Thực hiện Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg, ngày 5-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 33) về chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), ngày 25-3-2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 638/2011/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS trên địa bàn xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập. Tổng diện tích quy hoạch thực hiện dự án 376,3 ha, tại Tiểu khu 42, Nông lâm trường Đắk Ơ, gồm đất định cư 64,87 ha, đất định canh 309,73 ha, đất nghĩa trang 1,7 ha, qua đó phân định canh 301 lô, định cư 301 lô. Dự án quy hoạch đường giao thông nông thôn nội vùng 20,931km, xây dựng 2 trạm cấp nước sinh hoạt tập trung, 8 trạm biến áp 3x100kVA, 4 trạm biến áp 3x50kVA, đường điện trung thế 22kV dài 1,767km, đường điện hạ thế dài 12,207km, 2 nhà văn hóa, nhà trẻ, điểm trường tiểu học, sân thể thao… Tổng kinh phí phê duyệt thực hiện dự án 33,36 tỷ đồng.

bugiamapĐoàn công tác của UBMTTQVN tỉnh tìm hiểu đời sống sinh hoạt gia đình anh Điểu Khia ở khu định canh, định cư Tiểu khu 42

Mục tiêu thực hiện dự án là di dời và sắp xếp định cư cho 301 hộ đồng bào DTTS không có đất ở, đất sản xuất, sống du canh, du cư tại các xã Đắk Ơ, Bình Thắng, Đa Kia, Đức Hạnh, Phú Văn, Phú Nghĩa (Bù Gia Mập); Phú Riềng, Bình Sơn, Long Hà, Phú Trung, Long Tân (nay thuộc huyện Phú Riềng). Qua đó tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giảm nghèo, góp phần bảo vệ rừng và môi trường sinh thái, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2011-2013. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn nên phải kéo dài và điều chỉnh quy hoạch.

DỰ ÁN CÒN NHIỀU BẤT CẬP

Ngày 10-7-2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1457/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh dự án. Theo đó, số hộ thụ hưởng giảm còn 126 (do không quy hoạch được quỹ đất để bố trí tái định canh), diện tích khai hoang giảm còn 154 ha, đường giao thông nội vùng giảm còn 7,026km. Thời gian hoàn thành dự án đến hết năm 2016. UBND huyện dự kiến xây dựng nhà ở cho 101 hộ, mỗi căn trị giá khoảng 60 triệu đồng, trong đó vốn Chương trình 33 là 15 triệu đồng, vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh 10 triệu đồng, còn lại vận động từ các nguồn hỗ trợ khác. Huyện đã xây dựng được 33 căn nhà cho các hộ dân ở thôn Hàng Không, xã Đa Kia, diện tích 36m2/căn và tiến hành di cư các hộ dân này về sinh sống tại khu tái định cư, mỗi hộ được cấp 5 sào đất để canh tác, hỗ trợ 1 con bò giống, giống cây điều để phát triển sản xuất.

Theo Quyết định số 3500/QĐ-UBND, ngày 29-12-2016 của UBND huyện Bù Gia Mập, tổng kinh phí được phê duyệt thực hiện theo Chương trình 33 cho 68 hộ đồng bào DTTS các xã Đức Hạnh, Phú Văn, Phú Nghĩa, Đắk Ơ trong năm 2017 là 1,98 tỷ đồng, trong đó kinh phí thuộc ngân sách Trung ương theo Quyết định số 33/QĐ-TTg là 1,3 tỷ đồng, kinh phí thuộc ngân sách tỉnh hỗ trợ theo Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND của HĐND là 680 triệu đồng. Huyện vẫn đang tiếp tục triển khai, nhưng báo cáo với cơ quan chức năng mức hỗ trợ nhà ở theo quy định rất khó khăn cho việc xây dựng vì kinh phí quá thấp.

Bên cạnh đó, vị trí thực hiện dự án còn nhiều bất cập, như đất được bố trí trên đồi cao, nhiều triền dốc. Việc xây dựng nhà cũng chưa hợp lý, vì trên triền đồi, đường lên quanh co, dốc khúc khuỷu, đi lại rất khó khăn. Các hộ dân chưa được tư vấn, hỗ trợ để tổ chức cuộc sống và cách thức phát triển sản xuất. Hiện người dân chưa có nguồn thu từ phát triển sản xuất, chăn nuôi, thu nhập chính chủ yếu từ làm thuê hằng ngày.

Gia đình anh Điểu Khia là một trong số 33 hộ ở thôn Hàng Không, xã Đa Kia mới về sinh sống trong khu tái định canh, định cư. Anh Khia cho biết: “Trước đây gia đình tôi không có gì. Vợ chồng quanh năm làm thuê kiếm sống qua ngày. Di cư về đây, được xây nhà ở, cấp đất sản xuất, hỗ trợ cây giống, mặc dù vẫn phải đi làm thuê nhưng đã ổn định hơn. Tuy nhiên, ở đây chưa có nước, điện, đời sống gặp rất nhiều khó khăn”.

TÍN HIỆU VUI CHO ĐỒNG BÀO VÙNG DỰ ÁN

Khu định canh, định cư đã có hệ thống đường điện chạy qua nhưng chưa được đấu nối để sử dụng. Trạm cung cấp nước sinh hoạt đã xây dựng nhưng bị bỏ hoang do không có điện để hoạt động. Tuyến đường giao thông vào khu định canh, định cư được trải nhựa nhưng còn khoảng 3km đất đỏ, trời nắng thì bụi mù mịt, mưa thì sình lầy. Cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản, có nhà văn hóa thôn, có 2 phòng dành cho học sinh tiểu học và mầm non, nhưng vẫn chưa được bàn giao để đưa vào sử dụng, hiện đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.

Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ TRẦN VĂN LINH

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Quang Toản cũng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở về đường giao thông, điện, nước sinh hoạt trong khu định canh, định cư và sẽ phản ánh đến các cấp có thẩm quyền xem xét, cùng tháo gỡ.Tại buổi làm việc với lãnh đạo xã Đắk Ơ và huyện Bù Gia Mập vừa qua, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, Trưởng ban vận động “Ngày vì người nghèo” tỉnh Nguyễn Quang Toản cho biết, sẽ hỗ trợ xây dựng nhà ở từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh trong năm 2017 cho hộ nghèo là đồng bào DTTS khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện, trị giá 60 triệu đồng/căn; đồng ý hỗ trợ xây nhà ở cho đồng bào DTTS theo Chương trình 33 tại khu tái định canh, định cư Tiểu khu 42, xã Đắk Ơ, mỗi căn trị giá 35 triệu đồng. Đối với nhóm đối tượng hộ nghèo là Việt kiều Campuchia hồi hương sẽ xem xét hỗ trợ xây nhà ở cho các hộ đã định cư ổn định lâu dài từ 15 năm trở lên.

“Để sớm ổn định cho đồng bào DTTS vùng dự án, xã Đắk Ơ đã phối hợp với Công ty cao su Phú Thịnh tổ chức dạy nghề cạo mủ cao su, sau đào tạo sẽ tuyển dụng làm công nhân cho công ty với mức lương ổn định. Hiện nay, một số lao động đã được đào tạo nghề và nhận vào làm công nhân cạo mủ tại các nông trường của công ty. Ngoài ra, xã còn phối hợp với bộ đội biên phòng tổ chức lớp xóa mù chữ cho 23 học viên trong vùng dự án” – Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Trần Văn Linh nói. Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Phạm Hồng Khanh cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện hướng dẫn nhân dân trong vùng dự án về cách thức tổ chức cuộc sống và phát triển sản xuất, chăn nuôi, từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên. Hy vọng với sự nỗ lực vào cuộc từ xã đến tỉnh, dự án sẽ sớm đạt được mục tiêu đề ra.

Trọng Phước

Từ khóa : 24h Bình PhướcChương trình 33dân tộc thiểu sốtin 24h

Các tin liên quan đến bài viết