Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chua chát nói như vậy tại hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn diễn ra sáng 23-3.
Một xã có tới 600 lao động đăng ký học nghề… hoạn lợn
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung (thứ 2 từ trái qua) và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ 3 từ trái qua) cùng chủ trì hội nghị sáng 23-3 

Tại hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn diễn ra sáng 23-3, ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng việc thực hiện các quyết định của Thủ tướng về đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua gặp nhiều vướng mắc, từ trung ương đến địa phương.

Việc học nghề có nơi chỉ là ghi tên để lĩnh tiền chế độ
Hai ngành LĐTB&XH và NN&PTNT vẫn lúng túng, chưa xác định được việc nào thì ngành nào làm, cộng thêm một số vướng mắc khác về vốn, cơ chế chính sách nên hiệu quả đào tạo nghề vẫn chưa cao. “Việc học nghề của lao động nông thôn thời gian qua có một số nơi vẫn chỉ là đánh trống ghi tên, ghi tên để lĩnh tiền chế độ. Vì thế mới có chuyện một xã mà có tới 600 lao động đăng ký ghi tên học nghề…hoạn lợn” – bộ trưởng Đào Ngọc Dung chua chát nói.

Một xã có tới 600 lao động đăng ký học nghề… hoạn lợn
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc hội nghị 

“Tôi và bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã thống nhất, từ bây giờ phân rõ nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp là thuộc Bộ NN&PTNT, nghề phi nông nghiệp thuộc Bộ LĐTB&XH. Tới đây, hai bộ cùng các cơ quan liên quan, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức từ cấp lãnh đạo chính quyền đến người dân. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải là một cuộc cách mạng, cần phải gắn với xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững. Nội dung đào tạo nghề cần lựa chọn ngành nghề sát với thực tế và nhu cầu của lao động nông thôn…” – bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Có huyện mỗi năm có 5.000 lao động bỏ sang biên giới kiếm việc
Tại hội nghị, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh miền núi biên giới này gặp nhiều khó khăn. Vốn phân bổ chậm và ít trong khi điều kiện Hà Giang địa bàn phân tán, việc mở lớp dạy nghề tập trung ở xã, huyện rất khó khăn, mà các cơ sở dạy nghề phải xuống tận thôn bản để mở lớp. Bên cạnh đó, việc các lớp mở ra xong, lao động học xong thì địa phương cũng không có nhiều doanh nghiệp để tiếp nhận lao động, học nghề xong vẫn chẳng có việc. Vì thế có những huyện mỗi năm vẫn có đến 4.000 – 5.000 lao động bỏ sang bên kia biên giới để kiếm việc làm. Ông Nguyễn Trung Thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cũng đồng tình với ý kiến với người đồng cấp tỉnh Hà Giang. Theo ông Thảo, Cao Bằng có đến 95% dân số là người đồng bào dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới, đa chiều) vẫn chiếm trên 50%, việc phát triển ngành nghề là rất cần thiết nhưng do địa bàn chia cắt, sản xuất nhỏ lẻ nên công tác đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó việc phân bổ vốn chậm và ít cũng ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công tác này. Cả ông Quý, ông Thảo cùng nhiều đại biểu tại hội nghị đã đề nghị Trung ương phải có kế hoạch phân bổ vốn hàng năm sớm hơn, và cần phải tăng thêm vốn. Cần hỗ trợ các địa phương đầu tư cơ sở đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình, cần có thêm các chính sách hỗ trợ, phụ cấp thêm cho cán bộ, giảng viên làm công tác đào tạo nghề ở địa phương khó khăn…

Tổng kinh phí đào tạo nghề nông nghiệp từ 2016-2020 là 2.000 tỉ đồng

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐTB&XH), cho biết sau 7 năm thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, đã có trên 5 triệu lao động nông thôn được học nghề (cả nghề phi nông nghiệp và nghề nông nghiệp). Sau học nghề, số người có việc làm mới, hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có thu nhập cao hơn đạt gần 80%. Kết quả trên đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 28% vào năm 2009 lên 53% vào năm 2016. Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT), cho biết từ 2011-2015 đã có trên 1,1 triệu lao động được đào tạo nghề nông nghiệp, và giai đoạn 2016-2020 phấn đấu đào tạo nghề nông nghiệp cho 1,4 triệu lao động nông thôn. Tổng kinh phí đào tạo nghề nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 là 2.000 tỉ đồng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bộ trưởng Bộ LĐTB&XHđào tạo nghềđịa phươnghà gianghọc nghềhội nghịkinh phílao độngnông thônThủ tướngViệc làm

Các tin liên quan đến bài viết