Ngày 24-3-2017, Hội đồng sáng kiến tỉnh Bình Phước đã họp đợt 3 xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh thuộc lĩnh vực GD-ĐT năm học 2015-2016. Tổng kết 3 đợt xét duyệt, ngành giáo dục có 34/383 giải pháp được công nhận sáng kiến cấp tỉnh, chiếm hơn 8,8%, một con số rất thấp. Không những thế, theo đánh giá của tổ thư ký, các sáng kiến đa số vẫn không bảo đảm về tính mới, hiệu quả áp dụng chưa thuyết phục và còn mang tính chủ quan. Câu hỏi đặt ra là, vì sao có rất nhiều người viết sáng kiến kinh nghiệm mà số lượng, chất lượng lại đạt quá thấp và những sáng kiến được áp dụng vào thực tế là bao nhiêu, hiệu quả ra sao? 

Theo quy định và hướng dẫn xét thi đua hằng năm của ngành thì sáng kiến kinh nghiệm là tiêu chí hàng đầu để xét các danh hiệu thi đua. Muốn là chiến sĩ thi đua cơ sở phải có sáng kiến kinh nghiệm đạt cấp huyện, muốn là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh phải có sáng kiến kinh nghiệm đạt cấp tỉnh. Tổ tiên tiến phải có thành viên trong tổ đạt sáng kiến kinh nghiệm từ cấp huyện trở lên. Trường đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc phải có giáo viên đạt sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh. Như vậy, viết sáng kiến kinh nghiệm là một tiêu chí bắt buộc với nhà trường và giáo viên nên hằng năm có rất nhiều người đăng ký. Người có khả năng viết đã đành, nhiều giáo viên mới ra trường không có khả năng, kinh nghiệm cũng phải tham gia. Nếu giáo viên hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của sáng kiến kinh nghiệm và thực hiện bằng tất cả trách nhiệm, khả năng của mình thì không có gì đáng phê phán. Nhưng đã có không ít giáo viên luôn đặt nặng vào những danh hiệu cuối năm nên dù chưa hiểu được thế nào là “sáng kiến kinh nghiệm”, chưa hình dung được sẽ bắt đầu từ đâu và viết như thế nào mà chỉ vì “bệnh thành tích” nên vẫn đăng ký đề tài và viết.

Phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm được dư luận phản ánh rất nhiều bởi nó mang tính hình thức, chủ quan, không hiệu quả mà lãng phí tiền bạc, công sức của giáo viên và Nhà nước. Nhiều người cho rằng, phong trào này chẳng có tác dụng nhiều. Bởi trong hàng triệu sáng kiến kinh nghiệm mỗi năm trên phạm vi cả nước thì có rất ít đề tài được áp dụng vào thực tiễn. Trong khi một số người chấm sáng kiến kinh nghiệm lại chưa đủ tầm để thẩm định, đánh giá. Vì vậy, việc chấm sáng kiến kinh nghiệm cũng thể hiện nhiều bất cập và tạo dư luận không tốt trong nội bộ các đơn vị giáo dục.

Để thực hiện một sáng kiến kinh nghiệm hay, có giá trị thực tiễn, đề xuất được những phương pháp cải tiến mới, đòi hỏi người làm phải trải qua nhiều năm công tác và đã đúc kết được kinh nghiệm giảng dạy. Ngoài kinh nghiệm thực tế, tìm ra phương pháp mới thì khi thực hiện một sáng kiến kinh nghiệm đòi hỏi người viết phải biết trình bày đề tài một cách chặt chẽ, lôgic và theo trình tự khoa học với lời văn trong sáng, dễ hiểu. Người được phân công đánh giá, chấm sáng kiến kinh nghiệm phải có trình độ, giỏi chuyên môn, tâm huyết, không tư lợi và không chịu tác động từ bất cứ mối quan hệ nào.

Từ thực tế đó, nhiều giáo viên lâu năm cho rằng, đã đến lúc ngành giáo dục cần có những thay đổi toàn diện trong việc phát động và phân công người chấm sáng kiến kinh nghiệm. Phải xác định rõ mục tiêu của việc viết sáng kiến kinh nghiệm, khi thực hiện xong cần tổ chức bảo vệ đề tài như một công trình khoa học loại nhỏ để giám khảo và người thực hiện phản biện cùng nhau, tranh luận và làm sáng rõ tính thực tiễn, những phương pháp hay và mới để áp dụng hiệu quả trong ngành.

Hà Thanh

Từ khóa : bệnh thành tíchcông sứclãng phí tiền bạcsáng kiến kinh nghiệm

Các tin liên quan đến bài viết