Ô nhiễm không khí tại Hà Nội liên tục ở ngưỡng tím, thậm chí nhiều điểm đã chạm ngưỡng nâu, khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Gần 1 tuần qua, Hà Nội liên tiếp nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo xếp hạng của Air Visual. Các chuyên gia đánh giá, đây có thể là đợt ô nhiễm không khí “khủng khiếp” nhất tại Hà Nội từ trước đến nay.
Đồng loạt nhiều trạm quan trắc phủ màu tím với chỉ số AQI vượt trên 200, tương đương mức rất xấu. Cá biệt, nhiều điểm đã chạm mốc nâu, đơn cử trong ngày 13/11, chỉ số AQI tại Tây Hồ lên tới 405, trước đó ngày 10/12, trạm đo tại Đại sứ quán Pháp ở Hoàn Kiếm báo chỉ số AQI ở mức 336.
Cũng trong ngày 13/12, trang Air Visual xếp Hà Nội đứng đầu trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI ở mức nâu 316.
Bầu trời Hà Nội mờ mịt, đặc quánh bụi mịn những ngày qua
Theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, chất lượng không khí được chia làm 5 mức, tức 0-100 là chất lượng không khí tốt và chấp nhận được. Từ 101 – 200 là kém, người dân nhóm nhạy cảm cần hạn chế ra ngoài. Chỉ số AQI từ 201 – 300 là thang màu tím, thuộc nhóm rất ô nhiễm, trên 300 là thang màu nâu, ở ngưỡng nguy hại, khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Trước thực trạng ô nhiễm không khí nặng nề và kéo dài, lần đầu tiên, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo để người dân dự phòng, bảo vệ sức khoẻ.
Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí.
Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Với những người hút thuốc lá, nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.
Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.
Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống, nên trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp gas.
Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡngngười già cần thực hiện các biện pháp dự phòng nghiêm ngặt hơn.
Hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời đồng thời tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
Khi nói đến chất lượng không khí, nguy hại nhất là bụi mịn gồm những hạt nhỏ bay lơ lửng trong không trung như PM2.5 (dưới 2.5 micromet), PM1.0 (dưới 1 micromet) PM0.1 (nhỏ hơn 0.1 micromet) còn được gọi là bụi nano.
Trong đó bụi PM2.5 có kích cỡ bằng 1/30 sợi tóc, được hình thành từ các chất như carbon, nitơ và các hợp chất kim loại khác.
Bụi PM2.5 có khả năng thẩm thấu, di chuyển, hấp thụ vào trong máu, đặc biệt nguy hiểm khi các bụi này là hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, kim loại nặng… có thể gây nhiễm độc, ung thư, hen…
Trường hợp nhẹ là hắt hơi, sổ mũi, ho, cấp tính nặng có thể dẫn đến ngạt do suy hô hấp, nhiễm độc máu, ảnh hưởng tim, phổi, thậm chí tử vong.
Trường hợp mãn tính là viêm phổi, viêm phế quản mãn tính và các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; hen suyễn; tim mạch; viêm da, kích ứng da; căng thẳng thần kinh…
Để hạn chế bụi mịn, các chuyên gia y tế khuyến cáo, khẩu trang y tế, khẩu trang vải thông thường chỉ ngăn được bụi thô, không ngăn được bụi PM2.5.
Chỉ có khẩu trang N95 và một số khẩu trang đặc biệt khác với kết cấu màng siêu lọc mới ngăn được loại bụi min này. Tuy nhiên khẩu trang N95 khá đắt và đeo vào hơi khó thở nên ít người sử dụng.
Nguồn: vietnamnet