Đại dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc từ tháng 12-2019. Tính đến 7 giờ ngày 3-4-2020, dịch bệnh quái ác này đã lan ra 206 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm 1.014.296 người bị lây nhiễm và có tới 52.982 người đã tử vong. Nước Ý đang là trung tâm ổ dịch ở châu Âu, vì có tới hơn 115 ngàn người mắc và đã có gần 14 ngàn người tử vong. Đáng sợ là trong 1 ngày nước Ý có tới 919 người chết vì dịch Covid-19.
Việt Nam là quốc gia láng giềng với Trung Quốc – nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên trên thế giới, nên có nguy cơ lây nhiễm cao. Song với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là chiến sĩ, mỗi gia đình là pháo đài chống dịch Covid-19”… vì thế, cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam đã và đang mang lại hiệu quả, được nhiều nước trên thế giới cùng các tổ chức quốc tế khâm phục, đánh giá cao. Những thông tin sau đây là minh chứng cho điều này.
Đường Võ Văn Tần dẫn vào khu vực chợ Đồng Xoài vốn tấp nập người qua lại, hàng quán dịch vụ. Tuy nhiên, trong ngày 2-4 khá trầm lắng, thưa vắng người. Ảnh: Minh Luận
NHỮNG THÔNG ĐIỆP SẺ CHIA VÀ TRÁCH NHIỆM
Đó là khẳng định của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Theo đó, ngày 31-3-2020, trong thông điệp mới trên trang facebook của Đại sứ quán Hoa Kỳ, ngài Daniel Kritenbrink nói mở đầu video/clip rằng: “Hôm nay, tôi muốn nói lời cảm ơn đến mọi người Việt Nam đang đi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Công việc của các bạn đang cứu sống rất nhiều người”. Đồng thời, Đại sứ Daniel Kritenbrink cũng đã khen ngợi Chính phủ Việt Nam rất xuất sắc khi đương đầu với đại dịch Covid-19 và vẫn đang tiếp tục chủ động, minh bạch, hợp tác trong việc chống dịch. Ngài Đại sứ Daniel Kritenbrink cũng đã khẳng định: “Hoa Kỳ luôn ủng hộ Việt Nam trong trận chiến này… Là những đối tác quan trọng, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ cùng vượt qua những khó khăn này”.
Trước đó một ngày – 30-3, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam là ngài Gareth Ward và Tổng lãnh sự Anh là ngài Ian Gibbons đã gửi thông điệp để chia sẻ một số lời khuyên với các công dân Anh lựa chọn sinh sống và làm việc tại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhằm giúp họ giữ an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Trong thông điệp này có đoạn viết: “…Người dân địa phương hay người nước ngoài tại Việt Nam đều đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh… Bạn nên ở nhà nhiều nhất có thể, và nếu bắt buộc phải ra ngoài, hãy luôn nhớ đeo khẩu trang. Đồng thời, cố gắng giữ khoảng cách tối thiểu 2m với những người xung quanh… Những biện pháp này được thực hiện để đảm bảo an toàn và sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Chúng tôi khuyên bạn hãy tuân thủ luật pháp và phong tục Việt Nam. Chúng ta rất may mắn khi được sinh sống và làm việc tại đây, không nên kỳ vọng được đối xử đặc cách so với người địa phương. Hãy tôn trọng luật pháp và chuẩn mực văn hóa của Việt Nam, hãy thể hiện rằng bạn đang chung sức góp phần ngăn chặn đại dịch toàn cầu này”.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Geneva, Thụy Sĩ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đã có cuộc gặp và làm việc với Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Trong cuộc gặp, Tổng giám đốc WHO đánh giá cao việc Việt Nam đã tiến hành ngay từ sớm nhiều biện pháp hiệu quả, đặc biệt là các cam kết chính trị của lãnh đạo cấp cao và sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và các địa phương, nhờ đó giúp kiểm soát dịch bệnh. Tổng giám đốc WHO hoan nghênh sự phối hợp hiệu quả giữa các nước ASEAN và vai trò Chủ tịch tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực này là rất quan trọng, đã góp phần kiểm soát dịch Covid-19 trong khu vực. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc WHO cho biết đã khuyến nghị Liên minh châu Phi tham khảo mô hình phối hợp của ASEAN nhằm kiểm soát dịch tại châu Phi…
VIỆT NAM NÊU TẤM GƯƠNG TRONG PHÒNG, CHỐNG COVID-19
Những ngày qua, báo chí thế giới liên tục có nhiều bài viết ca ngợi cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Theo Thông tấn xã Việt Nam, hãng thông tấn Sputnik của Nga hôm 23-3 có bài viết rằng, Việt Nam đã làm được điều quan trọng nhất là nhanh chóng áp dụng các biện pháp để bảo vệ trước mối đe dọa nghiêm trọng. Việt Nam đã phản ứng rất nhanh khi dịch bệnh xuất hiện, thông qua biện pháp kiểm soát chặt biên giới với Trung Quốc, đưa những người đến từ Trung Quốc và các nước bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đi cách ly, đồng thời đóng cửa các trường học, hạn chế đi du lịch, áp dụng các biện pháp kiểm dịch với sự hỗ trợ của quân đội… Đồng thời, các chuyên gia Việt Nam đã phát triển bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2, đang được sử dụng không chỉ ở Việt Nam mà còn được xuất khẩu sang các nước khác. Người dân Việt Nam rất quan tâm tình hình dịch bệnh, tuân thủ các khuyến nghị của cơ quan chức năng. Và kết thúc bài báo, tác giả bài viết đã nêu rõ: …Người dân Việt Nam có truyền thống đoàn kết, nhất trí, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Điều đó giúp Việt Nam khống chế hiệu quả dịch Covid-19.
Trang scoopwhoop.com của Ấn Độ vừa đăng bài bình luận nhận định: Việt Nam là một trong những ví dụ thành công nhất trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 tại Đông Nam Á và thế giới. Theo bài viết này, Việt Nam là quốc gia đã thể hiện năng lực ứng phó và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, là một trong những quốc gia được đánh giá cao nhất trong chiến dịch phòng ngừa và dập dịch Covid-19. Bài báo nêu một số biện pháp Việt Nam áp dụng để ngăn chặn virus lây lan. Đó là việc Việt Nam cho ra mắt 2 ứng dụng khai báo sức khỏe cho người dân, một cho công dân Việt Nam và một cho người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam. Mọi người được yêu cầu liên tục cập nhật tình trạng sức khỏe của bản thân để Chính phủ có cơ sở dữ liệu ổn định. “Bí quyết” thứ hai là Việt Nam đã sản xuất bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đạt chuẩn WHO…
Trước đó, trang The Diplomat của Ấn Độ cũng đăng một bài viết đề cập tới những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Bài viết nhận định trong cuộc chiến chống dịch, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu. Theo bài viết, trên tinh thần đó, Chính phủ Việt Nam đã công khai, minh bạch thông tin về dịch bệnh, từ đó có được niềm tin của người dân. Những biện pháp này đã được chứng minh hiệu quả và cho thấy kết quả tích cực ở Việt Nam.
Tờ nhật báo Thế giới trẻ (Junge Welt) của Đức hôm 25-3 có bài viết ca ngợi sự phản ứng nhanh và quyết liệt của Việt Nam trong cuộc chiến ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này. Trong bài viết này, tác giả Stefan Khner cho biết, là quốc gia láng giềng với Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã có phản ứng nhanh chóng và quyết liệt trong việc kiểm soát và khống chế sự lây lan của dịch. Cũng theo tác giả bài báo, Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt trong khâu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á phát triển thành công bộ kit xét nghiệm virus. Bộ kit xét nghiệm này không chỉ cho kết quả có độ chính xác cao theo tiêu chuẩn của WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) mà giá thành chỉ khoảng 17-26 USD, thấp hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 200 euro ở Đức. Cho đến nay, sản phẩm này đã được hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có Italy, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị đặt hàng.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 không chỉ được người Việt Nam ở trong nước đặc biệt quan tâm, mà ngay cả kiều bào ở nước ngoài cũng đã và đang tích cực chung tay với chính quyền, cùng nhân dân nước sở tại phòng, chống đại dịch Covid-19 một cách thiết thực và hiệu quả. Hãng thông tấn Séc ngày 25-3 dẫn lời ông Marcel Winter, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Séc – Việt đánh giá cộng đồng người Việt là cộng đồng người nước ngoài duy nhất tại Séc đã hỗ trợ các bệnh viện, lực lượng ứng cứu và người dân Séc bằng cả vật chất, tài chính trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, tại thủ đô Praha và nhiều tỉnh, thành phố khác, cộng đồng người Việt đã may khẩu trang tặng người cao tuổi, bác sĩ, cảnh sát… Nhiều cửa hàng tạp hóa của người Việt tại khắp các tỉnh, thành phố thuộc Cộng hòa Séc đã cung cấp đồ uống và đồ ăn nhẹ miễn phí cho bác sĩ, cảnh sát, cứu hỏa… Tại thành phố Usti nad Labem ở miền Bắc, cộng đồng người Việt đã quyên góp tiền mua máy trợ thở tặng Bệnh viện Masaryk.
Tổ tiên ta từ ngàn đời xưa đã đúc rút ra rất nhiều bài học về đạo đức làm người và một trong số đó là “thương người như thể thương thân”. Vâng, cho đến ngày nay và chính trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, bài học này vẫn còn nguyên giá trị. Đã là người Việt Nam và nếu không quên bài học này thì dù bất cứ là ai, sống ở đâu trên trái đất này, chắc chắn nhân cách của người đó sẽ hoàn thiện hơn, tâm hồn phát triển hơn và điều quan trọng là sẽ có cuộc sống tốt đẹp.
Nguồn https://baobinhphuoc.com.vn/Content/viet-nam-di-dau-trong-cuoc-chien-chong-covid-19-541911