Sau rất nhiều lần lỡ hẹn, hôm nay (5-12) Bộ Y tế mới có thông tư quy định yêu cầu với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình sữa học đường. Theo đó, sữa học đường phải bổ sung đủ 21 vi chất.
21 vi chất được yêu cầu bổ sung đủ trong sữa tươi học đường bao gồm các vitamin D3, A, E, C, B1, B2, B3, B5, B6, B7, B12, K, acid folic, kẽm, đồng, i ốt, selen, phốt pho, magie, sắt, canxi. Bộ Y tế cũng yêu cầu nguyên liệu đầu vào của sản phẩm phải là sữa tươi và đạt tiêu chuẩn trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Bộ Y tế cũng cho biết quy định này sẽ có hiệu lực từ 20-1-2020.
Trước đó, từ 8-7-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học đến 2020, trong đó giao Bộ Y tế nghiên cứu, hướng dẫn tiêu chuẩn sữa tươi học đường. Bộ Y tế cũng đã bàn và dự định ban hành nhiều lần, gần nhất là tháng 8 và tháng 11-2019 nhưng vẫn “lỡ hẹn”.
Lý do theo Bộ này là còn nhiều ý kiến trái chiều nhau về việc bổ sung bao nhiêu vi chất vào sữa tươi trong chương trình sữa học đường. Có ý kiến đề nghị nên là 3 vi chất, có ý kiến là 5, và nhiều hơn là 21 vi chất. Và trong quyết định vừa ký hôm nay (5-12), Bộ Y tế đã hướng dẫn bổ sung 21 vi chất.
Hiện đã có 16-17 tỉnh thành triển khai chương trình sữa học đường, chậm hơn nhiều so với kế hoạch. Hầu hết các tỉnh thành đã triển khai đều có mức sống khá, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi vào loại thấp ở VN (như Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu…). Việc bổ sung bao nhiêu vi chất và chất lượng sữa học đường cũng đã gây tranh cãi suốt thời gian qua.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi theo điều tra mới nhất là 23,8%, Tây Bắc và Tây Nguyên có nơi tỷ lệ này trên 30%, nhưng chưa có tỉnh thành ở Tây Bắc và Tây Nguyên nào triển khai chương trình sữa học đường.
Nguồn: tuoitre.vn