Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Phước là nơi diễn ra nhiều trận chiến ác liệt và cũng là nơi tập kết khối lượng lớn vật chất hậu cần, kỹ thuật để bảo đảm cho chiến trường miền Nam. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của nhiều đơn vị đã hy sinh nhưng chưa tìm được hài cốt. Với tình cảm và trách nhiệm của mình, những năm qua, Đảng bộ, quân và dân Bình Phước đã nỗ lực tìm kiếm, quy tập nhiều hài cốt liệt sĩ nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau do chiến tranh để lại. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn.
NỖ LỰC TÌM KIẾM
Thời gian qua, Bình Phước đã tập trung tuyên truyền sâu rộng để nhân dân biết và cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Đối với liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Campuchia, ban chuyên trách của tỉnh chủ động phối hợp với ban chuyên trách các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia tích cực tuyên truyền quan điểm, chủ trương của chính phủ 2 nước. Đặc biệt, trong quá trình làm nhiệm vụ, Đội K72 luôn tích cực, chủ động thu thập thông tin về mộ liệt sĩ.
Ban Liên lạc Hội Cựu chiến binh Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) cùng Bộ CHQS tỉnh xác định vị trí 131 hài cốt liệt sĩ tại ấp Làng 3, xã Tiến Thành
Ban chỉ đạo 1237 của tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ quan thường trực nắm chắc địa bàn, thường xuyên kết nối thông tin với cựu chiến binh trên cả nước, các thân nhân liệt sĩ, đơn vị đã từng tham gia chiến đấu trên địa bàn như Sư đoàn 5 (Quân khu 7), các sư đoàn 7, 9 (Quân đoàn 4) và Sư đoàn 302 (Quân khu 7). Đồng thời chỉ đạo ban CHQS 11 huyện, thị xã xác minh bổ sung thông tin về liệt sĩ thuộc tỉnh quản lý và liệt sĩ do các đơn vị, địa phương cung cấp… Đại tá Vũ Tiến Điền, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh có 5-8 khu vực trọng điểm có hài cốt liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập. Khu vực sân bay Phước Bình (Phước Long) có thông tin về mộ tập thể với 135 liệt sĩ của Trung đoàn 88; Vườn quốc gia Bù Gia Mập có liệt sĩ của Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4); khu vực cầu Nha Bích, xã Minh Lập (Chơn Thành) thông tin có 35 liệt sĩ thuộc đơn vị C6, đặc công Quân khu 7; thông tin mộ tập thể gồm 57 liệt sĩ tại tổ 1, ấp 5, xã Tân Khai (Hớn Quản). Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) cung cấp có 131 hài cốt liệt sĩ tại ấp Làng 3, xã Tiến Thành (Đồng Xoài). Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cũng tiếp nhận nhiều thông tin liệt sĩ hy sinh tại Đồi 224 ở huyện Lộc Ninh, ngầm Mã Đà ở huyện Đồng Phú và khu sân bay Bù Đốp. Tiếp nhận thông tin, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 1237 của tỉnh chủ động mời nhân chứng, các cựu chiến binh và nhân dân biết thông tin tham gia hội thảo, đánh giá bổ sung thông tin, xác định vị trí, khu vực an táng trước khi đào tìm.
Năm 2016, Đội K72 đã tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn 10/11 huyện, thị xã trong tỉnh. Mỗi địa điểm, đơn vị bố trí từ 8-12 người tìm kiếm từ 3-5 ngày. Kết quả đã quy tập được 3 hài cốt liệt sĩ, trong đó 1 bộ có tên và quê quán. Riêng khu vực sân bay Phước Bình, tháng 4-2016, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với đoàn các nhà khoa học của Trường đại học Khoa học tự nhiên và Viện Vật lý địa cầu sử dụng máy địa chất dò tìm trong 22 ngày trên diện tích 5 ha và đã đào lấp khoảng 50.000m3 đất nhưng không tìm thấy mộ liệt sĩ nào như nhân chứng đã cung cấp. Như vậy, trong mùa khô năm 2016-2017, Đội K72 tìm kiếm trong nước được 7 mộ liệt sĩ, trong đó 2 mộ có tên, quê ở Bình Thuận. Tại Campuchia, đội tìm được 102 bộ hài cốt liệt sĩ nhưng hầu hết đều không có tên, đơn vị và quê quán.
…VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo Đề án 1237 của Thủ tướng Chính phủ, Bình Phước luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 7, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, do có nhiều đơn vị chủ lực tham gia chiến đấu nên việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ gặp nhiều khó khăn. Hồ sơ, sơ đồ mộ chí của các liệt sĩ bị phân tán, thất lạc. Việc quy tập hài cốt liệt sĩ đã được các đơn vị, cá nhân tìm kiếm từ nhiều năm trước nhưng không có hồ sơ lưu trữ nên khó xác định số liệt sĩ chưa được quy tập.
Hơn 40 năm sau ngày giải phóng, Bình Phước đã có nhiều thay đổi. Qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, hồ sơ liệt sĩ bị thất lạc nhiều nên việc xác minh, bổ sung thông tin liệt sĩ gặp nhiều khó khăn. Sơ đồ mộ chí do các đơn vị, nhân chứng cung cấp chủ yếu vẽ tay theo trí nhớ của cựu chiến binh và nhân dân nên khi đối chiếu với thực tế không còn chính xác. Đặc biệt hiện nay, có gần 5.000 mộ liệt sĩ đã được quy tập vào các nghĩa trang nhưng chưa biết tên và không biết quy tập từ đâu về. Điều này gây khó khăn trong việc xác định số liệt sĩ cần tìm kiếm.
Đại tá VŨ TIẾN ĐIỀN,Chính ủy Bộ CHQS tỉnh |
Đặc biệt, trong chiến tranh, khu căn cứ, bệnh viện dã chiến của các đơn vị chủ yếu tập trung ở vùng rừng núi không có dân cư sinh sống, nay địa hình thay đổi, nhân chứng không còn hoặc già yếu nên việc xác minh thông tin gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 1237 của tỉnh nhận được nhiều nguồn tin nhưng thông tin trùng lặp, chung chung, không xác định được địa bàn, vị trí an táng của các liệt sĩ. Việc cung cấp danh sách liệt sĩ hy sinh của các đơn vị, địa phương trong tỉnh còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ. Nhiều liệt sĩ nay không còn thân nhân, trong khi các đơn vị đóng quân hầu hết đã giải thể.
Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo 1237 của tỉnh ngày 3-4 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, thông tin về mộ liệt sĩ nhiều nhưng độ chính xác không cao. Thời gian tới, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 1237 của tỉnh phải phối hợp với các cấp, ngành thực hiện nhiều giải pháp thu thập và xử lý, xác minh thông tin. Đặc biệt, cần phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp số liệt sĩ đã quy tập làm cơ sở để xác định số mộ liệt sĩ cần quy tập và lập bản đồ tìm kiếm, quy tập. Trước khi tìm kiếm phải xác minh thông tin, nhất là với những nơi có số lượng lớn liệt sĩ hy sinh. Đặc biệt, cần áp dụng phương tiện kỹ thuật dò tìm có độ chính xác cao.
Nguồn: baobinhphuoc.com.vn