GS Đỗ Đức Thái nói không đồng ý thi toán bằng trắc nghiệm multiple choice, nhưng cũng không ủng hộ thi toán bằng tự luận khó như thời “3 chung” trước đây.
Tại “ngày hội toán học mở” diễn ra ở TP.HCM ngày 24/11, GS Đỗ Đức Thái, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán bày tỏ không phản đối thi trắc nghiệm nhưng cần phải xem xét lại.
Theo ông Thái thi trắc nghiệm có nhiều hình thức nhưng hình thức có 4 lựa chọn, chọn lấy 1 phương án (multiple choice) thìkhông đánh giá, phản ánh hết năng lực giáo dục toán học đòi hỏi.
“Chúng ta không thể đồng nhất trắc nghiệm giáo dục với multiple choice. Nếu trắc nghiệm multiple choice đưa ra những câu hỏi và những lựa chọn cụ thể, chẳng qua rèn học sinh cảm giác đúng của những lựa chọn. Tôi đồng ý là dạy toán chúng ta cũng dạy cho học sinh tìm cảm giác đúng, trực giác toán để biết được tính đúng tính sai. Nhưng đấy chỉ là một phần của toán học mà không phải là phần cơ bản. Phần cơ bản của toán học là dạy cho người học biết chịu trách nhiệm về mình, nói gì phải có căn cứ không phải cảm giác đúng đó” – ông Thái nói.
Theo ông Thái, đánh giá trắc nghiệm bằng multiple choice sẽ không đo được năng lực tư duy, lập luận, giải quyết vấn đề, giao tiếp. Phương pháp này chỉ khuyến khích học sinh nhận biết bản chất thông qua biển hiện bên ngoài nên vô cùng tai hại. Do vậy muốn thi trắc nghiệm thì phải thay đổi hình thức thi trắc nghiệm.
“Tôi không đồng ý thi toán bằng trắc nghiệm multiple choice, nhưng tôi cũng không ủng hộ thi toán bằng tự luận khó như thời “3 chung” trước đây. Chúng ta đã thi trắc nghiệm được nhiều năm rồi vì vậy cần thiết phải tổng hợp lại tính hiệu quả trước khi quyết định ào ạt áp dụng vào chương trình giáo dục phổ thông mới” – ông Thái để xuất.
Học toán không phải để đi thi
GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông môn Toán, cho hay quan điểm xây dựng chương trình môn học này là tinh giản, thiết thực, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo. Điều đó trái với mục tiêu của việc dạy hiện nay là học sinh phải biết nhiều kiến thức, giải được nhiều bài tập và cuối cùng đạt điểm cao ở các kỳ thi.
Theo ông, học toán không phải để đi thi, vì vậy đừng nhầm trong năm có nhiều học sinh tham gia rất nhiều kỳ thi quốc tế, chính thống mà đỉnh cao là IMO bởi đây không phải là sáng tạo của học sinh.
Ông Đỗ Đức Thái: Học tóan không phải để thi |
Ông Thái khẳng định, sự sáng tạo của học sinh không phải là đẩy các em đi luyện những đề thi học sinh giỏi. Mặt khác, chất lượng nền giáo dục phổ thông hay thành tựu của Toán học Việt Nam cũng không thể đánh giá chỉ qua thành tích ở những kỳ thi.
“Khơi gợi sự sáng tạo Toán học của học sinh không phải là đẩy các em luyện đề học sinh giỏi. Vì vậy không lấy những học sinh rất giỏi hay giỏi cá biệt trở thành kim chỉ nam để hướng cả chương trình giáo dục”- ông Thái nói.
Chủ biên chương trình môn Toán cho hay, sau khi công bố chương trình môn Toán thì nhận được hai luồng ý kiến.
Một luồng cho rằng chương trình đã giảm nhẹ năng lực toán học của học sinh, có nguy cơ làm mất ưu thế của nền toán học Việt Nam trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Một luồng khác lại nói chương trình không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu thi cử hiện hành.
Là người dạy đội tuyển Toán học sinh giỏi nhiều năm, ông Thái phủ nhận việc chương trình mới “không tạo điều kiện cho học sinh giỏi phát triển”.
“Chúng ta có 1 triệu học sinh và chỉ 1 phần nhỏ trong 1 triệu này cần một chương trình đặc biệt”- ông nói.
Ông Thái cho rằng, học toán để thông minh hơn, thể hiện ở suy nghĩ có logic, hợp lý, làm gì có lập luận có lý, biết đúng, biết sai và đây là những điều tối cần thiết cho cuộc đời và trong các môn học thì môn toán dễ hình thành tính cách đó nhất.
“Học Toán là phải kiếm tiền được để nuôi được mình và gia đình và đóng góp cho sự phát triển xã hội. Học toán mà chỉ chờ ngân sách nhà nước thì thôi đừng học toán. Một con người phải nuôi được mình nuôi được gia đình rồi mới nghĩ đến phát triển xã hội chứ. Để kiếm được tiền thì phải quyết được vấn đề thực tiễn chứ không phải giải quyết đề thi. Do đó năng lực thứ 2 là năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn. Nhưng vấn đề là thực tiễn lại không ở dạng toán học. Chúng ta dạy học trò chuyển bài toán thực tiễn về dạng toán học rồi giải quyết, đó là năng lực mô hình hóa toán học. Để giải quyết được bài toán đó thì phải sử dụng được các công cụ, phương tiện toán học…”- ông Thái nói.
Nguồn: vietnamnet