Như Dân Việt đã phản ánh, di chỉ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) thời gian qua liên tục bị xâm phạm và có nguy cơ bị xóa sổ bởi chính doanh nghiệp và chính quyền các cấp của Hà Nội.
Trước vấn đề trên, tại Hội nghị báo cáo kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối vừa được Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức mới đây, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, TS. Phạm Quốc Quân nhấn mạnh: “Với những giá trị văn hóa, khoa học không thể chối cãi được nữa tại di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối thì chúng ta cần biến nơi đây thành công viên văn hóa khảo cổ. Đừng để nó mất đi sau rồi phải hối tiếc…”.
Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối thuộc địa phận làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, có tổng diện tích 19.000 m2, được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969, đến nay đã 9 lần khai quật.
Đáng chú ý, tại Hội nghị các chuyên gia khảo cổ, nhà khoa học đều rằng, “nếu chúng ta không bảo tồn được di chỉ hàng nghìn năm tuổi này là có tội với tiền nhân”.
GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung – Giám đốc Bảo tàng Nhân học (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội), cho biết, đến nay Hà Nội gần như không có địa điểm khảo cổ học tiền sơ sử nào được bảo tồn, khai thác giá trị một cách hữu hiệu. Ngoài Hoàng Thành Thăng Long, có lẽ đã đến lúc báo động tình trạng các di sản lần lượt “đội nón” ra đi.
Là người trực tiếp khai quật 8/9 di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, GS Lâm Thị Mỹ Dung đề xuất phương án bảo tồn nguyên trạng. Bà cũng chỉ ra cần đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Kết quả các lần khai quật đã ghi nhận Vườn Chuối là loại hình di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, tồn tại ít nhất 3 tầng văn hóa phát triển liên tục từ giai đoạn Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn.
Đồng tình phương án bảo tồn nguyên trạng, TS. Phạm Quốc Quân nhắc lại lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi dự Hội nghị bảo tồn di sản và cho rằng: Cái gì cũng có thể làm lại được nhưng di sản thì không bao giờ, nhất là di sản chứa đựng nhiều tầng văn hóa rất đặc trưng của thời kỳ kim khí như di chỉ khảo cổ Vườn Chuối. TS. Quân khẳng định, nếu Hà Nội quyết tâm giữ Vườn Chuối, biến thành một công viên di sản thì không có gì khó cả. “Nếu bây giờ chúng ta chỉ nghĩ đến phát triển kinh tế thì chỉ một thời gian nữa thôi, khi ngoảnh lại chúng ta sẽ chẳng còn gì”, ông nói.
Ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hóa,Thể thao và Du Lịch (VHTTDL) trả lời PV Dân Việt sau khi mời Viện Khảo cổ, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội xuống kiểm tra thực tế thông tin Mỏ Phượng, gò Dền Rắn thuộc di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đang bị chủ đầu tư san ủi đất làm đường nội bộ cho khu đô thị, đã phải “thốt” lên rằng: “Nghe báo cáo chúng tôi đã rất bức xúc”.
“Đọc bản báo cáo, tôi nhận thấy không có bất cứ thông tin, báo cáo nào cho ngành văn hoá. Tôi cho rằng, ý thức của UBND huyện Hoài Đức, UBND xã Kim Chung, Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng – Vietracimex quá kém và đã thực hiện không nghiêm các quy định pháp luật về di sản văn hoá.
Công trình xây dựng hạ tầng giao thông diễn ra trên di chỉ vườn Chuối vẫn đang được tiến hành. (Ảnh: Thành An)
Đặc biệt, sau khi có ý kiến tại Hội thảo Báo cáo kết quả thăm dò, khai quật Khảo cổ học di chỉ Vườn Chuối năm 2019 là phải có sự tham gia của ngành văn hoá, thế nhưng chính quyền địa phương đã không thông báo với ngành văn hoá, tôi cho là ý thức của họ quá kém”, ông Trần Đình Thành nói.
Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá cho rằng, Phòng Văn hoá, UBND xã Kim Chung trả lời UBND huyện Hoài Đức chưa có chỉ đạo. Bản thân UBND huyện Hoài Đức cũng không đưa ra ý kiến về sự việc đã xảy ra.
“Tôi cho rằng đó là hành động coi thường di sản. Một di sản đã được khai quật, được các nhà khảo cổ học đánh giá vậy mà không tôn trọng. Qua việc này chúng tôi mong muốn UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo mạnh mẽ, kiên quyết trong việc bảo tồn, bảo vệ di chỉ Vườn Chuối. Bởi nếu di chỉ Vườn Chuối mất đi thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể lấy lại được”, ông Thành nhấn mạnh.
Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 12/11, Sở VHTT Hà Nội đã có văn bản 4220 gửi UBND TP. Hà Nội, văn bản đánh giá: Trong tháng 10 vừa qua, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng tiến hành làm đường nội bộ và san nền khu đô thị đã xâm phạm vào khu vực di tích phân bố ở các gò Mỏ Phượng (san lấp toàn bộ diện tích), Dền Rắn (san lấp 50%) và làm đường nội bộ vận chuyển vật liệu ở phía Nam gò Vườn Chuối… Việc này đi ngược lại với các chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Bộ VHTTDL cũng như Sở VHTT Hà Nội. Đặc biệt nghiêm trọng là khi đoàn khai quật khảo cổ vừa dừng công trường nghiên cứu thì hiện tượng đào trộm cổ vật liên tiếp xảy ra, việc đào trộm diễn ra… công khai.
Chính vì vậy, Sở VHTT Hà Nội đã đề xuất với UBND TP có văn bản đề nghị gửi Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex về việc bảo vệ di chỉ Vườn Chuối theo pháp luật về di sản văn hóa. Chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức có phương án phân công các đơn vị thường xuyên bảo vệ, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi đào trộm cổ vật tại khu vực di chỉ Vườn Chuối. Trường hợp thấy có khả năng có di tích hoặc di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho UBND huyện Hoài Đức, Ban QL Di tích và Danh thắng HN để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trước sự việc trên PV báo Dân Việt đã liên hệ với người phát ngôn của UBND TP. Hà Nội. Theo đó, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Vũ Đăng Định đã tiếp nhận thông tin.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Để mất di sản chính là bắn súng vào quá khứ Ngày 27/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tinh thần: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Vì vậy, “tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc”. Nói những điều này để thấy chúng ta rất tự hào và vinh dự được thừa hưởng những giá trị di sản của tổ tiên để lại, các ngành và toàn xã hội phải có trách nhiệm rất lớn giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững các di sản đó. “Di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững. Như vậy, chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích. Để phát huy giá trị di sản phi vật thể, cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch”, Thủ tướng nói. |
Theo Dân việt