Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội mong muốn người dân tiêu thụ các mặt hàng như cá hồi, ngao, hàu… do xuất khẩu kém, các nhà hàng nghỉ, khả năng tiêu thụ thấp.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội chiều nay, Phó giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, sau 3 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị số 05 của UBND TP, Sở đã rà soát với Sở NN-PTNT các nguồn cung về lương thực thực phẩm, sản xuất để tính toán lượng thừa thiếu, đảm bảo cân đối cung cầu.
Theo bà Lan, hiện nay, mặt hàng rau củ quả, Hà Nội đang kết nối với Sở Công Thương một số tỉnh khu vực phía Bắc như Hải Dương, Bắc Giang, Hoà Bình, Sơn La nên nguồn cung rau củ quả rất nhiều, không đáng lo ngại.
“Riêng gạo thì Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã đăng ký trữ đến 500.000 tấn, trong khi đó, tính toán dự trữ hàng hoá gấp 3 lần cũng chỉ cần sử dụng hết 300.000 tấn nên chúng tôi vẫn yên tâm về nguồn cung phục vụ nhu cầu người dân”, bà Lan nói.
Về thuỷ hải sản, nguồn cung hiện nay cũng rất dồi dào. “Chúng tôi rất mong người dân thủ đô tiêu thụ đỡ cho các DN các mặt hàng như cá hồi, ngao, hàu và các loại cá khác trong miền Tây.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy ở An Giang. |
Hiện nay xuất khẩu kém, các nhà hàng, khách sạn nghỉ nên giá thuỷ hải sản hầu hết giảm từ 30-50%. Người dân tiêu thụ các sản phẩm này là giúp các DN vượt qua khó khăn”, Phó giám đốc Sở Công Thương bày tỏ.
Bà Lan khẳng định, tất cả các nguồn cung cho Hà Nội phong phú dồi dào. “Chúng tôi cũng có nhắc nhở các DN đảm bảo hàng hoá từ kho đến các quầy kệ luôn đầy đủ. Ví dụ vào 7 – 8h tối hàng có thể khan, hoặc hết thì đến hôm sau 5h sáng tại các siêu thị, hệ thống phân phối trên quầy kệ đủ rau thịt tươi ngon phục vụ người dân”, bà Lan thông tin.
Theo bà Lan, trong chiều tối ngày 2/4, có hiện tượng một số bà con tiểu thương tại các chợ tự nâng giá thịt lợn lên cao. Sở Công Thương đã trao đổi kịp thời với quản lý thị trường, có văn bản gửi lực lượng này tăng cường việc kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá tại các chợ, không để một số tiểu thương lợi dụng tăng giá.
Đối với việc lưu thông hàng hoá giữa các tỉnh về Hà Nội và ngược lại, việc thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ thì các tỉnh cũng đã có những cách thực hiện khác nhau.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhận được phản ánh của một số DN xe bị dừng để kiểm soát mất 3-4 tiếng, Sở đã báo cáo với Bộ Công Thương và UBND TP để có ý kiến với Bộ GTVT và Bộ Công an chỉ đạo xuống UBND các tỉnh, TP thống nhất phương án triển khai trên tinh thần vẫn phải thực hiện đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng là các hàng hoá thiết yếu phải được lưu thông bình thường.
“Hiện nay, chúng tôi tổng hợp đợt 1 là có 455 xe vận chuyển hàng hoá gửi sang Sở GTVT cũng như Công an TP để hỗ trợ DN phục vụ vận chuyển hàng hoá trên địa bàn”, bà Lan nói.
Nguồn: vietnamnet