Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đang tăng lên từng ngày. Các chuyên gia y tế nhận định, tình hình dịch còn phức tạp, số ca mắc còn gia tăng, có thể dẫn đến quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Do đó, Việt Nam đã lên kịch bản cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19 ngay tại trạm y tế xã.
Tính đến hết ngày 14/3, Việt Nam đã có 53 ca mắc Covid-19, trong đó riêng ngày 14/3 đã tăng lên 6 ca. Hiện đã có 16 ca được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Còn lại 37 ca mới phát hiện đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên nhiều tỉnh thành phố.
Chia sẻ về tình hình điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Việt Nam vẫn áp dụng phương châm “4 tại chỗ” trong thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Đó là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Giai đoạn đầu, Việt Nam đã điều trị thành công nhiều ca bệnh ngay tại Phòng khám đa khoa Quang Hà (Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).
Với phương châm “4 tại chỗ”, bệnh nhân phát hiện ở địa phương nào sẽ được giữ lại địa phương đó để điều trị, trừ một số ca bệnh đặc thù (bệnh nhân nặng, nhiều bệnh mãn tính, tuổi cao, quá nhỏ tuổi…). Điều này để tránh việc vận chuyển bệnh nhân làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Về chuyên môn điều trị sẽ có các đội cơ động từ các bệnh viện tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới khi cần. Hiện đã có hàng chục đội cơ động phản ứng nhanh Covid-19 được thành lập.
“Trong trường hợp dịch bệnh tăng nhanh với số lượng người mắc nhiều lên, chúng ta không chỉ điều trị bệnh nhân ở tuyến trung ương hay tuyến tỉnh mà có thể điều trị người bệnh ở tại các bệnh viện tuyến huyện và các trạm y tế xã”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Sơn, hệ thống y tế cơ sở Việt Nam có kinh nghiệm và được tôi luyện, chúng ta sẽ tổ chức điều trị thành công bệnh nhân Covid-19, cho dù ở tuyến xã.
“Chúng tôi sẵn sàng điều đội cơ động từ các bệnh viện trung ương hỗ trợ cho tuyến dưới. Ví dụ như trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Bình Thuận, chúng tôi đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy ngay trong đêm cử một đội cơ động đến Bình Thuận để giúp đỡ các đồng nghiệp để có thể đảm nhiệm công tác điều trị ở tuyến dưới”, ông Sơn nói.
Về “kỹ thuật” kiểm soát các ca bệnh, Thứ trưởng cho rằng, khi bệnh nhân tập trung đông ở địa phương, chúng ta phải làm tốt việc khoanh vùng ở các địa phương đó từ các cấp độ khác nhau. Đó có thể là một xã như xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), một khu như khu phố Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) hoặc là lên cấp độ cao hơn. Lúc đó các nguồn lực ở các địa phương cũng sẽ tập trung về, từ địa phương lân cận đến Trung ương cũng sẽ phải tham gia công tác phòng chống dịch. Từ đó có thể tìm được ca mắc Covid-19 một cách nhanh nhất, ngăn chặn bệnh lây lan sớm nhất.
Thứ trưởng Sơn cũng chia sẻ về tình huống khi số lượng bệnh nhân gia, người nghi nhiễm, người có yếu tố dịch tễ phải cách ly tập trung tăng nhiều, vượt quá khả năng thu dung của một địa phương. “Chúng ta đã có kinh nghiệm rất hay trong khi cách ly ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Đó là khi tỉnh Cao Bằng vượt quá số lượng người cách ly, không đảm bảo nữa thì chúng ta chia về các địa phương khác như Thái Nguyên, Lào Cai. Khi đó, chúng ta lại sử dụng tuyến dưới coi như tuyến hai để sẵn sàng hỗ trợ tuyến đầu”, Thứ trưởng Sơn chia sẻ.
“Để điều trị bệnh nhân Covid-19 thành công, chúng ta cũng đã có bài học lớn đó trong giai đoạn đầu tiên. Đó là: Phát hiện sớm, cách ly nhanh, thu dung điều trị tại chỗ, cơ sở điều trị thoáng khí, không dùng máy lạnh để giúp giảm bớt nồng độ virus; khử khuẩn tuyệt đối trong khu cách ly; yêu cầu bệnh nhân, người cách ly phải vệ sinh cá nhân, đặc biệt là vệ sinh vùng miệng; tăng cường sức miễn dịch cho người bệnh để họ có sức khỏe chống lại virus; phối hợp điều trị tốt các bệnh lý nền như huyết áp, tiểu đường, suy thận cho thật tốt.. ”. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn |
Nguồn http://danviet.vn/tin-tuc/neu-dong-benh-nhan-mac-covid-19-viec-dieu-tri-se-the-nao-1068404.html