Trong khi tại nhà vườn, sầu riêng rớt giá gần một nửa vì dịch Covid-19, chỉ còn 35.000 đồng/kg thì mặt hàng này khi đến tay người tiêu dùng ở Hà Nội lại đắt gấp 6-8 lần.
Việc tiêu thụ và xuất khẩu nông sản đang gặp khó khăn khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra phức tạp. Tại Tiền Giang, hàng chục nghìn tấn sầu riêng đang bán giá 55.000 – 60.000 đồng/kg xuống còn 28.000 – 35.000 đồng/kg. Các địa phương đang phải nỗ lực tìm hướng tiêu thụ để tránh ùn ứ sản phẩm.
Trong khi đó, tại Hà Nội, thị trường sầu riêng khá trái ngược. Mặt hàng này đang được bán với giá cao tại các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng hoa quả 3 miền hoặc các trang bán hoa quả online, dao động từ 110.000 – 350.000 đồng/kg (tùy loại).
Cụ thể, sầu riêng Ri6 cơm vàng hạt lép loại 1,8 – 2kg có giá từ 198.000 – 250.000 đồng/kg. Sầu riêng Monthong là 350.000 – 400.000 đồng/kg cơm sầu riêng. Sầu riêng chuồng bò từ 120.000 đồng/kg. Theo người bán, hiện giá vận chuyển sau Tết vẫn cao nên mặt hàng không giảm giá.
“Để giảm chi phí vận chuyển, nhiều cửa hàng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận sẽ lấy hàng ở đầu mối sỉ tại Hà Nội. Nếu lấy khoảng 1 tấn có giá sỉ 60.000 đồng/kg, còn lấy trên 2 tấn giá sỉ là 40.000 đồng/kg, còn nếu bán lẻ số lượng nhỏ thì không có giá này.
Số ít mua từ nhà vườn Tiền Giang, Bến Tre thì sầu riêng vận chuyển bằng tàu hỏa ra Bắc. Nhưng sau Tết và đợt dịch nên mọi chi phí cũng cao hơn, do đó, sầu riêng bán lẻ không có giá rẻ”, chị Hạnh, một mối bán hoa quả tại Hoài Đức cho biết.
Mặc dù sầu riêng từ các vùng Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang ngon và đa dạng nhưng đang phải chịu cảnh rớt giá vì tác động của dịch bệnh Covid-19.
“Sầu riêng thì ùn ứ ở vườn, trong khi nhiều người muốn mua ủng hộ lại không tìm được nơi bán bình ổn giá và vẫn đang phải mua quả với giá khá đắt. Hàng xách tay từ Thái Lan, Malaysia thì lên cả triệu đồng”, chị Lan Anh chia sẻ khi chọn mua sầu riêng tại siêu thị trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội.
Sầu riêng tại vườn đang rớt giá vì dịch Covid-19. |
Tuy nhiên, mặt hàng này vẫn đang được bán với giá khá đắt tại Hà Nội. |
Tại hội nghị bàn phương án gỡ khó cho nông sản của Bộ Công Thương diễn ra chiều 11/2, theo các doanh nghiệp bán lẻ, một trong những nguyên do khiến sầu riêng và nhiều loại nông sản khác chưa được “giải cứu” là do không có đủ hàng từ các địa phương chuyển về để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, thậm chí khi doanh nghiệp xuống địa bàn thì cũng không biết thu mua nông sản ở đâu.
Đơn cử, với mặt hàng dưa dấu, vị đại diện VinCommerce cho biết hệ thống Vinmart và Vinmart+ có thể tiêu thụ 120 tấn dưa mỗi ngày. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nắm được các thông tin về từng loại hoa quả, mức giá tại từng địa phương để chung tay bán hàng không lợi nhuận, trong đó lỗ cả chi phí vận chuyển.
Hiện tại, việc giải cứu nông sản đang thực hiện tốt đối với mặt hàng thanh long, dưa hấu. Từ ngày 5/2, sau khi Bộ Công Thương kêu gọi chung tay hỗ trợ, hai mặt hàng này đã được bán với giá 5.000 – 6.000 đồng/kg dưa và 15.000 đồng/kg thanh long tại siêu thị thuộc hệ thống Big C, Saigon Co.op, Lotte Mart, Aeon Mall.
Tuy nhiên, ngoài thanh long, dưa hấu hay sầu riêng, còn nhiều loại nông sản khác như vải Bắc Giang, cam Hà Giang, xoài Đồng Nai đang chuẩn bị vào mùa vụ… cũng cần phải tính đến khả năng cần giải cứu nếu dịch Covid-19 kéo dài.
Báo cáo nhanh của Bộ Công Thương, đến 12 giờ ngày 16/2, hàng trăm container hàng hóa, chủ yếu là nông sản, vẫn đang ùn ứ tại các cửa khẩu thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, chờ xuất sang Trung Quốc. Đơn cử, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) hiện đang tồn 376 xe nông sản, trái cây như thanh long, mít, ớt, nhãn. Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) tồn 1 xe container thanh long. Bộ Công Thương khuyến cáo, kêu gọi các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng. |
Nguồn: vietnamnet