Ngay trong đêm 28/3, một bệnh viện dã chiến đã được dựng lên trong khuôn viên bệnh viện Bạch Mai, với quyết tâm sẽ đẩy lùi dịch bệnh và ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng.
Số ca Covid-19 có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai trong nhưng ngày qua liên tiếp gia tăng khiến bệnh viện trở thành một trong những điểm dịch nóng nhất cả nước thời điểm hiện tại.
Có khó khăn gì với đội ngũ y bác sĩ Bạch Mai trong những ngày này? Tâm trạng, ý chí của họ như thế nào? Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai.
Người bệnh vẫn đang được chăm sóc rất chu đáo
Đến sáng 30/3, đã có tới 25 trường hợp Covid-19 có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Hiện tình hình bên trong bệnh viện như thế nào, thưa giáo sư?
Nội bất xuất, ngoại bất nhập là quyết sách trong những ngày qua của Bệnh viện Bạch Mai. Chúng tôi đang cách ly toàn bộ nhân viên y tế, bác sĩ, bệnh nhân của bệnh viện, chỉ cho phép những người có liên quan vào.
Số lượng người có mặt tại Bệnh viện hiện tại khoảng gần 3.500 người. Trong đó, có 800 bệnh nhân không thể xuất viện hoặc chuyển tuyến dưới, 552 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận. Chúng tôi vẫn tổ chức chạy thận 4 kíp liên tục.
Tình trạng bên trong bệnh viện hiện nay vẫn tốt. Người bệnh được nhân viên y tế chăm sóc rất chu đáo, người nhà bệnh nhân được Bộ Quốc phòng chuyển đi cách ly tập trung tại khu Hòa Lạc. Hiện chỉ còn hơn 100 người nhà bệnh nhân chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt như bệnh nhi, sản phụ.
Tinh thần của nhân viên y tế cũng đang rất tốt, toàn tâm chăm sóc cho người bệnh. Chúng tôi quyết tâm không chỉ chữa khỏi bệnh mà còn cố gắng ngăn chặn sự lây nhiễm hoặc lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Nhân viên y tế Bạch Mai tinh thần vẫn rất tốt, toàn tâm chăm sóc cho người bệnh |
Muôn vàn khó khăn trong bối cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”
Số lượng gần 3500 có mặt tại bệnh viện trong bối cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” như vậy, khó khăn lớn nhất mà bệnh viện đang gặp phải là gì, thưa ông?
Thực tế, chúng tôi đang gặp khá nhiều khó khăn. Chúng tôi đã nhờ Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội và các ban ngành để có các giải pháp cùng hỗ trợ.
Hiện tại, 3.500 con người trong bệnh viện không thể đi ra ngoài mua sắm đồ dùng, vật dụng cá nhân. Mọi cái từ nhỏ nhất như bàn chải, kem đánh răng đều do bệnh viện cấp.
Nhưng có một bất cập rất lớn, là các chuyến hàng do chúng tôi đặt hay do nhân dân cả nước chuyển đến để hỗ trợ cho bệnh viện đều rất khó để có thể qua được chốt kiểm soát của công an. Dù rằng, chúng tôi đã bố trí lực lượng tiếp nhận ngay tại cổng viện rồi mới dùng phương tiện trung chuyển đến các khoa.
Thứ hai là vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh và các nhân viên y tế trong bệnh viện. Nhà ăn của bệnh viện chính là nguồn lây nhiễm, chúng tôi đã phong tỏa khu nhà ăn và cách ly toàn bộ người làm việc tại đây.
Để có các suất ăn cho nhân viên tế và người bệnh, chúng tôi đã liên hệ một công ty chuyên cung cấp suất ăn cho hàng không. Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế về dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế phải làm việc 24/7. Bên cạnh đó, còn các suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhi, bệnh nhân ăn qua sonde… cũng đang rất khó khăn để đảm bảo.
Các vật dụng, chuyến hàng chuyển đến bệnh viện đều rất khó để vận chuyển vào trong |
Chúng tôi cần sự “hạ nhiệt”
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với 25 ca bệnh đã được xác định có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, ông và các đồng nghiệp của ông có bị kỳ thị không?
Khi tiếp xúc với nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai thời Covid -19, đâu đó có thái độ e dè. Trước đây, chúng tôi biết có nhiều người rất quý mến các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, trân trọng bác sĩ Bạch Mai.
Nhưng bây giờ, qua nhiều kênh truyền thông không chính xác, họ xem y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai là nguồn lây, là người mang Covid-19 đến, vì thế họ né tránh.
Thậm chí, có 1 bác sĩ của chúng tôi dù có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng khi bà nội mất, cả dòng họ không cho về để chịu tang bà. Đây là điểu chúng tôi rất buồn.
Đáng buồn hơn nữa, chúng tôi cần các bác sĩ của chúng tôi đang ở nhà vào bệnh viện hỗ trợ, nhưng tại nơi cư trú, họ bị địa phương ra quyết định cách ly tại nhà.
Như vậy, tại mặt trận Bạch Mai này, chúng tôi đang thiếu đội ngũ bác sĩ, thiếu vật dụng sinh hoạt hàng ngày như điều kiện ăn uống, nghỉ ngủ. Khi không được tái sản xuất sức lao động đầy đủ, đội ngũ nhân viên y tế trong bệnh viện sẽ không trụ được lâu.
Nhân viên ngủ gục trên bàn làm việc |
Các bác sĩ của chúng tôi nếu không được vào bệnh viện để điều trị, làm việc thì chúng tôi không đảm bảo chất lượng điều trị được như mong muốn.
Chiều 29/3, Bệnh viện Bạch Mai có cuộc họp trực tuyến với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, nhưng ngay cả quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai là GS.TS Ngô Quý Châu cũng không được phép ra khỏi nhà.
Chúng tôi thấy đây là một vấn đề rất nóng, chúng tôi cần được sự “hạ nhiệt” từ lãnh đạo, từ các đồng nghiệp để ai trong chúng tôi cũng đủ sẵn sàng, minh mẫn điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai không phải nguồn lây nhiễm
Chúng ta đang đứng trước nhiều tình huống xấu, bệnh viện đã có biện pháp nào để ngăn chặn?
Ngay khi dịch xuất hiện trong nước, chúng tôi đã có nhiều kịch bản để ứng phó. Nhưng thật sự mà nói, chuyện lần này khá là bất ngờ.
Một đơn vị tham mưu của chúng tôi là Trung tâm Bệnh nhiệt đới lại là nơi xuất hiện ca dương tính đầu tiên. Vì thế, toàn bộ trung tâm đó phải cách ly, chúng tôi như mất đi phao cứu sinh.
Tuy nhiên, chúng tôi đã có sự trợ giúp của Bộ Y tế để có những biện pháp mạnh mẽ và đã có kế hoạch chi tiết từ đầu để ngăn chặn sự lây lan từ bệnh nhân sang bệnh nhân, nhân viên y tế, người nhà…
Hiện chúng tôi vui mừng được thông báo với bà con, với người bệnh và anh em đồng nghiệp, rằng những nhân viên y tế của chúng tôi đều có kết quả âm tính. Như vậy, rõ ràng các nhân viên y tế, người lao động tại Bệnh viện Bạch Mai không phải là nguồn lây nhiễm.
Xây dựng bệnh viện dã chiến ngay trong BV Bạch Mai để ứng phó tình huống xấu nhất |
“Chúng tôi quyết chiến, quyết thắng dịch bệnh ”
Có những câu chuyện, những tấm gương y, bác sĩ điển hình nào trong những ngày này mà ông nhớ nhất?
Có rất nhiều tấm gương vì người bệnh. Trong đó, có một bác sĩ trẻ, là học trò của tôi, mang thai tháng cuối, đang cách ly tại C9 Viện Tim mạch.
Mặc dù là tháng thai cuối, phải gặp nhiều khó khăn về tâm lý nhưng nữ bác sĩ vẫn xung phong ở lại bệnh viện để chăm sóc cho người bệnh. Bạn ấy đã phải hy sinh nhiều thứ: về thể xác – đang mang thai tháng cuối, về tinh thần – mệt mỏi. Sức khỏe của nữ bác sĩ hiện vẫn diễn biến tốt
Đó là một trong điển hình của cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai. Như tất cả các đồng nghiệp khác tại Vũ Hán hay Hoa Kỳ, chúng tôi sẵn sàng dấn thân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc tốt nhất người bệnh và chăm sóc lẫn nhau để đi qua đại dịch.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai (đứng giữa) cùng các y bác sĩ bệnh viện |
Giáo sư có gì muốn nhắn nhủ tới nhân dân thủ đô Hà Nội?
Tôi chỉ nói đơn giản. Chúng tôi quyết chiến, quyết thắng. Chúng tôi vững tin với niềm tin chiến thắng trước dịch bệnh. Xin cảm ơn!
Nguồn: vietnamnet