Trung tâm chăm sóc, dạy trẻ tử kỷ sẽ là trạm dừng chân, ngừng nghỉ giúp cha mẹ tiếp thêm năng lượng đồng hành cùng con. Trạm dừng chân đó nhất định phải đủ cơ sở pháp lý, đủ trình độ chuyên môn. Nếu không sẽ là tội ác!

Ngày 12/11, trong căn hộ chung cư nhỏ, người đàn ông run run thắp hương. Luống cuống, ông làm đổ cả chồng sách bên cạnh xuống sàn.

Bên cạnh ông, người vợ mái tóc đã hai màu, nước mắt lăn dài trên gương mặt. Bà gục xuống: “Cháu ơi, bà xin lỗi. Vì bà mà cháu phải chết, bà không tìm hiểu rõ trung tâm mà đã gửi cháu vào…”.

Trên bàn thờ, phía sau những đóa cúc là gương mặt một đứa trẻ ngây thơ lồng trong khung ảnh đen trắng.

Em là T.N.B (SN 2009) tử vong vào ngày 10/6, sau khi được gửi lên trung tâm Tâm Việt học 1 tháng. Hi vọng có sự thay đổi của con sau những lời rao giảng của ông Việt cũng như các giáo viên tại Trung tâm Tâm Việt nhưng họ nhận được là cái chết của con, với nỗi đau tột cùng.

Điên cuồng tìm đường đi, phát hiện chiếc phao giả

Tháng 5/2019, cháu trai tôi được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tự kỷ nặng. Đó thật sự là một cú sốc với bố mẹ bé và cả gia đình.  Đau đớn và cả thiếu hiểu biết, họ dằn vặt, trách móc nhau vì mình mà con bị thế.

Bằng chút hiểu biết và mối quan hệ có được tôi tìm mọi cách kết nối với các ông bố bà mẹ có con tự kỷ, chia sẻ, kể lại các câu chuyện của họ gửi đến anh chị.

Sự im lặng với trẻ tự kỷ có thể là tội ác?
Trẻ vạ vật tại trung tâm Tâm Việt

Tôi nghĩ trong thời điểm này mọi tư vấn của chuyên gia, bác sĩ chưa đủ thấm để anh chị dám đối diện với sự thật. Chỉ những bố mẹ có con tự kỷ mới có thể giúp anh chị được an ủi, đồng cảm và quan trọng nhất là có đủ mạnh mẽ để đồng hành cùng con mình.

Chính vì thế, sẽ chẳng có gì đau đớn hơn, dối trá hơn việc lợi dụng sự túng quẫn, thiếu hiểu biết và cả mệt mỏi của bố mẹ trẻ để vẽ ra một cái bánh ảo tưởng của Trung tâm Tâm Việt “chữa thành công cho trẻ tự kỷ dậy thì”, “đào tạo trẻ tự kỷ thành kỷ lục gia” …

Ngày 29/10, VietNamNet đăng tải bài đầu tiên trong loạt bài phóng sự điều tra về hoạt động của Tâm Việt.

Loạt phóng sự khiến nhiều phụ huynh bàng hoàng, sững sờ. Hàng trăm cuộc gọi chia sẻ câu chuyện và cả bình luận của những người từng có con học ở Tâm Việt đã đổ về toà soạn sau mỗi bài viết.

Đã có cuộc tháo chạy khỏi trung tâm Tâm Việt như bà N. phải thốt lên, cháu tôi ‘thân tàn ma dại’ sau khi học tại Tâm Việt, phải đi đến 2 bệnh viện điều trị. Người mẹ N.T cũng phải đưa vội con về sau 2 chấn thương ở đầu và chân trong khi học ở Tâm Việt.

Hay như chị N.H.Q, chia sẻ: “Tôi cũng được Tâm Việt gọi đến khi con bị co giật và sùi bọt mép nằm trên nền nhà. May mắn, tôi đã đến kịp để cứu con”. …Rất nhiều câu chuyện đã được gửi đến báo.

Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng gặp may mắn, không phải phụ huynh nào cũng kịp thời cứu con thoát khỏi Tâm Việt.

Cậu bé T.N.B (10 tuổi), tử vong ngày 10/6 sau 1 tháng nhập học tại Tâm Việt, là một trường hợp như vậy.

Người mẹ, người bà khốn khổ đến giây phút cuối cùng cũng không kịp nhìn mặt đứa bé 10 tuổi – họ đã chăm bẵm, yêu thương – một lần cuối cùng.

Sự im lặng với trẻ tự kỷ có thể là tội ác?
Một trường hợp học sinh bị ảnh hưởng sức khỏe sau thời gian được ‘huấn luyện’ tại Tâm Việt

“Gia đình tôi im lặng sau cái chết của con vì ông Việt hứa sẽ thay đổi, sẽ đầu tư cơ sở vật chất, thay đổi chất lượng đào tạo, dạy dỗ cho các con. Tôi không muốn các cháu tự kỷ khác mất chỗ học, các phụ huynh mất hi vọng, các thầy cô ở đó mất việc.

Tuy nhiên khi đọc loạt phóng sự VietNamNet, tôi đã giận run người vì những điều ông Việt hứa hẹn không hề được thực hiện. Sau cái chết của con tôi, họ không cải thiện về cơ sở vật chất, các con tập luyện vẫn không có đồ bảo hộ…”, mẹ B. nói.

Gia đình lên tiếng vì chị nói “im lặng là dung dưỡng cho cái ác” và “không muốn bi kịch của con tôi lặp lại với bất cứ cháu nào”.

“Vướng và khó”

Sau loạt bài đăng tải trên VietNamNet, ngày 1/11/2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở có hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ để đảm bảo quyền của trẻ em; kiến nghị các giải pháp tăng cường trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ.

Động thái này khiến nhiều phụ huynh thở phào và tràn đầy hi vọng. Họ chia sẻ, việc chấn chỉnh các trung tâm với những phương pháp chưa được kiểm chứng, những lời quảng cáo “ngút trời” sẽ khiến con họ có được nơi học an toàn và khoa học.

Tuy nhiên từ văn bản đến thực hiện lại là một quá trình không hề đơn giản. “Chưa có tiền lệ”, “Vướng và khó”… là những điều nhiều cơ quan ban ngành đã nói với phóng viên khi chúng tôi gõ cửa đi tìm câu trả lời.

Đừng để cái ác nhân danh từ thiện

Sau loạt bài đăng lên, cũng có gia đình trẻ tự kỷ ủng hộ Tâm Việt. Bản thân ông Phan Quốc Việt và các bộ mẹ ủng hộ đều cho rằng Tâm Việt đang làm thiện nguyện, là niềm hi vọng, phao cứu sinh của nhiều gia đình. Con họ không biết đi đâu, Tâm Việt đã nhận.

Anh chị tôi cũng như tất cả bố mẹ có con tự kỷ chắc chắn sẽ có lúc chùn chân, mệt mỏi, có những gia đình vì cuộc sống mưu sinh, cần gửi trẻ tự kỷ tại một trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng. Vài tháng, vài năm hay lâu hơn nữa, đó sẽ là trạm dừng chân, ngừng nghỉ của bố mẹ để tiếp thêm năng lượng cùng con lớn lên, hòa nhập cộng đồng.

Sự im lặng với trẻ tự kỷ có thể là tội ác?
Phụ huynh bị giáo viên ngăn cản, không được gặp gỡ trực tiếp khi gửi con tại Tâm Việt

Nhưng đó dứt khoát phải là trung tâm có đủ chuyên môn và năng lực. Việc nhân danh từ thiện, làm phước nuôi dưỡng, chăm sóc, đào tạo trẻ tự kỷ khi chưa đủ pháp lý, đội ngũ giảng dạy chưa đủ trình độ chuyên môn sẽ gây ra hậu quả.  Bé N.B đã tử vong khi học ở Tâm Việt.

Sự nhân danh từ thiện, làm phước với các con của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không đủ năng lực, chuyên môn chăm sóc, đào tạo trẻ tự kỷ cũng là một tội ác.

Các con tự kỷ là những đứa trẻ thiệt thòi. Con không có khả năng phản kháng, không biết nói để có khả năng tố cáo những ngược đãi. Chúng tôi, những người lớn phải đau đớn thừa nhận rằng, đã không bảo vệ được các con.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : day tretrẻ tự kỷtrung tâm tâm việt

Các tin liên quan đến bài viết