Những ngày giáp Tết Canh Tý 2020, về Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước), gặp và được trò chuyện với nhiều “cây cao bóng cả” trong cộng đồng người S’tiêng, Việt kiều Campuchia nơi đây, chúng tôi biết rằng rất nhiều người trong số họ đã trải qua quá khứ đói nghèo với cảnh không điện, đường, trường, trạm, nhà ở… trên vùng đất đỏ nhọc nhằn.
Nhờ có “Bộ đội Cụ Hồ” giúp đỡ, nay bà con đã có cuộc sống ổn định, phấn đấu làm giàu, con cháu được học hành tử tế.
Trung tá Nguyễn Văn Chinh, Phòng Chính trị, Đoàn 778, kiểm tra hệ thống đường giao thông đang được đổ bê tông trong Tiểu khu 119
Đổi đời
Ghé thăm nhà bà Thị Srơ, nhìn người phụ nữ S’tiêng chưa bước qua tuổi 60 nhưng mái tóc bạc trắng, dáng hình khắc khổ mới thấy một quá khứ khó khăn, nghèo khổ của người phụ nữ này. Bà Thị Srơ kể câu chuyện về những ngày đầu “bén duyên” khu tái định cư. Bà sinh ra và lớn lên ở vùng Long Hà (Phú Riềng, Bình Phước) luôn trong cảnh đói ăn, thiếu mặc triền miên năm này qua năm khác.
Năm 1997, bà cùng với 200 nhân khẩu bồng bế, dắt díu nhau sang miền quê mới – đội 6, thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa, Bù Gia Mập để mong có cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, cuộc sống của bà và 41 hộ dân khác vẫn đói nghèo vì không có đất canh tác, sống du canh du cư ven bờ suối, lòng hồ.
Lúc đó điện, đường, trường, trạm không có đã đành, nước sạch bà cũng phải lấy từ lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Có những lúc đói kém, củ sắn, ngọn rau lang xuất hiện thường trong mâm cơm. Năm 2017, bộ đội Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 778 (Đoàn 778) thuộc Quân khu 7 mời bà và 41 hộ dân về Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, cấp cho nhà ở kiên cố, đất đai thuận lợi canh tác.
Con trai bà được học lớp nghề khai thác mủ cao su, có việc làm ổn định. Vào mùa thu hoạch hạt điều, bà và con dâu đi cạo vỏ lụa hạt điều hoặc nhặt hạt điều tươi thuê, kiếm được 150.000 – 200.000 đồng/ngày. “Gia đình tôi cám ơn cán bộ, chiến sĩ Đoàn 778 nhiều lắm” – bà Thị Srơ bày tỏ.
Ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới là nơi sinh sống của gia đình ông Lê Văn Lũy (48 tuổi), hộ Việt kiều Campuchia được bố trí định cư tháng 1-2019. Căn nhà cấp 4 khang trang, một số tiện nghi cơ bản đã được mua sắm. Ông Lũy đang cùng con trai xây thêm tường rào và đổ sân bê tông. Vừa trộn vữa vừa trò chuyện, ông Lũy kể, ngày trước sống lênh đênh trên lòng Biển Hồ, sau này là lòng hồ Thác Mơ, gia đình ông chỉ biết đánh bắt con tôm, con cá, cuộc sống bấp bênh, khốn khó.
Kể đến đây, như muốn thoát khỏi những hình ảnh trong quá khứ, ông cười rổn rảng rồi khẳng định: “Nhờ có Đảng, Nhà nước cấp nhà ở, đất canh tác, được bộ đội hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi… Hai con trai làm công nhân cạo mủ cao su, 2 con gái làm việc ở xưởng điều có thu nhập ổn định 4 – 6 triệu đồng/tháng/người. Gia đình tôi đang phấn đấu thoát khỏi danh sách hộ nghèo vào cuối năm 2020”.
Câu chuyện của ông Lũy cũng là sự quyết tâm của những hộ dân chúng tôi gặp, mà như đồng chí Điểu Đé (61 tuổi), Bí thư chi bộ thôn Hai Căn – người được người dân nơi đây xem như già làng có uy tín, bày tỏ: “Được chuyển về Tiểu khu 119, đồng bào được cấp nhà, đất và được bộ đội hướng dẫn cách làm ăn sản xuất gây dựng cuộc sống mới. Bà con hạnh phúc lắm. Ai cũng cố gắng xây dựng kinh tế gia đình để cuộc sống sung túc hơn. Đến bây giờ, nhiều lúc chúng tôi vẫn không tin khi được sống trong những ngôi nhà mà trước đây chúng tôi không dám mơ đến”.
Nhận và hoàn thành việc khó
Cuối năm 2014, Dự án di giãn, ổn định dân di cư tự do, nằm trong vùng lõi của rừng phòng hộ (gọi tắt là Dự án 119) được tỉnh Bình Phước bàn giao cho huyện Bù Gia Mập thực hiện. Với diện tích đất trong quy hoạch của dự án là 36ha, địa phương bố trí cho các hộ dân là người dân tộc thiểu số và người có công, điều kiện khó khăn, sống xa khu dân cư, vùng sạt lở nguy hiểm… về sinh sống. Nhưng việc huy động kinh phí xây dựng nhà ở cho dân trở nên khó khăn đối với huyện.
Đồng chí Đặng Sỹ Oánh, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa, cho biết, Tiểu khu 119 hiện có 130 căn nhà, gồm 80 hộ đồng bào S’tiêng, 30 hộ Việt kiều Campuchia, còn lại là các hộ chính sách, khó khăn. Hiện nay, bà con đã bắt nhịp được với cuộc sống mới, chăm chỉ tăng gia sản xuất, điều kiện kinh tế được nâng lên, nhiều nhà đã mua sắm được xe máy và các dụng cụ sinh hoạt gia đình đắt tiền. “Có thể nói, việc vận động được đồng bào dân tộc S’tiêng và tìm cơ chế, chính sách hỗ trợ cho một bộ phận Việt kiều Campuchia vào ở trong khu tái định cư là một thành công lớn của Đảng bộ, chính quyền huyện Bù Gia Mập, trong đó có công rất lớn của Đoàn 778” – đồng chí Đặng Sỹ Oánh nhấn mạnh. |
Trước thực tế đó, tiếp thu ý kiến cấp trên, Đoàn 778 nhận trách nhiệm “đứng mũi chịu sào” cùng chính quyền địa phương đến đội 6, thôn Tân Lập khảo sát, ghi nhận tình hình, rồi lên kế hoạch vận động bà con ra nơi ở mới. Do chưa hiểu chủ trương nên 42 hộ dân người dân tộc S’tiêng đã từ chối việc chuyển nơi ở mới. Không nản lòng, hàng chục lần cán bộ, chiến sĩ Đoàn 778 phối hợp cùng lãnh đạo địa phương hành quân bộ hơn 6km vượt qua những cung đường hẹp, có độ dốc lớn, trơn trượt đến vận động, giải thích cho bà con về cái lợi khi được thụ hưởng chính sách của dự án.
Mưa dầm thấm lâu, 15 hộ đầu tiên đồng ý ra Tiểu khu 119. Ra nơi ở mới, mỗi hộ được cấp 400 – 500m² đất canh tác, có nhà ở khang trang rộng 45m² với kinh phí xây dựng 70 triệu đồng/căn, đường, trường, trạm, điện và nước sạch đầy đủ. Bên cạnh đó, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi lao động có cơ hội làm việc ở Đoàn 778 và các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn, con em được đến trường. Đến nay, tình trạng học sinh bỏ học không còn.
Thấy những gia đình tiên phong ổn định cuộc sống trong nhà mới, những hộ còn lại an tâm hưởng ứng. Đến cuối năm 2016, Tiểu khu 119 đón 27 gia đình cuối cùng. Có nhà mới, mỗi gia đình còn nhận 1 tivi màn hình phẳng 24inch, nồi cơm điện, bồn nước… Bà con chỉ tự lắp chảo K+, chuyện trước đây ít người biết hay nghĩ đến.
Gắn bó với đồng bào hơn 6 năm qua, Trung tá Nguyễn Văn Chinh, Phòng Chính trị Đoàn 778, cho biết, quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên đi xuống các điểm dân cư, thực hiện 3 bám (bám dân, bám bản, bám địa bàn), 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương) để nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó xây dựng phương án củng cố, phát triển buôn, sóc, bản, làng.
Theo Đại tá Nguyễn Thành Ruân, Chính ủy Đoàn 778, quán triệt phương châm “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, hướng dẫn để nhân dân làm theo”, các tổ, đội sản xuất của đoàn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả. Trong 3 năm qua, hơn 1.000 thanh niên người dân tộc S’tiêng tham gia các lớp học được đoàn phối hợp tạo việc làm ổn định, thu nhập bình quân 4 – 6,5 triệu đồng/người/tháng. Đó chính là việc cụ thể hóa chủ trương “Giúp dân có nghề nghiệp, có việc làm, tự lo được cuộc sống” của Đảng ủy Đoàn 778 trong nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ hàng năm và nghị quyết chuyên đề.
Theo SGGP
https://www.sggp.org.vn/song-trong-long-dan-641431.html