Đang là sinh viên năm cuối Trường đại học Đà Lạt, Khoa Sinh học, Nguyễn Thanh Hải ở ấp 5, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú đã quyết định khởi nghiệp trồng lan và bước đầu thành công.

Sinh năm 1997 nhưng Nguyễn Thanh Hải đã có gần 10 năm gắn bó với cây phong lan. Ngay từ khi còn học phổ thông, vì yêu thích loài hoa này nên Hải đã tỉ mẩn chăm sóc những giò lan được người thân mua về chơi dịp tết. Khi trở thành sinh viên Trường đại học Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (địa phương nổi tiếng về các loại hoa), có điều kiện tham quan học hỏi nhiều phương pháp cấy ghép, lai tạo các giống hoa, cây cảnh, Hải đã mày mò, áp dụng những kỹ thuật chiết, ghép đối với loài hoa mình yêu thích. Nhận ra giá trị kinh tế và xu hướng của thị trường đối với loài hoa này, ngoài thời gian học, mỗi ngày, Hải tranh thủ lúc rảnh rỗi tìm hiểu về lan. Vốn năng động, Hải nghĩ ra ý tưởng kinh doanh lan rừng để tích cóp vốn và thỏa mãn đam mê. Sau khi có ít vốn, Hải đã trình bày ý định khởi nghiệp với cha mẹ. Lúc đầu, cha mẹ không đồng ý nhưng anh nhất mực xin cơ hội để khẳng định bản thân…

Thanh niên Nguyễn Thanh Hải ở ấp 5, xã Tân Lập (Đồng Phú) trong vườn lan rừng của mình

Giờ đây, nhìn vườn lan rừng phát triển ổn định và bước đầu có nguồn thu, cha mẹ Hải bớt lo lắng. Hiện nay, trên diện tích hơn 1.000m2, vườn lan của Hải đã có hơn 5.000 giò, gồm các loại: giả hạc, thủy tiên, ngọc điểm, hoàng thảo vôi, long tu… Ngoài lan rừng thuần chủng, Hải còn nuôi trồng được những loại lan đột biến, công nghiệp. “Giá trị mỗi giò lan phụ thuộc vào độ khác biệt, đẳng cấp về đài hoa, màu sắc, độ dài, khỏe của thân… Một giò lan rừng quý có giá vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng là bình thường” – Hải chia sẻ. Hiện nay, doanh thu mỗi tháng từ vườn lan của Hải khoảng 40 triệu đồng. Để đảm bảo các giò lan phát triển tốt, Hải còn đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới nước tự động. Do đặc tính lan ưa ánh nắng vừa phải, nơi trồng thoáng mát nên vườn lan được Hải thiết kế bằng giàn để treo, lắp đặt hệ thống lưới che nắng mưa, giúp giảm nhiệt độ và giảm thiểu 60% ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Đồng thời, Hải lắp đặt hệ thống phun tự nhiên, sử dụng nguồn nước giếng khoan để đảm bảo tưới tiêu và giúp cây luôn giữ được ẩm.

Khi bắt đầu nghề trồng lan, Hải cũng gặp khá nhiều trở ngại. Dù đã tìm hiểu kỹ thuật trồng song nhiều lần Hải mua lan về do chưa thuần với khí hậu nên cây bị chết, nhiều cây sống nhưng không ra hoa. Không nản chí, Hải tìm hiểu qua bạn bè, mạng xã hội, internet, đến các nhà vườn lan lớn nhỏ trong, ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Để ươm được một chậu hoa lan thành công, đòi hỏi người trồng phải hiểu và nắm rõ quy trình. Sau khi tuyển chọn và đặt mua những chậu lan rừng từ các tỉnh phía Bắc hoặc ở miền Trung, Tây Nguyên, Hải sử dụng phần thân già từ cây gốc để ươm. Ngay từ đầu phải xử lý các giá thể bằng cách ngâm qua nước vôi trong khoảng từ 2-3 ngày. Đến giai đoạn lan đã phát triển ổn định, phun thuốc khử trùng mỗi tháng 2 lần; khi cây nảy mầm mới chuyển sang chậu.

Chia sẻ kinh nghiệm nhân giống lan, Hải cho rằng phải chọn nguồn giống tốt. Giống khỏe khi nhân ra cây sẽ ít bị bệnh, phát triển tốt, ít hao hụt. Tuy nhiên, do mỗi giò lan rừng thường có giá trị cao, nếu không có kinh nghiệm nhân giống dễ dẫn đến “mất cả chì lẫn chài”. Về chăm sóc, cần kỹ lưỡng trong mùa mưa vì nếu mưa nhiều, lan dễ bị vàng lá, úa, thối nhũn hoặc bị nhiễm nấm bệnh rất khó chữa trị. Trong quá trình chăm sóc lan chú ý giá thể phải sạch nấm, phù hợp với sự phát triển của lan… Mỗi loại lan có chế độ chăm sóc riêng, tỷ lệ phân bón, ánh sáng cũng phải được điều chỉnh phù hợp… Nếu không làm tốt, giò lan có nguy cơ bị chết hoặc không nở hoa.

Bằng sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, nuôi ước mơ làm giàu từ lan, Nguyễn Thanh Hải đã dần tạo thương hiệu cho vườn lan của mình và đang phát triển quy mô lớn, góp phần bảo tồn các loài lan rừng quý hiếm.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : 24hbinhphuocbinh phuoc 24htin 24hTin tức Bình Phướctin tức online

Các tin liên quan đến bài viết