Theo một chuyên gia hàng không, điểm mù với lực lượng Kiểm soát không lưu là một trong những yếu tố khiến máy bay MH370 có thể đã được đưa tới cất giấu ở Philippines.
Số phận chiếc máy bay MH370 mất tích sau hơn 5 năm vẫn còn là bí ẩn
Ismail Hammad, một chuyên gia hàng không Ai Cập, từng chia sẻ trên Daily Star rằng máy bay MH370 đã bị không tặc và được đưa tới một hòn đảo có sân bay nhỏ ở Philippines.
“Khoảng cách cất cánh của một chiếc Boeing 777 theo áp suất tiêu chuẩn quốc tế đo tại mực nước biển trung bình là 2.530m, trong khi khoảng cách hạ cánh là 1.860m.
Khoảng cách này tăng lên tùy theo điều kiện của hệ thống phanh, lốp của các bánh xe, sự ma sát với nhựa đường của đường băng và đường băng khô hay ướt”.
Kẻ không tặc – có thể là cơ trưởng, thành viên phi hành đoàn hay hành khách – sẽ không chọn hướng bắc, nam hay tây để chọn một địa điểm hạ cánh phù hợp với kế hoạch hạ cánh trước bình minh. Vì vậy, hắn (hoặc bọn chúng) sẽ lựa chọn hướng đông để tìm điểm đáp”, Ismail phân tích.
Hướng đông của Malaysia (điểm MH370 xuất phát trước khi mất tích) chính là Philippines. Quốc gia Đông Nam Á với hơn 7.600 hòn đảo (nhiều đảo hẻo lánh) là nơi lý tưởng để lựa chọn điểm hạ cánh trước bình minh. Ismail cho rằng các đảo và quần đảo như Palawan, Mindanao, Sulu và Jolo sẽ là nơi mà MH370 có thể được đưa tới.
Theo Ismail, nếu tên không tặc quyết định chọn hạ cánh và giấu máy bay MH370 tại một trong các khu vực đã nhắc tới, đó là một quyết định không thể xem thường.
“Sự chồng chéo của các đường biên giới giữa 3 nước Malaysia, Indonesia và Philippines sẽ tạo ra một khu vực được gọi là điểm mù với lực lượng Kiểm soát không lưu”, chuyên gia hàng không Ai Cập cho hay.
Giải thích tiếp về giả thuyết của mình, Ismail nói: “Tôi nghĩ rằng việc tìm kiếm ở những hòn đảo này nên tập trung tại các sân bay bị bỏ hoang hay những con đường ở nơi hẻo lánh nhưng lại phù hợp cho việc hạ cánh máy bay.
Dĩ nhiên, phải tính đến khả năng MH370 bị quá đà lúc hạ cánh do kích thước của nó lớn cộng với đường băng (là các con đường ngắn hoặc đường băng cũ trong Thế chiến II, dành cho máy bay loại nhỏ). Vì vậy, lực lượng tìm kiếm phải kiểm tra kỹ điểm đầu và cuối các đường băng cũ và các con đường nhất là khi chúng dẫn đến rừng rậm”.
Chia sẻ với tờ báo Anh Daily Star hôm 15/12, Ismail còn cho rằng rất có thể bức ảnh gia đình cơ trưởng MH370 ẩn giấu lời giải cho vị trí máy bay mất tích.
Bức ảnh chụp cơ trưởng MH370 cùng vợ con được cho là ẩn giấu vị trí của máy bay MH370
Bức ảnh chụp cơ trưởng Shah cùng vợ và 2 con nhỏ ngồi trên chiếc ghế sofa với phần đệm màu xanh nước biển có hoa văn.
Trong giả thuyết của mình, Ismail nói rằng phần hoa văn của chiếc đệm màu xanh nước biển ám chỉ đến một trong các quần đảo của Philippines, nơi Shah có thể đã điều khiển MH370 tới đó.
“Nếu cơ trưởng Zaharie Ahmed Shah là người lên kế hoạch và thực hiện vụ đánh cắp MH370 như một số giả thuyết, tôi nghĩ ông ấy đã ám chỉ nơi cất giấu chiếc máy bay trong bức ảnh đầu tiên về gia đình cơ trưởng này được công bố với thế giới.
Những hoa văn trên đệm tượng trưng cho một quần đảo. Như thể cơ trưởng này muốn nói rằng nếu muốn tìm thấy MH370 thì nên tìm trên một hòn đảo thuộc quần đảo thay vì tìm kiếm dưới đại dương.
Máy bay MH370 chở theo 239 người mất tích 8/3/2014. Từ đó tới nay, có 2 cuộc tìm kiếm quy mô diễn ra. Một xảy ra vào năm 2014, tập trung ở phía nam Ấn độ Dương, ngoài khơi Úc. Cuộc tìm kiếm kéo dài đến năm 2017 thì chấm dứt mà không tìm thấy bất kì manh mối nào.
Cuộc tìm kiếm thứ hai diễn ra năm 2018, do công ty khám phá hải dương Ocean Infinity của Mỹ đảm nhận. Cuộc tìm kiếm diễn ra ở khu vực có quy mô nhỏ hơn tại Ấn Độ Dương và cũng không thu được kết quả khả quan.