Thống kê của Ngân hàng (NH) Nhà nước cho biết trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng (1%) của cùng kỳ năm trước, dù các NH tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NH Nhà nước, cho rằng mức tăng trưởng tín dụng khá thấp của những tháng đầu năm cho thấy các doanh nghiệp (DN) đang rất khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
“Ngoại trừ một số lĩnh vực có nguồn nguyên liệu trong nước vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, DN thuộc lĩnh vực như xuất nhập khẩu, du lịch, nông nghiệp, vận tải, đặc biệt là ngành hàng không gặp khó khăn rất lớn…” – ông Hùng nói.
Giảm vay vốn, thu hẹp hoạt động
Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết NH Nhà nước sẽ sớm ban hành thông tư hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng COVID-19.
Theo đó, NH Nhà nước sẽ đưa ra một số tiêu chí nhưng chỉ là khung xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Trên cơ sở đó, các NH tự quyền quyết định, tự chịu trách nhiệm về việc áp dụng các biện pháp giảm lãi, khoanh nợ như thế nào, có đúng đối tượng hay không.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một NH lớn ở Hà Nội cho biết dư nợ khoản vay bị thiệt hại do COVID-19 (tính đến ngày 23-1) chỉ riêng tại NH này đã lên đến 78.000 tỉ đồng. NH đã cơ cấu khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với toàn bộ dư nợ này tới ngày 31-3.
Với mức giảm lãi suất 1%, ước tính NH này sẽ giảm lợi nhuận khoảng 500 tỉ đồng. “Nếu dịch này kéo dài sang quý 2 hoặc quý 3, chắc chắn số khách hàng bị thiệt hại sẽ nhiều hơn và dư nợ bị ảnh hưởng cũng sẽ tăng lên” – vị này nói.
Nhiều NH thừa nhận tăng trưởng tín dụng dường như không tăng, do nhiều DN thu hẹp sản xuất kinh doanh nên không có nhu cầu vay vốn.
Trong thực tế, ngoại trừ một số dự án đầu tư công và những DN làm hàng cho thị trường nội địa vẫn vay vốn để đầu tư nhưng không nhiều, hầu hết DN sản xuất xuất khẩu có nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc đều bị gián đoạn hoạt động, nhiều DN chỉ hoạt động cầm chừng chờ mọi việc trở lại bình thường.
Theo lãnh đạo một NH, chưa có dự báo nào về thời điểm COVID-19 sẽ được khống chế mà ngược lại, nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của VN (như EU, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật…) đang bùng phát dịch. Việc xuất khẩu sang các thị trường này gặp khó khăn, dòng tiền để trả nợ NH cũng bị ảnh hưởng.
“Do đó, các NH thương mại mong đợi thông tư hướng dẫn của NH Nhà nước để triển khai khoanh nợ, miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho khách hàng. Nếu như để các NH tự quy định các tiêu chí sẽ tiềm ẩn rủi ro cho các NH, chưa kể khách vay cũng bị ảnh hưởng bởi mỗi NH sẽ có tiêu chí khác nhau” – vị này nói.
Sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho hay NH này đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Ngoài ra, NH này còn giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu với mức giảm 1%/năm đối với dư nợ vay VND ngắn hạn, giảm 1,5%/năm đối với dư nợ vay VND trung dài hạn.
Với dư nợ bằng USD, Vietcombank giảm lãi suất 0,5%/năm cho các khoản vay ngắn hạn và giảm 0,75%/năm với khoản vay trung dài hạn. NH này cũng giảm tối đa tới 1%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với USD cho các khoản vay mới của khách hàng thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thời gian áp dụng đến hết ngày 30-4.
Trong khi đó ông Phan Viết Cường, giám đốc khối khách hàng cá nhân NH VietCapital, cho hay NH này đang tập hợp danh sách khách hàng cá nhân dự kiến nguồn thu bị ảnh hưởng để NH xem xét và cân đối cho từng khách hàng, như giảm lãi suất các khoản vay trước đó và giãn lịch trả nợ vay.
Ông Lê Đức Thọ, chủ tịch HĐQT VietinBank, cũng cho hay tỉ lệ dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi COVID-19 của NH này ước tính khoảng 11% tổng dư nợ, nhưng dự báo con số này có thể tăng lên do tình hình dịch bệnh còn kéo dài.
Các chi nhánh của NH này đã làm việc với khách hàng để nắm tình hình kinh doanh, tìm hiểu cụ thể khó khăn của khách vay nhằm đưa ra phương án tái cơ cấu khoản nợ.
“Có DN bị mất thị trường tiêu thụ chính, phải tìm thị trường khác. Có DN phải thay đổi vùng nguyên liệu, thay đổi chiến lược…
Trong quá trình đó sẽ phát sinh chi phí, NH sẽ hỗ trợ cho vay. Nếu DN gặp khó khăn kéo dài, phải cắt giảm lao động, NH cũng hỗ trợ để DN có thể duy trì được lao động để ổn định sản xuất khi tình hình khởi sắc trở lại. Nói chung, mỗi trường hợp NH sẽ có phương án hỗ trợ khác nhau bên cạnh biện pháp tái cơ cấu nợ” – ông Thọ nói.
TS Cấn Văn Lực (chuyên gia ngân hàng):
Nhu cầu vay vốn không có
TS Cấn Văn Lực
Tín dụng chỉ tăng 0,06% chứng tỏ nhu cầu tín dụng của nền kinh tế rất thấp, chủ yếu do ảnh hưởng bởi COVID-19. Hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, có những doanh nghiệp thu hẹp, thậm chí tạm dừng hoạt động nên không vay tiền làm gì.
Dù ngân hàng đã giảm lãi vay 1 – 1,5%/năm, có những gói hỗ trợ nhưng doanh nghiệp đâu có vay bởi có thị trường tiêu thụ gặp khó khăn. Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục gặp khó trong những tháng tiếp theo khi dịch vẫn diễn biến phức tạp, chưa có thông báo điểm dừng.
Nguồn: tuoitre.vn