Khuyến cáo như thế là sai
Trước thực trạng tiêu chết hàng loạt ở các nông hộ sử dụng phân bón Ong Biển và ứng dụng quy trình khuyến cáo của công ty sản xuất loại phân này, phóng viên Báo Bình Phước đã tìm đến các cơ quan chức năng để tìm hiểu thực hư. Từ cơ quan khuyến nông đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đều khẳng định việc khuyến cáo người dân sử dụng phân bón Ong Biển nên hạn chế dùng phân bón khác và thuốc bảo vệ thực vật là sai, trái quy trình khoa học chăm sóc hồ tiêu bền vững.
Ông Huỳnh Thanh Vũ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bù Đốp:
Hiện tượng tiêu đang chết và sẽ tiếp tục chết trên địa bàn huyện Bù Đốp là có thật. Đây không phải hiện tượng đột biến mà có một số nguyên nhân nhất định. Toàn huyện hiện có 4.902 ha tiêu. 3 năm trở lại đây, diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện tăng đột biến, có năm tăng đến 400 ha. Xuất phát từ sức hấp dẫn của giá tiêu, người dân bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chức năng và điều kiện thổ nhưỡng đã trồng tiêu ồ ạt. Đất không đảm bảo nguồn nước cũng trồng, đất trũng hay ngập úng cũng trồng tiêu. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng tiêu chết như hiện nay. Toàn huyện hiện có 27 ha tiêu đã chết, có vườn chết gần như 100%.
Bù Đốp nói riêng, cả tỉnh nói chung vừa trải qua đợt nắng hạn kéo dài khiến sức đề kháng của dây tiêu yếu đi. Biện pháp phòng trừ ở một số vườn tiêu không được đảm bảo như bón phân không cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng làm cho hồ tiêu dễ bị nhiễm bệnh dẫn đến chết. Gần đây, người dân xã Tân Tiến phát hiện nguyên nhân tiêu chết do phân bón Ong Biển. Chúng tôi đã phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xuống kiểm tra ở cơ sở. Theo quy định pháp luật, phân bón Ong Biển đã công bố hợp chuẩn, hợp quy nên được lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, việc quảng cáo trên bao bì của sản phẩm đã gây ngộ nhận cho người sử dụng. Công ty khuyến cáo rằng: “Hạn chế tối đa hoặc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân nước, phân bón lá, không cần thiết áp dụng các biện pháp xử lý đất khi đã sử dụng OBT – Ong Biển”. Trong khi đó, quy trình khoa học – kỹ thuật khuyến cáo thời kỳ kiến thiết cơ bản cần phải xử lý đất, thậm chí việc xử lý đất trong thời kỳ này phải dùng nhiều biện pháp tổng hợp như phơi hố, xử lý vôi, khử trùng… để phòng ngừa dịch bệnh cho vườn tiêu. Không chỉ cây tiêu mà ngay cả các loại cây trồng khác, việc quản lý dịch bệnh tổng hợp là quy trình khoa học bắt buộc phải có. Do vậy theo tôi, khuyến cáo của công ty sản xuất phân bón Ong Biển là không đúng lắm. Bởi trong các thành phần của phân đâu có thuốc bảo vệ thực vật. Phân và thuốc là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Phân hữu cơ có thể tạo được sự tơi xốp cho đất, giúp cây tăng sức đề kháng chứ không có chức năng khống chế các tế bào nấm hoặc các loại côn trùng gây hại khác. Do vậy, khuyến cáo của công ty gây nhầm lẫn rất lớn, rất nguy hiểm nếu người dân ứng dụng mà không dùng biện pháp phòng trừ tổng hợp thì trở thành nguyên nhân dẫn đến tiêu chết là điều chắc chắn. Với trình độ của bà con nông dân hiện nay rất khó phân biệt được nguyên nhân tiêu chết. Chúng tôi cũng không thể kết luận được vì hiện nay chưa có điều kiện để đánh giá vấn đề này.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Bắc, Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Bù Đốp:
Thực hiện khuyến cáo của công ty sản xuất phân bón Ong Biển đã có nhiều vườn tiêu bị chết. Qua xem khuyến cáo của công ty in trên bao bì có rất nhiều điều vô lý. Theo các nhà khoa học, muốn hồ tiêu phát triển bền vững thì phải bón phân cân đối bao gồm phân hữu cơ, vô cơ như đạm, lân, kali và các nguyên tố trung, vi lượng khác. Tuy nhiên, phân bón Ong Biển khuyến cáo người dân bón mỗi loại phân này, không bón bất kỳ loại phân, thuốc nào khác. Chính điều này làm cho cây tiêu mất cân đối dinh dưỡng dẫn đến sinh trưởng kém, sức đề kháng của cây cũng từ đó kém đi. Cây tiêu rất mẫn cảm với điều kiện thời tiết, khi gặp thời tiết bất lợi cây dễ nhiễm các loại nấm bệnh. Trên thực tế, hiện có rất nhiều công ty phân bón đi tuyên truyền người dân chỉ sử dụng phân bón của họ mà không dùng phân bón nào khác làm cho bà con thấy giảm được chi phí, giảm công chăm bón nên tin dùng rồi bỏ qua quy trình khoa học dẫn đến tình trạng vườn tiêu bị vàng lá, thậm chí chết.
Để cây tiêu phát triển bền vững, phải có quy trình tổng hợp như chọn giống, đất, nước, phân bón và công chăm sóc. Trong quá trình bón phân, một yếu tố bất di bất dịch phải tuân thủ đó là cân đối dinh dưỡng. Trong đó cân đối hữu cơ, đạm, lân, kali. Chỉ cần thiếu một trong những yếu tố này thì lập tức cây tiêu sẽ có vấn đề. Vấn đề ở đây là cây tiêu giảm sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh. Tại Việt Nam cũng như tất cả các nước trên thế giới, không riêng gì cây tiêu mà các loại cây trồng khác không có quy trình nào chỉ cần một loại phân hữu cơ hay vi sinh vật nào đó thay thế cho yếu tố hóa học. Vì yếu tố hóa học là nền tảng của năng suất. Cây muốn có năng suất thì phải đầu tư hóa học. Yếu tố này còn là nền tảng cân bằng dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho cây trồng. Vì vậy, người dân cần phải biết sử dụng phân, thuốc như một nhà thông thái, đừng chỉ dùng một loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật nào đó để rồi nhận lấy hậu quả rất lớn cho vườn tiêu của mình.
Kỹ sư Nguyễn Văn Đạo, Trưởng phòng Thông tin và chuyển giao khoa học công nghệ, Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh:
Về quan điểm khoa học không ai nói chỉ dùng một loại phân bón cho vườn cây như thế cả. Đây là vấn đề hết sức sai lầm không chỉ riêng công ty sản xuất phân bón Ong Biển mà cả trong công tác quản lý. Chưa nói đến chất lượng phân như thế nào, nông dân hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do chủ quan, đi ngược lại những công việc của khuyến nông, khuyến ngư tuyên truyền và hướng dẫn cho bà con làm bấy lâu nay. Chúng tôi lúc nào cũng khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm vườn nhằm phát hiện sâu bệnh để sớm có giải pháp phòng trừ hữu hiệu. Công ty nói: “Khi sử dụng sản phẩm này chỉ mắc võng nằm chờ ngày thu hoạch” vô tình phá vỡ quy trình canh tác của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư đưa ra. Đặc biệt, một số hộ dân trong dự án tiêu sạch của trung tâm đã bỏ mặc vườn tiêu một thời gian dài dẫn đến tiêu bị nhiễm nấm bệnh rất nhiều. Chúng tôi đi thực tế ở cơ sở thấy hiện tượng tiêu chết do người dân chủ quan trong khâu chăm sóc, rất đau lòng.
Ông Phạm Văn Hoang, Phó giám đốc Sở NN&PTNT:
Xin khẳng định, việc phân hữu cơ sinh học Ong Biển khuyến cáo “chỉ sử dụng phân bón Ong Biển, không sử dụng phân, thuốc nào khác” là hoàn toàn sai, có thể gây ngộ nhận cho người trồng tiêu và gây hại đến vườn tiêu khi có yếu tố bất lợi như dịch hại, mưa nhiều, độ ẩm cao. Bởi phân bón Ong Biển được đăng ký với các thành phần cụ thể như: 23% hữu cơ, 2,5% axit humic, 4% đạm, 3% lân, 3% kali. Ngoài ra còn có thêm một số yếu tố trung vi lượng như: Ca, Mg, S, Fe, Zn, Mn, Cu. Như vậy, bản chất ở đây hoàn toàn đơn thuần chỉ là phân hữu cơ sinh học, không có chức năng phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng. Có chăng chỉ giúp cây khỏe mạnh hơn, nhờ đó tăng sức đề kháng cho cây trồng mà thôi.
Nói sử dụng phân bón Ong Biển không cần phải dùng bất kỳ phân bón nào khác cũng không đúng. Vì đặc tính của cây tiêu không những cần yếu tố đa lượng NPK cao mà còn cần rất cao yếu tố trung lượng, đặc biệt là Calci và Magie. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng cây tiêu cần Calci nhiều hơn cả lân. Như vậy, theo thành phần của phân bón Ong Biển, yếu tố trung lượng chỉ đạt 0,1% CaO, 0,05% MgO, 0,1% S là quá thấp, không thể thay thế phân bón cung cấp trung lượng cho cây trồng. Như vậy, cho dù có bón ở liều cao thì yếu tố trung lượng sẽ bị thiếu rất nhiều, đó là chưa nói đến yếu tố vi lượng cũng thấp. Điều này sẽ rất khó cân đối dinh dưỡng cho vườn tiêu nếu chỉ bón phân bón hữu cơ sinh học Ong Biển.
Cây tiêu chủ yếu hấp thụ dinh dưỡng qua rễ và lá. Ở rễ chỉ có rễ lông tơ mới hút được dinh dưỡng, hệ rễ này rất non, dễ tổn thương khi bón phân với số lượng lớn. Do vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo, khi bón phân cần phải bón đều quanh rìa mép tán lá để phân được dàn trải, rễ cây dễ hút dinh dưỡng và không bị sốc. Ở lá chỉ có lá hoàn chỉnh, màu xanh đặc trưng đã hoàn thiện diệp lục tố thì mới hấp thụ được dinh dưỡng. Vì vậy không phun phân bón lá khi lá non mới ra, vì phun như vậy sẽ không có tác dụng và dễ gây hại cho lá non, gié hoa và trái non.
Để hiểu rõ hơn nội dung vấn đề, mời bạn đọc đón xem clip trên Báo Bình Phước online.
Nguồn tin: BPO