Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề nghị của chuyên gia và đại biểu Quốc hội về việc chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Yêu cầu trên được thể hiện trong văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng vừa được Văn phòng Chính phủ vừa gửi Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về việc điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được một số ý kiến của chuyên gia và đại biểu Quốc hội đề nghị điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của tổng công ty này.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề xuất trên.
Vào tháng 6-2019, Bộ Giao thông vận tải có tờ trình Thủ tướng về phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư, trong đó có phương án chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về bộ này.
Bởi nếu Bộ Giao thông vận tải là cơ quan giao dự toán ngân sách cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia sẽ trái Luật ngân sách. Cụ thể, khoản 1, điều 49 Luật ngân sách nhà nước và khoản 1, điều 31 nghị định 163/2016/NĐ- CP về thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước quy định Bộ Giao thông vận tải chỉ được giao dự toán cho đơn vị trực thuộc.
Trong khi đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – doanh nghiệp vốn được giao quản lý, sử dụng toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia – đã chuyển từ Bộ Giao thông vận tải về thành đơn vị trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào tháng 9-2018.
Tuy nhiên, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không thể giao dự toán cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vì theo quy định của Luật Đường sắt và các nghị định liên quan, Bộ Giao thông vận tải có thẩm quyền giao dự toán ngân sách cho đơn vị được giao quản lý tài sản. Còn Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…
Để phù hợp với quy định của pháp luật đối với phương án trên, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng cho phép các bộ, ngành liên quan làm thủ tục sửa đổi nghị định số 131/2018/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải là đơn vị dự toán cấp 1 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để tránh phải sửa các luật, nghị định liên quan đã có hiệu lực.
Nguồn: tuoitre.vn