Theo trang web thống kê Worldometers, tính đến 6 giờ 12 phút ngày 31-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (dịch COVID-19) gây ra là 37.609. Tổng số ca nhiễm là 782.035. Có 164.753 ca hồi phục.
Như vậy so với tối 30-3, số ca tử vong tăng 2.932 ca. Số ca nhiễm tăng 52.231 ca.
Ý hiện là quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới với 11.591 ca, Tây Ban Nha xếp thứ hai với 7.716 ca, Trung Quốc xếp thứ ba với 3.304 ca, Pháp 3.024 ca, Mỹ 2.995 ca, Iran 2.757 ca, Anh 1.408 ca.
Các quốc gia có số ca tử vong ở ba con số: Hà Lan (864), Bỉ (513), Thụy Sĩ (359), Thổ Nhĩ Kỳ (168), Brazil (159), Hàn Quốc (158), Thụy Điển (146), Bồ Đào Nha (140), Indonesia (122), Áo (108).
Riêng Việt Nam ghi nhận 204 ca nhiễm COVID-19 và không có ca tử vong.
Tây Ban Nha vượt Trung Quốc về số ca nhiễm COVID-19
Tây Ban Nha đã vượt Trung Quốc trở thành nước có số ca nhiễm cao thứ ba thế giới sau Mỹ (161.357 ca) và Ý (101.739 ca). Với dân số 47 triệu người, số ca nhiễm COVID-19 tại nước này hiện 87.956.
Tây Ban Nha hiện có 7.716 ca tử vong vì COVID-19.
Một công nhân vệ sinh buộc một lớp bảo vệ vào tay một lính cứu hỏa như biểu tượng của lòng biết ơn vì sự hỗ trợ của họ trong cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: GETTY
Ông Fernando Simon, người đứng đầu Trung tâm Y tế khẩn cấp của Tây Ban Nha, đã xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Ở thủ đô Madrid, nơi chiếm gần một nửa số ca tử vong tại Tây Ban Nha, cờ đã được treo rủ để tưởng nhớ các nạn nhân của đại dịch.
Nhà chức trách cũng đẩy mạnh phong tỏa nửa tháng tại Tây Ban Nha vào ngày 30-3.
Ý thêm 812 ca tử vong, kéo dài lệnh phong tỏa tới ít nhất 12-4
Ý, quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới và chiếm tới 1/3 số ca tử vong toàn cầu, hiện có 11.591 ca tử vong sau khi tăng thêm 812 ca trong vòng 24 giờ qua.
Cơ quan bảo vệ dân sự Ý cũng cho biết nước này báo cáo 4.050 ca nhiễm mới – mức tăng thấp nhất kể từ ngày 17-3, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 101.739.
Một nhân viên y tế tại Bệnh viện San Filippo Neri, nơi chữa trị bệnh nhân COVID-19 ở Rome (Ý). Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, việc giảm số ca nhiễm mới có thể được giải thích một phần bởi việc giảm số ca xét nghiệm – vốn ít nhất trong sáu ngày qua.
Chính phủ Ý sẽ kéo dài tất cả biện pháp ngăn chặn COVID-19 – dự kiến kết thúc vào ngày 3-4 – tới ngày 12-4, Bộ Y tế Ý cho biết.
Mỹ có thể có 100.000-200.000 ca tử vong nếu phản ứng “hoàn hảo”
Theo một quan chức cấp cao tham gia điều phối phản ứng dịch bệnh ở cấp quốc gia, số ca tử vong ở Mỹ có thể nằm trong phạm vi 100.000-200.000 với điều kiện việc phản ứng đại địch COVID-19 ở nước này được thực hiện “gần như hoàn hảo”.
Các thủy thủ điều trị cho một bệnh nhân trên tàu USNS Mercy ở Los Angeles, bang California của Mỹ. Ảnh: GETTY
Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên phản ứng của đội đặc nhiệm chống COVID-19 Nhà Trắng, nói với kênh NBC News rằng: “Nếu chúng ta cùng nhau làm tốt, gần như hoàn hảo thì chúng ta có thể có từ 100.000-200.000 ca tử vong”.
“Chúng tôi không hy vọng có thể nhìn thấy kịch bản tốt nhất là 100% người Mỹ thực hiện chính xác những gì được yêu cầu nhưng chúng tôi không chắc tất cả người Mỹ đang phản ứng theo một cách đồng bộ để bảo vệ nhau” – bà Birx nói.
Bà Birx cũng nói về khả năng kéo các biện pháp dãn cách xã hội thêm một tháng tại Mỹ. Bà nói: “Tôi nghĩ mọi người bây giờ đều hiểu chúng ta có thể đi từ năm tới 50 tới 500 tới 5.000 trường hợp rất nhanh. Chúng ta thấy điều này tại nhiều khu vực thành thị. Chúng tôi rất lo lắng về mọi TP ở Mỹ và khả năng virus này vượt tầm kiểm soát”.
Một cặp vợ chồng ở Bắc Ireland tử vong vì COVID-19 cách nhau 12 tiếng
Theo báo The Guardian, một cặp vợ chồng ở Bắc Ireland, đã kết hôn được 53 năm, qua đời vì COVID-19. Cặp vợ chồng này tử vong cách nhau 12 tiếng đồng hồ.
Ông Christopher Vallely (79 tuổi) cùng vợ mình là Isobel (77 tuổi) qua đời hồi cuối tuần trong cùng một căn phòng ở Bệnh viện Mater, TP Belfast của Bắc Ireland.
Một nữ y tá tại Bệnh viện khu vực Antrim ở Bắc Ireland. Ảnh: Sky News
Ông Christopher nhập viện và được cách ly 10 ngày trước đó sau khi biểu hiện triệu chứng. Bà Isobel nhập viện hồi 26-3 và qua đời tối 28-3, một ngày sau ngày kỷ niệm đám cưới của họ.
Ông Christopher được chuyển tới cùng phòng với vợ sau khi tình hình ông chuyển biến xấu. Ông qua đời hôm 29-2, sau khi vợ ông qua đời được 12 tiếng. Cả hai đều mắc bệnh nền. Bà Isobel bị đột quỵ hồi năm ngoái và ông Christopher gần đây được chẩn đoán mắc ung thư phổi.
Johnson & Johnson thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 trên người vào tháng 9
Gã khổng lồ dược phẩm và thiết bị y tế Johnson & Johnson thông báo kế hoạch thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 trên người vào tháng 9. Hãng dược phẩm này dự đoán lô vaccine đầu tiên có sẵn cho sử dụng khẩn cấp vào đầu năm tới.
Việc phát triển vaccine này là một phần của sự hợp tác giữa Johnson & Johnson với Cơ quan nghiên cứu và phát triển tiên tiến về Y sinh học (BARDA) thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi con người Mỹ (HHS).
BARDA và Johnson & Johnson “cùng nhau cam kết hơn 1 tỉ USD tiền đầu tư vào việc nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm lâm sàng vaccine” – theo thông cáo báo chí phát đi từ Johnson & Johnson.
“Thế giới đang đối mặt với khủng hoảng y tế công cộng khẩn cấp và chúng tôi cam kết góp phần tạo ra một loại vaccine ngừa COVID-19 và có giá phải chăng trên toàn cầu càng nhanh càng tốt” – Alex Gorsky, Chủ tịch và CEO của Johnson & Johnson, nói.
Ông Trump: 1 triệu người Mỹ đã được xét nghiệm COVID-19
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rằng Mỹ đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho 1 triệu người tại nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY
“Hôm nay chúng tôi đã đạt đến một cột mốc lịch sử trong cuộc chiến chống COVID-19. Hơn 1 triệu người Mỹ đã được xét nghiệm, hơn bất kỳ quốc gia nào khác tính đến nay” – Tổng thống Trump nói với báo giới tại Nhà Trắng.
Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ – ông Alex Azar, cũng đã ca ngợi cột mốc này và nói rằng “đó là một con số mà không quốc gia nào đạt đến”.
“Chúng tôi hiện giờ đang xét nghiệm hơn 100.000 mẫu một ngày – cũng là một cấp độ không nước nào đạt tới” – ông nói.