Cơ quan CSĐT đã khởi tố, bắt giam ông Võ Thanh Long – Tổng giám đốc khu du lịch sinh thái Phú Hữu (Hậu Giang) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

VKSND tỉnh Hậu Giang hôm nay xác nhận, cơ quan này vừa phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Võ Thanh Long (36 tuổi), Tổng giám đốc Khu du lịch sinh thái Phú Hữu (ở huyện Châu Thành) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bắt giam tổng giám đốc từng liên quan vụ nữ nhà báo bị phạt tù

Ảnh báo Người Lao Động 

Ông Long cũng từng là Tổng GĐ Cty cổ phần bất động sản Cao Thắng và Cty cổ phần Quốc tế Ước mơ Việt.

Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Phú Hữu ở ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành có tổng diện tích hơn 11ha, được khai trương vào cuối năm 2018.

Ông Long được xác định tư cách tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án “nữ phóng viên đòi 700 triệu, gỡ 3 bài báo”.

Theo đó, Phạm Lê Hoàng Uyển (42 tuổi), nguyên Trưởng văn phòng đại diện phía Nam của Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập và Võ Hoàng Hà (40 tuổi; nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hóa chất khử trùng châu Á) đã nhận án tù sau khi bị ông Long tố cáo.

Từng bị kiến nghị điều tra hành vi đưa hối lộ

Cụ thể, từ ngày 31/7/2017-2/8/2017, báo Phụ nữ TP.HCM đăng liên tiếp 2 bài viết với các tiêu đề: “Lần theo đường dây huy động 600 tỷ đồng cho dự án “ma”; “Ve sầu thoát xác” có nội dung phản ánh hai công ty của ông Long hoạt động kinh doanh, huy động vốn không minh bạch, có dấu hiệu lừa đảo.

Sau khi báo đăng, ông Long gọi điện thoại cho Uyển nhờ tìm hiểu xem phóng viên nào đăng bài viết nói trên.

Ông Long cũng hỏi Uyển có cách nào gỡ bài được không. Mặc dù chưa liên hệ với ai và không biết có gỡ bài được không nhưng Uyển vẫn trả lời muốn gỡ hai bài viết, ông Long phải lo 200 triệu đồng.

Nghe vậy nhưng ông Long chưa đồng ý. Đến ngày 4/8/2017, Báo Phụ nữ TP.HCM tiếp tục đăng bài thứ 3 phản ánh công ty của ông Long với tựa đề “Vẽ khu du lịch 1.000 tỷ bằng miệng”.

Lúc này, ông Long tiếp tục gọi điện thoại nhờ Uyển lo gỡ 3 bài viết nói trên. Uyển gọi điện thoại cho Nguyễn Lê Yến Thy, khi đó là Trưởng Ban Kinh tế, Cơ quan đại diện phía Nam – Báo Người Tiêu dùng tìm cách giúp ông Long gỡ 3 bài báo nói trên xuống.

Thy báo giá muốn gỡ 3 bài báo là 600 triệu đồng. Sau đó, Uyển báo lại cho ông Long biết giá gỡ 3 bài báo là 700 triệu đồng (chênh lệch 100 triệu đồng).

Ngoài ra, Uyển còn kê thêm tiền chi phí đi lại cho việc lo gỡ bài là 30 triệu đồng. Tổng cộng giá gỡ bài là 730 triệu đồng.

Bắt giam tổng giám đốc từng liên quan vụ nữ nhà báo bị phạt tù
Phạm Lê Hoàng Uyển đi tù sau khi bị ông Long tố cáo

Ngày 6/8/2017, ông Long hẹn Uyển xuống TP Cần Thơ nhận trước số tiền 280 triệu đồng. Trong số đó, 250 triệu đồng là tiền nhận để thực hiện việc gỡ bài, 30 triệu đồng là tiền chi phí đi lại. Số tiền của lại ông Long sẽ giao đủ khi báo Phụ nữ TP.HCM gỡ các bài báo. Uyển và Hà đến gặp ông Long tại quận Ninh Kiều để nhận tiền thì bị công an bắt quả tang.

Sau đó, TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Uyển 4 năm tù, Hà 2 năm tù, cùng về tội “Môi giới hối lộ”.

Đồng thời, tòa sơ thẩm cũng kiến nghị cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu tội đưa hối lộ đối với ông Long. Toà nhận định, ông Long là doanh nhân, có sự am hiểu pháp luật nhất định nhưng lại không lựa chọn cách đúng đắn để chứng minh cho sự thật về doanh nghiệp của mình mà chủ động liên hệ với bị cáo Uyển nhờ người gỡ bài.

Song, VKSND TP Cần Thơ kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm về vấn đề tội danh, đề nghị tuyên phạt hai bị cáo trên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản “; tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiền 280 triệu đồng của ông Long đưa cho Uyển; không kiến nghị xử lý ông Long tội “Đưa hối lộ”.

Toà phúc thẩm cho rằng, qua xem xét lời khai của Uyển, Hà, Long và các tin nhắn trao đổi cho thấy hai bị cáo trong vụ án này đều ý thức được việc công ty của ông Long gặp bất lợi do bị báo phản ánh, cũng như lúng túng trong việc tìm cách xử lý.

Uyển có liên hệ nhờ người xử lý giúp Long nhưng không nói rõ danh tính về người này. Ngoài ra, giữa các tin nhắn trao đổi giữa Uyển và Thy đều không đề cập đến số tiền mà Long sẽ chi trả. Do vậy, không đủ căn cứ để cho rằng Yến Thy là người giúp gỡ các bài báo.

Tòa cho rằng, hành vi của các bị cáo bị quy kết về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như cáo trạng của VKSND quận Ninh Kiều là có cơ sở. Do không có chứng cứ xác định vai trò của Yến Thy trong vụ án và các chứng khác nên tòa sơ thẩm tuyên các bị cáo tội “Môi giới hối lộ’ như sơ thẩm đã tuyên là chưa chính xác.

Chính vì vậy, kháng nghị của VKSND TP Cần Thơ đề nghị xét xử phúc thẩm theo hướng thay đổi tội danh đối với hai bị cáo “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có cơ sở chấp nhận.

Về nội dung kháng nghị tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiền 280 triệu đồng Long đưa cho Uyển, tòa phúc thẩm không chấp nhận.

HĐXX cho rằng, tại tin báo tố giác của ông Long thể hiện hành vi sử dụng báo chí để ký hợp đồng quảng cáo.

Từ quá trình xử lý tin báo tố giác này đã phát hiện, bắt quả tang hành vi của bị cáo Uyển và Hà.

Do Long bị ép buộc nên đã thực hiện nghĩa vụ tố cáo với cơ quan CSĐT, chứ không phải qua quá trình điều tra mới phát hiện được Long đưa tiền cho các bị cáo nên không có cơ sở tịch thu số tiền này, vì vậy HĐXX không chấp nhận kháng nghị của VKS.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Hậu Gianglừa đảolừa đảo chiếm đoạt tài sảnnữ nhà báo

Các tin liên quan đến bài viết