Nếu thông tin trên mạng xã hội phản ánh về việc Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp thu gom khẩu trang số lượng lớn bán ra bên ngoài để trục lợi thì đây là hành vi không chỉ vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật.
Thông tin bác sĩ Phạm Hữu Quốc, Giám đốc BV Gò Vấp (TP.HCM) đã tiến hành thu gom hàng chục triệu khẩu trang để đầu cơ, xuất khẩu ra nước ngoài làn truyền trên mạng xã hội đang thu hút sự chú ý từ dư luận, nhất là ở thời điểm dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất khẩu trang y tế do không đủ nguyên liệu sản xuất.
Cụ thể, trên tài khoản Facebook cá nhân tên H.L có đăng thông tin có nội dung: “ Giám đốc bệnh viện ở TP HCM đầu cơ khẩu trang bán với giá 250k/hộp. Số lượng giao dịch 20.000 thùng là 50 triệu cái khẩu trang. Sau khi nhận gần 6 tỷ tiền cọc, giám đốc này giao hàng toàn khẩu trang giả.”
Đồng thời, các thông tin cho thấy, Giám đốc bệnh viện Gò Vấp là bác sĩ Phạm Hữu Quốc đã hứa với một người thu gom 20.000 thùng khẩu trang với giá 11 triệu đồng/ thùng. Tuy nhiên khách hàng chuyển tiền cọc xong thì được thông báo nâng giá lên 23 – 24 triệu đồng/ thùng.
Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp.
Đáng chú ý, người đăng tải còn cung cấp hình ảnh tờ giấy nộp tiền và giấy ủy nhiệm chi của ngân hàng lên đến vài tỷ đồng, ghi tên người nhận là “Pham Huu Quoc”. Từ thông tin này, nhiều người cho rằng người bị tố gom khẩu trang là ông Phạm Hữu Quốc, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Gò Vấp.
Liên quan sự việc trên, hiện Chủ tịch UBND Quận Gò Vấp đã yêu cầu thanh tra quận tiến hành xác minh vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí, ông Phạm Hữu Quốc đã phủ nhận thông tin mình thu gom khẩu trang để bán với giá cao và cho rằng bản thân đang bị “chơi xấu”.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Gò Vấp nói rằng không có sự buôn bán nhưng lại thừa nhận có người đặt vấn đề cần một lượng khẩu trang lớn để đi làm từ thiện sau đó vì nể nên ông đồng ý.
Vị giám đốc bệnh viện này cho hay, bản thân ông không làm trực tiếp mà giới thiệu chỗ một điều dưỡng của bệnh viện mua khẩu trang được khoảng hơn 100 thùng. Đồng thời thừa nhận, người mua khẩu trang đã chuyển qua tài khoản của ông hai lần với số tiền 3,3 tỷ đồng và chuyển nữ điều dưỡng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Quốc, người ta chỉ nhờ tài khoản của ông để chuyển tiền.
Ông Quốc cũng cho biết, ngoài lượng khẩu trang ông buộc phải chịu lỗ bán với giá 250.000 đồng/hộp, tôi còn phải chuyển trả người này số tiền hơn 2,8 tỷ đồng.
Một số hình ảnh tờ giấy nộp tiền và giấy ủy nhiệm chi của ngân hàng lên đến vài tỷ đồng, ghi tên người nhận là “Pham Huu Quoc” được đăng tải lên mạng xã hội.
Trao đổi với PV Kiến Thức , luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thông tin về việc Giám đốc bệnh viện Gò Vấp Phạm Hữu Quốc thu gom khẩu trang số lượng lớn để bán ra bên ngoài là một thông tin khá sốc với nhiều người.
Tuy nhiên, đây chỉ là thông tin ban đầu. Cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ để có hình thức xử lý phù hợp theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Luật sư Cường nêu ý kiến, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều quốc gia rơi vào cảnh thiếu vật tư y tế như khẩu trang y tế và cồn vệ sinh.
Ở Việt Nam, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc bình ổn giá những loại hàng hóa này, tích cực sản xuất và cấm xuất khẩu các loại mặt hàng này để đảm bảo việc phòng và chống dịch bệnh đạt hiệu quả.
Theo Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa quận Gò Vấp Vũ Hoàng Hà, bệnh viện không có chủ trương thu gom hay mua khẩu trang số lượng lớn. Đồng thời cho hay, nhiều bệnh nhân cũng không đủ khẩu trang y tế để sử dụng, phải sử dụng khẩu trang vải…
Do vậy, nếu thông tin trên mạng xã hội phản ánh về việc Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp thu gom khẩu trang số lượng lớn để bán ra bên ngoài, đây là một hành vi không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Hành vi vi phạm pháp luật nếu như có căn cứ cho thấy ông Phạm Hữu Quốc đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện các hành vi đầu cơ mua bán trái quy định.
Luật sư Đặng Văn Cường.
Từ đó, luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ hành vi, làm rõ thông tin về vụ việc để có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy lãnh đạo bệnh viện này đã có hành vi vi phạm, cần phải đình chỉ công tác và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét làm rõ dấu hiệu của hành vi đầu cơ hoặc các hành vi về lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, hành vi không chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh khi tạo ra sự khan hiếm khẩu trang ở cơ sở y tế này, đồng thời trục lợi bằng cách bán ra bên ngoài…
Nếu có hành vi vi phạm, cần áp dụng các hình thức kỷ luật nghiêm khắc, có thể là cách chức, xử phạt hành chính. Nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, có thể xử lý hình sự về các tội danh liên quan đến đầu cơ, kinh doanh hoặc các tội phạm về chức vụ…
Theo Tintaynguyen.com