Đám cưới của anh Cil Múp Ha Sang (26 tuổi, người dân tộc K’ho) là chuyện lạ ở thôn Đa Nung B, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Đám cưới đã đãi 59 bàn tiệc không rượu cũng chẳng bia. Đây là một đám cưới khác lạ, hưởng ứng Nghị định 100 của Chính phủ…
Vừa qua, tại huyện Lâm Hà diễn ra đám cưới của một chàng trai người K’ho đã gây chú ý dư luận tại địa phương. Điều đặc biệt, anh Ha Sang đã tiên phong là người đầu tiên trong làng đãi khách bằng nước ngọt và nước lọc, không sử dụng rượu, bia trong đám cưới.
Trong đám cưới của anh Ha Sang và chị Da Na chỉ đãi khách nước ngọt, không sử dụng rượu bia.
“Truyền thống của người K’ho chúng tôi, những khi lễ, tết hay đám hỏi, ma chay thì sẽ sử dụng rượu bia rất nhiều. Chính vì vậy, sau khi tàn tiệc đánh lộn, tai nạn giao thông là khó tránh khỏi. Đó là còn chưa nói đến việc say rượu sẽ làm hạnh phúc gia đình tan vỡ. Hơn nữa, sau khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực thì chúng ta cần phải thực hiện nghiêm túc, nếu không mức phạt sẽ rất nặng”, anh Ha Sang chia sẻ.
Theo anh Sang, sau khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực, người dân cần thực hiện nghiêm túc.
Được biết đám cưới của anh Cil Múp Ha Sang và chị Liêng Hót Da Na được tổ chức vào ngày 22/2/2020 với khoảng 590 khách. Với số lượng khách trên, anh Sang đã đặt nhà hàng 25 két nước ngọt, 60 chai nước lọc và 60 chai nước ngọt loại 1,5 lít/chai.
“Đa số người đến dự tiệc đều cảm thấy khá bất ngờ với quyết định trên của gia đình. Tuy nhiên, mọi người cũng đã hiểu ra và thông cảm, tán thành cho cách làm của tôi. Đó cũng là mong muốn của tôi và người thân trong gia đình khi tổ chức đám cưới mà không dùng bia rượu”, anh Sang chia sẻ.
Với 59 bàn tiệc đãi khách, anh Sang đã đặt nhà hàng 25 két nước ngọt, 120 chai nước lọc và nước ngọt loại 1,5 lít/chai.
Một điều đặc biệt nữa trong đám cưới của anh Sang và chị Na được tổ chức là bộ trang phục được thiết kế theo phương pháp cổ truyền của người dân tộc thiếu số K’ho. Anh Sang cho biết, trang phục trong ngày cưới của anh được thiết kế sẵn, vợ chồng anh chỉ cần thử và chọn mẫu phù hợp.
Điều này giúp cho những người con trong làng của anh nhớ về nghề dệt truyền thống của tổ tiên. Bên cạnh đó, nó giúp phát huy và bảo tồn nét văn hoá độc đáo của người K’Ho trong gia đoạn xã hội phát triển hiện nay.
Trang phục thiết kế từ thổ cẩm được anh Sang và chị Na lựa chọn trong đám cưới với mong muốn bảo tồn nét văn hóa của người K’ho trong thời đại mới.
Theo phong tục của người K’Ho, sau khi đám cưới của anh Sang và chị Na tiến hành xong, anh Sang sẽ về nhà mẹ của chị Na tại thôn 5, xã Đạ Long (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) để sinh sống và lao động.
Sau khi tổ chức đám cưới, anh Sang sẽ về nhà vợ để sinh sống và lao động theo phong tục của người K’ho.