokyo, sau khi các ca nhiễm tăng vọt.
Số ca tử vong vì Covid-19 ở Anh đã tăng thêm 400 trong ngày 6/4, nâng tổng số người chết do virus corona chủng mới lên gần 5.400.
Trên toàn thế giới, hơn 1,3 triệu người được xác nhận nhiễm Covid-19 và hơn 70.000 người đã chết, thống kê của Đại học John Hopkins cho biết. Tuy nhiên, con số thực chắc chắn cao hơn nhiều do số lượt xét nghiệm có giới hạn cũng như cách đếm ca tử vong và nhiễm bệnh của nhiều nước khác nhau.
Cách ly xã hội phát huy tác dụng làm virus chậm lây lan
Dữ liệu thống kê mới nhất cho thấy, cách ly xã hội dường như đã phát huy tác dụng ở một số quốc gia, tốt hơn so với dự đoán.
Ảnh |
Một số nơi trên thế giới, như Áo và Cộng hoà Czech đều công khai thảo luận về cách thức nới lỏng một số hạn chế, bắt đầu bằng việc mở cửa trở lại một số cửa hàng nhỏ và các cửa hàng bán cây cối vào tuần tới.
Tại Italia, số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tiếp tục giảm, số trường hợp phải điều trị tích cực đã giảm ngày thứ 3 liên tiếp. Thủ tướng Italia Giupseppe Conte cam kết, người Italia sẽ sớm được hưởng thành quả từ sự hy sinh tự do cá nhân. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này từ chối nói, khi nào lệnh phong toả sẽ được dỡ bỏ.
Cho tới giờ, Italia vẫn là nước có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, hơn 16.500. Tuy nhiên, sức ép với các khoa chăm sóc tích cực ở phía bắc nước này đã giảm xuống nhiều và hiện khu vực này không cần phải chuyển bệnh nhân bằng đường không tới các khu vực khác.
Tại Tây Ban Nha, số người tử vong và nhiễm mới cũng tiếp tục giảm. Bộ Y tế nước này cho biết, có thêm 637 ca tử vong trong ngày hôm qua, và đây là mức thấp nhất trong 13 ngày. Các ca nhiễm mới cũng thấp nhất trong 2 tuần. Tổng số người chết vì Covid-19 ở Tây Ban Nha hiện là 13.341, số ca nhiễm là 136.675.
Bộ trưởng Giao thông và các vấn đề thành thị Tây Ban Nha Jose Luis Abalos nói, các số liệu trên cho thấy, nước này đang tiến vào giai đoạn mới của trận chiến. “Giai đoạn mới không có nghĩa là chúng ta lơi lỏng sự đề phòng của mình. Chúng ta phải đánh giá các biện pháp mà chúng ta cần thông qua”.
Đó cũng thông điệp được các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới nhắc đi nhắc lại: Bất cứ thắng lợi nào cũng có thể đảo chiều nếu mọi người không tuân thủ các quy định phong toả.
Nguồn: vietnamnet