“Con mình có ba, có mẹ lo, còn các cháu ở đây hầu hết không nơi nương tựa. Cho nên tôi xem các cháu như con mình mà chăm sóc chu đáo. Hy vọng các con chăm ngoan, học giỏi, lớn lên có việc làm ổn định để tự lo cho bản thân. Tôi chỉ mong các con mai này có cuộc sống trọn vẹn hơn!” – bà Lê Thị Huế, nhân viên chăm sóc trực tiếp tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nói.
NHỮNG NGƯỜI MẸ THẦM LẶNG
Chúng tôi đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh vào một ngày đầu tháng 3. Dưới tán cây xanh mát, khu nhà ở của trẻ tràn ngập tiếng cười, nói. Được nghỉ học để phòng dịch Covid-19, các bé đều ở nhà, đứa phụ mẹ Hoa dọn dẹp nhà cửa, đứa phụ bà Huế trông coi em nhỏ, mấy em khác thì nô đùa ở khoảng sân trước nhà.
Ban giám đốc trung tâm tặng hoa và quà cho các nữ chăm sóc viên nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8-3
Vừa cho một em bé bú sữa bình, bà Huế vừa kể, bà gắn bó với việc chăm sóc trẻ nơi đây đã 24 năm. Bà không nhớ được qua bàn tay chăm sóc của mình có bao nhiêu trẻ đã lớn lên, tìm được gia đình mới hoặc tự xây dựng một tổ ấm riêng. Nhưng bà nhớ rõ cảm xúc sung sướng, hạnh phúc mỗi khi những đứa con tuy không phải do mình sinh ra nhưng có công dưỡng dục trưởng thành, có việc làm ổn định, gia đình êm ấm. Bà vui mừng khi chúng gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe và dịp lễ, tết các con về thăm lại mái nhà chung.
Ông Nguyễn Viết Xuân, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: Trung tâm đang quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng hơn 50 đối tượng bảo trợ xã hội, gồm trẻ mồ côi, người già neo đơn, người khuyết tật, người tâm thần và các đối tượng khác. Sau ngày sáp nhập, cán bộ, nhân viên trung tâm có 22 người; trong đó nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp 9 người. Đối với 13 trẻ được chăm sóc ở đây, các cán bộ, nhân viên làm việc tại trung tâm chính là những người thân, được các em trìu mến gọi bằng bà, bằng ba, mẹ.
“Theo quy định, một ngày chúng tôi chỉ làm việc 8 tiếng đồng hồ và luân phiên trực 24/24 giờ. Thế nhưng trên thực tế, thời gian chúng tôi ở với các con là vô kể” – bà Trần Thụy Hoa, hiện chăm sóc 6 trẻ tại khu nhà trẻ lớn cho hay. Có những hôm trẻ bị đau bệnh đột xuất, bà và các cô nuôi đều ở lại bên cạnh chăm sóc, động viên, đến khi trẻ bình phục thì mới ngơi tay. Thương những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm, những phụ nữ này luôn để ý từng chi tiết nhỏ, ngày lễ, tết mua thịt, bánh mứt, ngày khai trường mua sách vở, quần áo cho các con đỡ tủi thân với chúng bạn. Mỗi ngày, các cô nuôi đều thầm lặng công việc làm cha, làm mẹ, chắt chiu, nuôi dưỡng những mầm non sớm thiếu đi hơi ấm gia đình với hy vọng khi chúng trưởng thành sẽ có cuộc sống đầy đủ, trọn vẹn hơn.
VIẾT TIẾP NHỮNG ƯỚC MƠ DANG DỞ
Nếu ai từng gặp 5 anh em Điểu Đức, Điểu Mun, Điểu Lít, Thị Dương, Điểu Tương vào thời điểm 6 năm về trước đều sẽ bất ngờ bởi cuộc sống hiện tại của các em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Lúc đó, hoàn cảnh của 5 anh em ruột Điểu Đức vô cùng éo le, cha bệnh lao, mẹ bị tâm thần. Điểu Đức là anh lớn nhất mới chỉ 9 tuổi và có tới 4 đứa em nhỏ. Thật không thể tưởng tượng nếu để các em mưu sinh, tương lai của các em sẽ thế nào? Khi được đưa vào trung tâm, được các cô, chú ở đây quan tâm, chăm sóc, các em còn được đi học chữ, học làm người. Đối với những đứa trẻ, đó quả là một giấc mơ. Không phụ tấm lòng của các cô chú, mấy năm qua, Điểu Đức liên tiếp đạt danh hiệu học sinh giỏi. Em còn chăm chỉ phụ giúp các cô việc nhà, dạy các em học bài và giúp đỡ các cụ già cùng ở trung tâm. “Em xem đây là ngôi nhà thứ 2 của mình. Em sẽ nỗ lực học tập tốt, sau này trở thành bộ đội sẽ đền đáp công ơn của các cô, chú” – Điểu Đức chia sẻ.
Cuộc sống của em Lâm Thị Hồng Trang đã thay đổi hoàn toàn kể từ lúc vào trung tâm. Không còn cảnh cơ cực như trước nữa, mỗi ngày ở đây với Trang đều là những ngày vui vẻ, hạnh phúc. Được các mẹ, các cô, bác yêu thương, các em hòa đồng, đoàn kết khiến Trang tự tin, cố gắng học giỏi, chịu khó giúp đỡ các cô. Chính mái nhà chung này cũng đã vun đắp tâm hồn cô bé bắt đầu bước vào tuổi mới lớn với ước mơ thật đẹp – trở thành người mẫu, kiếm nhiều tiền để quay trở về phụ giúp các mẹ, các cô.
Ngoài học tập trên lớp, trẻ ở trung tâm còn được các cô nuôi dưỡng, chỉ dạy thêm nhiều điều hay, lẽ phải, dạy cách ứng xử, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống; sai thì chỉ, ngoan thì khen; nuôi dưỡng tinh thần, uốn nắn tính cách. Hằng năm, trung tâm còn tổ chức cho học sinh khá, giỏi đi tham quan du lịch để vừa khuyến học, khuyến tài vừa cho các em tiếp xúc với môi trường xã hội. Giống như những người mẹ, người cha, niềm vui của cán bộ, nhân viên trong trung tâm là thấy các con khỏe mạnh, học tốt, tự tin hòa nhập cộng đồng. Mong muốn của những người làm công tác xã hội là thấy các em khôn lớn, sẽ là những công dân có ích cho xã hội.
Có trải qua cơ cực mới biết quý trọng cuộc sống của mình hiện tại, có gieo mầm chân tâm thiện đức mới mong gặt hái được quả ngọt viên mãn. Nơi cho người ta cảm giác tin tưởng, ấm áp sẽ được gọi là mái nhà, điều khiến người ta vỡ òa trong cảm xúc lâng lâng vui sướng được gọi là điều kỳ diệu. Ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, điều kỳ diệu đó mang tên hạnh phúc. Hạnh phúc đã, đang và sẽ được viết tiếp bởi những người như bà Huế, bà Hoa… những tấm lòng vàng, viết bằng 2 chữ giản dị nhưng đầy cao quý, đó là “yêu thương”.
Theo Báo Bình Phước