Chuyên gia Kyle Rodda thuộc IG Markets đánh giá lệnh cấm đi lại với châu Âu của Tổng thống Trump là “một bất ngờ và cú sốc lớn cho thị trường”, cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa nhận thức tác động tài chính toàn diện của dịch COVID-19.
Nguy cơ suy thoái đang tăng lên và chúng ta vẫn chưa thể tính toán được mức độ của nó. Tất cả các “giải pháp” chúng ta nhận được từ các cường quốc hiện nay đang gợi nhớ đến siêu khủng hoảng tài chính trước đây.
Chiến lược gia vĩ mô toàn cầu của Hãng quản lý đầu tư Manulife, Sue Trinh, cảnh báo.
Chứng khoán toàn cầu lại có một ngày tồi tệ vào ngày 12-3. Thị trường Á – Âu đã kéo theo cả Phố Wall cùng lao dốc.
“Tổng thống Trump không công bố bất cứ biện pháp chắc chắn nào như gói cắt giảm thuế quỹ lương trên diện rộng, nhằm hỗ trợ nền kinh tế chống lại đe dọa từ virus corona chủng mới. Đây là điều khiến thị trường thất vọng hơn cả” – ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường của Hãng môi giới OANDA, nhận định.
Mở đầu phiên giao dịch ngày 12-3, chỉ số S&P 500 đã giảm 7,4%, trong khi Dow Jones Industrial Average và Nasdaq Composite cùng giảm 7,6%. Hoạt động tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã phải tạm hoãn trong vòng 15 phút sau khi S&P 500 rớt điểm. Đây là lần thứ 2 NYSE phải tạm ngừng giao dịch trong tuần này. Nếu thị trường giảm 20%, tất cả mọi người sẽ về nhà và giao dịch sẽ ngừng lại trong một ngày.
Chỉ số Stoxx Europe 600 cũng giảm hơn 6% trong ngày thứ 6 liên tiếp, theo Bloomberg hôm 12-3. Nguyên nhân chủ yếu vì chứng khoán trong lĩnh vực du lịch và giải trí đã giảm 9,9% và chạm đáy trong vòng 6 năm qua. Cổ phiếu của các hãng hàng không Air France KLM, Lufthansa và Tập đoàn IAG, chủ sở hữu British Airways, đều giảm từ 11,4% đến 13,5%.
Nhật Bản chốt phiên giao dịch ngày 12-3 thấp hơn 4% ngay cả khi ngân hàng trung ương nước này cam kết sẽ đổ thêm tiền vào thị trường.
Bloomberg ghi nhận thua lỗ nặng đã đẩy chỉ số MSCI toàn cầu tiếp tục giảm hơn 20% so với mức cao nhất hồi tháng 2, tiến vào thị trường giá xuống.
Lãi suất các trái phiếu chính phủ và giá dầu cũng đi xuống. Điển hình, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 15 điểm cơ bản còn 0,72%, trong khi giá dầu Brent và WTI lần lượt giảm 5% và 4,8%.
Đứng trước bất ổn, các nhà đầu tư đã quay lại với các loại tài sản dự trữ an toàn. Giá vàng ngày 12-3 đã tăng 0,4% lên 1.641,44 USD/ounce, trong khi tỉ giá đồng yen Nhật tăng 0,8% lên mức 103,75 yen đổi 1 USD, theo Bloomberg.
Chuyên gia Kyle Rodda thuộc IG Markets cho biết các nhà giao dịch đang tiến hành bán vàng để bổ sung ký quỹ, qua đó tạo ra “cơn gió ngược” đối với kim loại quý này.
Việt Nam: chứng khoán chạm mốc buồn, vàng giảm nhẹ
Chốt phiên giao dịch ngày 12-3, VN-Index chính thức xuyên thủng mốc quan trọng 800 điểm, lùi về con số 769,25 điểm sau khi giảm đến 42,1 điểm (-5,19%), đây cũng là số điểm thấp nhất kể từ cuối tháng 8-2017 cho tới nay.
Tính từ đầu tuần đến phiên 12-3, VN-Index đã mất hơn 66 điểm do những lo ngại về dịch COVID-19.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC bán ra lúc 14h ngày 12-3 ở mức 47,35 triệu đồng/lượng, chỉ giảm nhẹ 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày trước đó. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá bán vàng miếng SJC đang cao hơn đến 1,55 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán vàng miếng cũng rất xa, lên đến 600.000 đồng/lượng.
Theo các công ty vàng, mãi lực trên thị trường rất yếu do người nắm giữ vàng không muốn bán để chờ mức giá cao hơn trong khi người mua lại chờ giá giảm thêm.
Nguồn: tuoitre.vn