Ngày 25-3, cơ quan công an kiểm tra điểm thu mua hạt tiêu tại thôn Bình Điền, xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng do Dư Thị Mãi, 28 tuổi (trú thôn 6, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập) và Lê Văn Long, 31 tuổi (hộ khẩu thường trú khu phố 3, phường Thành Lộc, quận 12, TP. Hồ Chí Minh, tạm trú tại xã Bình Sơn) cùng làm chủ.
Hóa chất dùng để phù phép hạt tiêu lép
Lực lượng công an phát hiện cơ sở này đang pha trộn tạp chất để “hô biến” tiêu lép thành tiêu “xịn”. Lê Văn Long thú nhận mua tiêu lép với giá rẻ, sau đó thuê người nấu tạp chất mỗi ngày trộn vào 200kg hạt tiêu lép để tăng trọng lượng lên khoảng 250kg, lời khoảng 2,5 triệu đồng. Đây là lần thứ 2 trong tháng 3 này cơ quan công an bắt quả tang hành vi trộn tạp chất vào hồ tiêu trên địa bàn tỉnh.
Đối với hàng ngàn hộ nông dân trồng tiêu chân chính ở Bình Phước cũng như trên cả nước, thông tin này không khác gì bị “đâm” một nhát từ sau lưng. Lâu nay, việc trộn tạp chất vào nông sản đã bị cả xã hội lên án, cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh. Khi từ người lãnh đạo cao nhất đất nước đến từng người dân kêu gọi hãy chung tay vì một nền nông nghiệp sạch, vì an toàn vệ sinh thực phẩm và vì sức khỏe, giống nòi của người Việt Nam, những “hành động bẩn” trong lĩnh vực này đã giảm đáng kể và người tiêu dùng đang lấy lại niềm tin từ nông sản mang thương hiệu Việt Nam. Thế nhưng, đáng buồn thay, trong xã hội vẫn còn những kẻ vì lợi ích của riêng bản thân mình mà bất chấp tất cả như Lê Văn Long. Và buồn hơn khi nó lại được phát hiện trong thời điểm giá hồ tiêu của Việt Nam hiện đã sụt giảm chỉ còn bằng ½ so với cùng kỳ năm 2016.
Việt Nam đang là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới khi chiếm tới 60% thị phần toàn cầu. Những lô hồ tiêu trộn tạp chất chắc chắn sẽ bị trả lại. Hậu quả của nó không chỉ để lại là một bao tải hồ tiêu không đạt chất lượng, mà các bạn hàng trên thế giới sẽ tẩy chay sản phẩm hồ tiêu Việt Nam. Ở phạm vi hẹp hơn, những lô hàng hồ tiêu trộn tạp chất xuất xứ từ Bình Phước không chỉ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn chẳng khác gì rơi vào cảnh “tự bắn chân mình”.
Phân tích như vậy để thấy những kẻ gian dối không những phá hủy thương hiệu hồ tiêu Việt Nam mà còn đẩy hàng trăm ngàn người trồng tiêu lâm cảnh khốn đốn. Ngành hồ tiêu Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD mỗi năm không thể “chết” vì những kẻ gian dối như thế. Vựa hồ tiêu lớn nhất cả nước Bình Phước không thể đánh mất danh tiếng chỉ vì có một vài trường hợp như Lê Văn Long hay Lê Đình Lệ (là chủ đại lý trong vụ trộn tạp chất bị bắt quả tang ngày 4-3-2017 ở Đa Kia). Điều đó sẽ chắc chắn xảy ra nếu như các nhà lãnh đạo, cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cùng tất cả nông dân trồng tiêu, đại lý thu mua tiêu chân chính, doanh nghiệp hồ tiêu có trách nhiệm đều đồng tâm lên án mạnh mẽ và quyết tâm loại bỏ những kẻ làm ăn gian dối. Mỗi nông dân, mỗi đại lý hãy cảnh giác và báo cho cơ quan công an, quản lý thị trường những đối tượng đang rong ruổi đi mua tiêu lép trên địa bàn tỉnh. Những kẻ gian dối bị bắt quả tang phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật và công bố rộng rãi để răn đe… Làm được như vậy, không chỉ đối với hồ tiêu, tương tự trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác chắc chắn cũng sẽ không còn “đất sống” cho những “hành động bẩn”. Và điều đó sẽ trực tiếp thúc đẩy nền nông nghiệp của Việt Nam nói chung, của Bình Phước nói riêng phát triển mạnh mẽ.
Trần Phương