Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: Khi sáp nhập huyện xã không ai bị mất “ghế” cả. Tư duy “mất ghế” bây giờ đã cổ quá rồi.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ với QH, có gần 5.000 cán bộ, công chức dôi dư chưa thể sắp xếp được ngay sau khi sáp nhập huyện xã. Vậy hướng xử lý của Bộ như thế nào?

Số lượng cán bộ, công chức dôi dư khi sáp nhập huyện xã được xử lý theo các chính sách hiện hành đã được ban hành.

Một là tinh giản biên chế, hai là bố trí sang những đơn vị hành chính còn đang thiếu mà chưa lấy đủ biên chế, hoặc là xem xét xét tuyển vào làm công chức cấp huyện hoặc các sở, ngành. Các địa phương có thể dành một phần biên chế được giao hàng năm để xem xét tuyển chọn những trường hợp này.

Sáp nhập huyện xã: Tư duy 'mất ghế' đã cổ quá rồi
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Lo ngại mất vị trí, mất ghế, người đang làm lãnh đạo, quản lý lại xuống chuyên viên là không có

Ngoài ra, những người có nguyện vọng thôi việc thì giải quyết cho thôi việc, người không đủ điều kiện tái cử thì thực hiện chính sách chờ đủ tuổi nghỉ hưu.

Các địa phương khi xây dựng đề án đều có phương án giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư cụ thể. Ví dụ như tinh giản biên chế bao nhiêu người, giải quyết thôi việc bao nhiêu người, cho xem xét để xét tuyển vào làm công chức từ cấp huyện trở lên bao nhiêu người… Trên cơ sở đó, Chính phủ xem xét, trình UB Thường vụ QH quyết định. Các địa phương căn cứ vào đề án đã được phê duyệt để thực hiện.

Trong quá trình giải quyết chính sách này, các địa phương còn căn cứ vào khả năng của ngân sách địa phương để có khoảng hỗ trợ thêm cho những người không được tiếp tục bố trí công tác, để họ đi tìm công việc mới.

Giảm gần 16.000 người hưởng lương nhà nước

Chỉ còn 20 ngày nữa là hết hạn thẩm định, phê duyệt các đề áp sáp nhập của địa phương. Vậy tiến độ thẩm định, phê duyệt các đề án đến nay như thế nào, liệu có đúng tiến độ đề ra?

Hiện Bộ Nội vụ đã hoàn thành việc thẩm định đề án sáp nhập của các tỉnh thành để sớm trình Chính phủ cho ý kiến rồi trình UB Thường vụ QH thông qua các đề án còn lại. Vấn đề bây giờ là từ đây đến cuối tháng, UB thường vụ QH bố trí thời gian họp để thông qua các nghị quyết để các địa phương thực hiện.

Trong giai đoạn 2019 – 2021, có 45 tỉnh, thành phố thực hiện việc sắp xếp, qua đó sẽ giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 564 đơn vị hành chính cấp xã. Khi kết thúc đợt sáp nhập này sẽ giảm được gần 10.000 cán bộ, công chức và gần 6.000 người hoạt động không chuyên trách.

Riêng việc sáp nhập cấp huyện không những tinh gọn bộ máy mà còn tinh gọn được cả bộ máy tư pháp (viện, tòa); hệ thống ngành dọc các bộ như kho bạc, hải quan, thuế, BHXH, thống kê trước đây 2 sau sáp nhập còn 1. Điều này góp phần tinh gọn bộ máy nhiều hơn.

Đây có phải là dịp để sàng lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức?

Sáp nhập huyện xã cũng là cơ hội để đánh giá lại đội ngũ cán bộ công chức. Ai làm được việc thì bố trí vào bộ máy mới; ai làm việc được mà không bố trí được vào bộ máy mới thì có cơ hội vào cơ quan cấp huyện, sở ngành.

Còn ai không làm được việc thì đây cũng là dịp để phân loại đánh giá để thực hiện các chính sách đã ban hành như tinh giản biên chế, thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, không đủ điều kiện tái cử thì chờ đến tuổi nghỉ hưu.

Ai cũng có chỗ đứng 

Vấn đề khó nhất hiện nay là việc lựa chọn 2, 3 ông chủ tịch, bí thư còn 1. Vậy trong đề án các địa phương có đưa ra hướng giải quyết việc này? Có nơi nào đề cập đến việc thi tuyển cạnh tranh giữa các lãnh đạo ở nơi sáp nhập?

Việc này được thực hiện trên cơ sở đánh giá phân loại đội ngũ cán bộ công chức khi sáp nhập, sắp xếp. Công tác cán bộ là của Đảng nên việc này có vai trò của các cấp ủy Đảng.

Khi sắp xếp lại thì họ phải đánh giá phân loại đội ngũ, ai làm được việc, ai không, ai cần đào tạo bồi dưỡng thêm. Trên cơ sở đó, có phương có bố trí hợp lý.

Còn những người đang cấp trưởng như bí thư, chủ tịch UBND xã thì thường được xem xét theo hướng: Nếu không được bố trí làm người đứng đầu đơn vị mới thì bố trí vào các cơ quan khác từ cấp huyện trở lên. Trong đề án của các địa phương là giải quyết theo hướng đó.

Còn lo ngại mất vị trí, mất ghế, người đang làm lãnh đạo, quản lý lại xuống chuyên viên là không có. Khi sáp nhập, mỗi đề án đều có phương án bố trí số lượng cấp trưởng, cấp phó trong từng đơn vị hành chính theo đúng quy định, số dôi dư (kể cả lãnh đạo) đều được tính toán để bố trí, giải quyết phù hợp.

Cho nên không ai bị mất “ghế” cả. Ai cũng đều có chỗ đứng của mình dưới ánh nắng mặt trời. Tư duy “mất ghế” bây giờ đã cũ và cổ quá rồi, vì không làm ở chỗ này thì sẽ làm ở chỗ khác.

Nói đến việc sáp nhập, không ít ý kiến lo ngại tình trạng chạy chọt để giữ ghế?

Việc này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong điều kiện hiện nay chúng ta đang thực hiện trách nhiệm nêu gương, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ, lồng vào việc thực hiện sáp nhập huyện xã thì sẽ ngăn chặn được tình trạng chạy chọt. Như vậy sẽ chọn được người xứng đáng giữ các vị trí trong bộ máy mới, sau khi sáp nhập, sắp xếp.

Hơn nữa khi sáp nhập, công việc đòi hỏi cao hơn thì những người đi bằng con đường chạy chọt có muốn xử lý công việc cũng không thể làm được.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Bộ nội vụhuyện xãsát nhập

Các tin liên quan đến bài viết