Còn 2 tháng nữa là đến mùa xuống giống hồ tiêu. Các cơ sở bán cây giống hồ tiêu đang quảng cáo bán “giống ngoại”, như “tiêu Sri Lanka”, “tiêu Thái Lan”, “tiêu Campuchia”… Trước thực tế này, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã khẳng định, những giống này hoàn toàn là nhập chui theo đường tiểu ngạch. VPA cảnh báo việc sử dụng các giống tiêu “lạ” có nguy cơ rủi ro rất cao.

Đây không phải là lần đầu tiên thị trường giống hồ tiêu có tình trạng như vậy, cũng không phải là lần đầu tiên VPA cảnh báo nhà nông cần thận trọng trong việc chọn giống cho vườn tiêu của mình. Và không chỉ có hồ tiêu, với nhiều loại cây công nghiệp khác mỗi khi vào mùa trồng mới cũng rơi vào cảnh tương tự, nông dân lại “hoa mắt” khi đứng trước vựa cây giống.

Hầu hết nông dân là những người thật thà, cả tin. Họ cũng là những người luôn mong mỏi có được cây, con giống chất lượng, kháng bệnh tốt, năng suất cao… Vì thế không khó lý giải khi vựa cây giống, cơ sở sản xuất cây giống thường quảng cáo họ có đủ các loại giống cây trồng, đặc biệt là những dòng “mới”, “lạ”, “độc”, thậm chí họ còn nói xạo rằng đang có trong tay số lượng lớn cây giống cho năng suất rất cao, chất lượng tốt vừa được viện nông nghiệp nghiên cứu lai tạo thành công. Có nhiều vấn đề đặt ra phía sau câu chuyện này và một trong số đó là vai trò của ngành nông nghiệp trong quản lý, phát triển giống cây trồng ở nước ta.

Ở các quốc gia phát triển, mặc dù là nước công nghiệp, song họ liên tục nghiên cứu và thường xuyên lai tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao hơn nhằm phát triển nông nghiệp. Còn ở Việt Nam, đến nay vẫn là một nước nông nghiệp, song các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất và chất lượng cao hơn lại rất ít khi lai tạo được. Điển hình như 2 loại cây trồng ở Bình Phước đang được xem là “chủ lực” của cả nước và Việt Nam hiện đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu là cây hồ tiêu và cây điều.

Bao năm qua, nông dân Bình Phước cũng như nông dân cả nước vẫn chỉ biết đến việc trồng vườn điều của mình tốt nhất bằng những cây giống thực sinh – là những cây giống được sản xuất bằng cách lượm hạt ươm giống, nên không có giống mới. Còn hồ tiêu có 3 loại chính là tiêu sẻ, tiêu Vĩnh Linh và tiêu Ấn Độ. Cách nhân giống hồ tiêu là cắt nhánh từ cây tiêu non để ươm cây mới. Phương pháp nhân giống của hồ tiêu và điều không khác gì nhau và có chung điểm cơ bản, đó là “nhờ trời”. Sự can thiệp của con người vào phát triển giống điều, tiêu để cho chất lượng tốt hơn, năng suất cao hơn gần như không có. Để đạt được mục đích nâng cao hiệu quả kinh tế, nông dân chỉ còn cách chăm sóc vườn cho tốt, để nâng cao sản lượng thì giải pháp quyết định là tăng diện tích. Đây là những giải pháp “kinh điển” có từ khi loài người biết sản xuất nông nghiệp. Không phải ngày nay, mà từ nhiều thập kỷ qua, những giải pháp này đã được xem là cổ điển nhất và chỉ áp dụng khi không còn bất kỳ sự lựa chọn nào khác, thậm chí sẽ phải chấp nhận để lại nhiều hệ lụy về môi trường và hao phí sức lao động.

Vì thế, không khó lý giải khi cứ chuẩn bị đến mùa xuống giống, nông dân lại “mất ngủ”. Bởi lúc này họ phải đưa ra quyết định chọn giải pháp an toàn và đầu tư mồ hôi nhiều hơn, tiếp tục đi theo con đường “cổ điển” hay mạo hiểm chọn giống mới được quảng cáo là “giống ngoại”, “giống siêu năng suất”, “giống siêu mới”… Muộn còn hơn không, hy vọng các nhà quản lý, nhà khoa học ngành nông nghiệp hãy “mất ngủ” cùng nông dân về câu chuyện cây giống này.

Trần Phương

Từ khóa : tiêu Campuchiatiêu Sri Lankatiêu Thái Lan

Các tin liên quan đến bài viết