Người S’tiêng ở Bình Phước có 2 kiểu nhà cơ bản là nhà sàn ở vùng thấp và nhà dài ở vùng cao. Khi làm nhà truyền thống, người S’tiêng có những kiêng kỵ nhất định được cả cộng đồng tuân theo trong chuẩn bị vật liệu, chọn địa điểm, hướng và thời gian.

Ở khâu chuẩn bị vật liệu: Những cây gỗ, tre, mây… bị cụt ngọn, bị sâu đục thân, bị dây quấn quanh thân sẽ không được chọn. Những cây đốn ngã gốc bị thụt về phía sau, những cây khi đổ tiếng kêu rắc rắc, không đổ hẳn xuống đất hoặc đổ không đúng hướng đã định trước đều không được chọn làm cột nhà. Nếu đang cắt cỏ tranh để lợp nhà mà bị mưa thì cả số cỏ tranh ấy sẽ không sử dụng. Quá trình chở cỏ tranh, cây gỗ về nhà, nếu trên đường xe bị lật thì sẽ bỏ toàn bộ vật liệu đó đi và tiến hành lại từ đầu. Khi lợp nhà tuyệt đối không được huýt gió, vì nếu huýt gió tức là gọi gió đến làm đổ nhà.

Chọn địa điểm làm nhà: Một số sóc chọn địa điểm làm nhà theo cách chủ nhà lấy 1 đoạn ống tre có 2 mắt ở 2 đầu, chẻ ống tre làm đôi rồi bỏ vào trong đó 15 hạt gạo (có nơi trong nhà bao nhiêu người thì bỏ bấy nhiêu hạt gạo), cột 2 đầu ống tre rồi mang đến địa điểm muốn làm nhà và làm lễ cúng xin thần linh cho phép được làm nhà trên địa điểm này. Sáng hôm sau (có những nơi để 7 ngày, 7 đêm) mở ống tre và kiểm tra, nếu thấy bị mất (dù bao nhiêu hạt) nghĩa là chỗ đấy không tốt, không làm nhà tại địa điểm này được. Có những nơi, họ dùng chổi quét sạch chỗ muốn làm nhà, sau đó đặt 7 hạt gạo xuống đất và lấy chén úp lên, dùng cây gỗ đóng rào chén lại để giữ cho chén được cố định một chỗ. Sáng hôm sau mở chén kiểm tra, nếu thấy số hạt gạo đủ thì địa điểm ấy được chọn làm nhà, nếu số hạt gạo không đủ thì địa điểm ấy không làm nhà được.

Ngôi nhà truyền thống của ông Điểu Nắng (Lộc Ninh)

Chọn thời gian làm nhà: Thời gian làm nhà thường được chọn vào tháng 3 âm lịch (mùa khô). Trong chọn làm nhà cũng có những quan điểm riêng. Có nơi thì chọn ngày lẻ trong tháng (tính theo âm lịch), có nơi quan niệm trong tháng chỉ có 2 ngày tốt thường được chọn làm nhà là mồng 9 và ngày 24, có nơi thì chọn ngày rằm và ngày 16 (vì họ cho rằng làm nhà vào những ngày trăng tròn sẽ cho cuộc sống no đủ hơn). Một số sóc lại không quan niệm ngày làm nhà cố định, mà khi nào chuẩn bị vật liệu xong là làm.

Chọn hướng nhà: Đối với các địa điểm phân bố của sóc gần suối tự nhiên, nhà ở thường được dựng có nóc nhà song song với dòng suối, hướng mở cửa tùy thuộc vào địa hình, sao cho bảo đảm thuận lợi khi lên xuống. Đối với những nơi có địa hình bằng phẳng và không gần các con suối thì nhà ở được xây dựng có hướng nóc sao cho mặt trời đi chéo từ đầu mái phía Đông sang cuối mái phía Tây, không được để mặt trời đi song song với mái nhà hoặc cắt ngang mái nhà, theo quan niệm của họ đây là điều kiêng vì nếu làm nhà như vậy sẽ không tốt cho các thành viên sinh sống trong ngôi nhà.

Ngoài ra, trong quá trình làm nhà cũng như sinh sống, người S’tiêng còn một số kiêng kỵ như: không được bước qua cây đòn nóc, chỗ nằm của những người trong gia đình, sau khi chết đi sẽ bị các thành viên còn lại dỡ bỏ phần mái, phần sàn, hoặc phá bỏ luôn cả ngôi nhà. Ngày nay, trong xu thế hội nhập và phát triển, những luật tục hay kiêng cữ trong quá trình làm nhà theo truyền thống của người S’tiêng đã bị mai một hoặc được thay thế bằng những quan niệm mới. Khi đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện thì những quan niệm lạc hậu, mê tín dị đoan ngày càng được đẩy lùi. Với những chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước, người S’tiêng ở Bình Phước ngày càng có cuộc sống ấm no hơn.

Nguồn https://baobinhphuoc.com.vn/Content/nhung-kieng-ky-trong-lam-nha-cua-nguoi-stieng-55549

Từ khóa : người S'tiêng

Các tin liên quan đến bài viết