Phi trường CDG Paris khi tôi đến, tôi là người duy nhất đeo khẩu trang. Tôi đeo khẩu trang khi đi những chuyến bay dài từ 20 năm nay vì hay bị lây bệnh đau mắt và lúc nào cũng có khăn choàng cổ vì hay bị cảm lạnh.
Anh bạn người Pháp tươi cười tiến lại, rồi ôm chầm lấy tôi. Chúng tôi hôn nhau đủ ba lần đúng truyền thống địa phương. Anh bảo: “Thứ hai này tôi sẽ kể cho thân chủ là tôi mới ôm hôn một người Trung Quốc!”. Anh là bác sĩ gia đình tại một ngoại ô Paris và phòng mạch lúc nào cũng đầy chật con bệnh, có lẽ phát biểu này sẽ đuổi bớt được một số để 10 giờ đêm anh còn có thể về nhà ăn cơm?
Bữa cơm tối tại nhà bạn có 10 người, và tôi ôm hôn đủ cả 10 theo tập tục. Trong số đó có thêm một bác sĩ gia đình đã về hưu và hai bác sĩ của một bệnh viện miền trung lên chơi. Bạn bác sĩ gia đình ở Paris hỏi bạn bác sĩ miền trung: “Pháp có một người chết vì COVID-19, mỗi năm có bao nhiêu người chết vì cúm ở Pháp?”. Anh kia bảo không biết, chắc 10.000-15.000 người.
Con số này chính xác. Tại Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC), mùa cúm 2018-2019 có 35,5 triệu người nhiễm bệnh, nửa triệu người nhập viện và 34.000 người chết. Năm 2017-2018 có 45 triệu người lây bệnh, 810.000 người nhập viện và 61.000 người chết.
Như vậy sau bữa ăn, có lúc tôi ngờ là uống nhầm ly rượu và ăn nhầm đĩa bánh ngọt của người khác, chúng tôi tiếp tục hôn nhau để chia tay.
Phi trường CDG Paris khi tôi đến, tôi là người duy nhất đeo khẩu trang. Tôi đeo khẩu trang khi đi những chuyến bay dài từ 20 năm nay vì hay bị lây bệnh đau mắt, và lúc nào cũng có khăn choàng cổ vì hay bị cảm lạnh. Trên chuyến từ Muscat (Oman) đến Paris cũng chẳng thấy khách nào đeo khẩu trang, tiếp viên cũng thế. Vào đến nước Pháp ngày 19-2, không thấy có biện pháp đo thân nhiệt, bảng cảnh báo hay phải điền tờ giấy nào thêm.
Vào thứ bảy 22-2, tôi đến khu phố Tàu tại quận 13, vẫn đông vui như thường lệ, chỗ vào bãi đậu xe của cửa hàng Tang Freres thì không phải đợi như mọi khi, có lẽ số khách thăm vắng hơn 20%? Phố Tàu ở Paris là nơi có đến nửa số khách là người Pháp, tuyệt đối không hề thấy bóng dáng một cái khẩu trang. Một bạn bán hàng hiệu tại Galeries Lafayette than khách Trung Quốc vắng hẳn, ế ẩm dài người.
Mấy tuần trước, khi rời nhà ở Nam Cali, tôi đã phải đi lùng khẩu trang. Các tiệm thuốc đều bán hết, một nơi có khẩu trang N95 nhãn 3M nhưng chỉ bán nguyên thùng 90 USD! Như đã kể, tôi đi lùng vì sắp phải lên tàu bay và không muốn tèm nhèm đau mắt hột thôi.
Tại chỗ bán vật liệu xây dựng gần nhà, khẩu trang N95 (thường để thợ sơn xịt dùng) không còn một cái, hàng chữ đề tiếng Hoa nói gì tôi không hiểu. Khu tôi nhiều người Hoa, nên có thể họ đã tích trữ hết.
Ra phố Hoa ăn thì thấy lác đác vài khẩu trang, phần nhiều là nhân viên phục vụ. Xin nói thêm, khu phố Hoa gần nhà tôi khách Á Đông 90%. Xuống đến Bolsa – phố Việt gần Los Angeles – nơi 99,9% là khách Việt thì không thấy ai đeo khẩu trang nhưng vẫn có tình trạng khan hiếm, chắc mua để gửi về Việt Nam theo yêu cầu của thân nhân cùng áo phông nhãn Hilfiger như ngày xa xưa nào gửi về nước bột ngọt, kim may Singer và nón đội dã cầu.
Phi cảng Ontario (Nam California) là nơi tôi cất cánh. Chuyến China Airlines thì nhân viên quầy và khách trang bị đầy đủ mỗi người một cái khẩu trang. Ontario chỉ có một chuyến nước ngoài đi Đài Bắc, còn thường là bay nội địa Hoa Kỳ.
Khách “Mỹ” khác thì nhởn nhơ đùa với cái chết đang rình rập, chẳng thấy ai quan tâm. Từ đó, có thể suy đây là bệnh Đông Á và ai đeo khẩu trang che kín mặt thì là người thuộc khu vực này, khỏi cần nhìn màu mắt hay màu da.
Lên đến tàu bay, ông ngồi cạnh lấy giấy khử trùng ra lau tay tựa, bàn ăn, màn hình trước mặt, tôi rủa thầm. Phần tôi mạnh dạn dùng đầu ngón tay trần mà lựa phim Alpha, The Right to Kill của Brillante Mendoza (Philippines). Coi cũng được, khá hơn Hai Phượng với Ngô Thanh Vân, là phim phải lên cơn sốt ở trong phòng cách ly thì xem mới thấy được giải trí.
Tôi chỉ chuyển tiếp ở Đài Bắc nên không rõ thủ tục nhập cảnh Đài Loan vào thời dịch bệnh. Khách lúc sáng sớm tại sân bay Đào Viên ai cũng khẩu trang đủ loại, trừ mấy mống Tây đi lạc, mặt để trần. Tàu bay từ đây đi Bangkok cũng thế, tuyệt đại đa số là Á Đông và khẩu trang cẩn thận, dù các cô quần cộc vẫn hở đùi.
Tây thì ngoại lệ rồi, không ai che mặt. Nhưng đến Bangkok thì sự việc bắt đầu căng. Các chuyến từ Đài Loan phải qua khu vực “xét nghiệm” rồi mới đến cảnh sát cửa khẩu. Tại khu vực này, một bà không hỏi han gì, tuy hình như có màn hình kiểm tra thân nhiệt, dán ngay lên hộ chiếu của tôi một con tem. Không có tem này là không qua được cửa khẩu.
Hàng xếp ở đây thường dài vô tận, giờ chỉ còn khoảng một nửa, ít khách Trung Quốc hẳn, phần lớn là người Nga đang mùa nghỉ, Ấn Độ và Trung Đông, loáng thoáng Bắc Âu và Tây Âu. Các quầy cảnh sát dành riêng cho khách Trung Quốc giờ làm luôn thủ tục nhập cảnh cho mọi người.
Năm qua, số du khách Trung Quốc đến Thái Lan là 11 triệu lượt, dẫn đầu về du lịch và vượt xa lượng khách truyền thống là người Tây Âu già có tâm sự buồn, cần tìm bạn gái trẻ để chia sẻ. Dân Trung Quốc tôi vẫn thấy ở phi cảng Suvarnabhumi vài mạng, nhưng không còn từng đoàn rồng rắn theo tour. Lác đác Cao Ly và Nhật Bản, các bạn này đều mặt nạ ninja.
Kiểm tra y tế tại cửa khẩu chỉ là một trò ra vẻ và dành riêng cho khách từ khu vực Trung Quốc đại lục, Đài Loan. Ngoài nhân viên phi cảng, cửa hàng và khách Đông Á, khách Tây đeo mặt nạ là ngoại lệ, dù dịch đã đến bắc Ý để điểm ngày tàn của đế quốc La Mã. Tôi không rõ tình hình trong phố Bangkok, mà đi thẳng xuống Pattaya.
Thành phố ven biển kiểu Đồ Sơn hay Vũng Tàu này phát triển 50 năm qua nhờ vị trí gần thủ đô ngột ngạt. 10 năm trước, nó giật giò chóng lớn nhờ sự thành hình của một giai cấp trung lưu ở Nga, có thể trả 800 đôla để tìm nơi phơi nắng duỗi người. Lúc đó 1 rúp đổi được 1,1 baht Thái và thị trấn ven biển này có 25% dân cư là người Nga, uống bia Singha không biết mệt.
Hiện 1 rúp chỉ đổi được 0,5 baht, nghĩa là đối với khách Nga, cái gì tại đây cũng đắt lên gấp hai. 5 năm trở lại đây, lượng khách Nga sa sút được thay thế dần bởi khách Trung Quốc và họ bắt đầu mua các căn hộ nghỉ mát tập thể trước dành cho người Nga.
Bảng tiếng Hoa nhiều hơn thay thế tiếng Nga và mang hi vọng mới cho dân địa phương. Tôi đi hàng đi quán nhưng tiếp xúc với giới kinh doanh nhà đất, các dự án chung cư đều có nhân viên người Hoa làm việc rao nhà, và một chủ nhân người Nga khoe mới bán được 50 căn hộ cho một công ty Trung Quốc!
Nhà ở đây thì rất nhiều và có căn chưa có chủ, từ năm ngoái đến năm nay mất giá 33%. Trung Quốc đang bắt đầu vực họ dậy thì đại họa COVID-19 đến.
Một bạn làm nhân viên matxa cho biết cô cả ngày ngồi giong mắt. Cô dáng liễu và da trắng muốt, thuộc vào dạng khách Á Đông chuộng, các bạn này nay lại không đến nữa. Dạng da ngăm huyền bí thì khách Tây vẫn bình thường, còn dạng tròn trĩnh người Ấn ưa thì không có gì thay đổi. Cô Tây Thi kia đâm ra thiệt thòi!
Ngoài phố đâu đó nhân viên hàng quán có người đeo mặt nạ, nhưng trong các trung tâm mua sắm máy điều hòa thì bắt buộc. Central Festival còn đặt máy đo thân nhiệt to đùng ngay lối vào. Ý họ là mời khách đến chỗ này vì nó an ninh vệ sinh, chứ không phải là đuổi, cũng xuất hiện máy phát xà bông khử trùng để xoa tay.
Cô matxa thì bảo cô xát xà bông cả người, còn làm quá khuyến cáo của WHO, thì việc gì phải lo! Các cô bia ôm thì không có lợi thế đó, ngồi dài chân ở các quán Soi 6 và tất nhiên không ai đeo khẩu trang.
Đường về, ở phi trường Muscat mà tôi tới từ Bangkok cũng không phát hiện máy đo thân nhiệt cài đặt lén chỗ nào. Theo một số chuyên gia, việc đo này vô ích và tốn kém, chỉ phát hiện người đã phát bệnh chứ sao phát hiện được người đang ủ bệnh.
Hữu hiệu hơn là phát cho hành khách một tờ giấy giải thích các triệu chứng của bệnh cúm. Oman áp dụng cách này và bắt mỗi hành khách điền một tờ giấy, chuyến bay, chỗ ngồi trên tàu bay, địa chỉ tại Oman để liên hệ khi cần. Mấy ngày ở đây, nghe đâu Libăng ở đầu kia khu vực đã có một trường hợp nhiễm do người từ Iran.
Iran là bá quyền thao túng ở Libăng, đỡ đầu phong trào Hezbollah và có nhiều người ghét nên tin này lan nhanh. Tại Oman, Iran là láng giềng tốt, từng giúp chế độ dẹp loạn trong nội chiến nên không ai bị lây bệnh từ đó chăng?
Tôi không sang Trung Quốc, nhưng có một đứa con từ Mỹ sang Hạ Môn (Phúc Kiến) ngay trước khi nổ bùng Vũ Hán. Nó định trong chuyến đi tìm hiểu công việc và ở lại, nhưng may sao đi chơi Vân Nam rồi sang Thái. Ở Thái một tháng, tức là qua hạn cách ly 14 ngày, giờ nó đang tha phương chờ thời tại Cam Bốt, không biết bao giờ trở lại Hạ Môn để tiếp tục công việc.
Nó bảo nghe đâu sống ở Bali cũng hay! Tại Indonesia đã có bốn trường hợp COVID-19 và theo một thăm dò thì dân tình tại đây rất lo lắng vì dịch này (72%), chỉ có sau Trung Quốc (77%). Trong khi đó, ôi dào, tại nước Đức, chỉ có 19% mất ngủ nếu giữa đêm tỉnh dậy và ho khan.
Nguồn: tuoitre.vn