Thời điểm này luôn gắn với nhiều nỗi lo, trăn trở muôn thuở ở cả hai phía nhà tuyển dụng lẫn người lao động xoay quanh câu chuyện nhảy việc cuối năm.
Những điều cần lưu ý trong giai đoạn này là gì, cơ hội việc làm nhiều hơn hay sẽ trở nên khắc nghiệt hơn?
Xảy ra ở cả cấp quản lý!
Nguyễn Hoàng Minh (33 tuổi), giám sát sản xuất tại một nhà máy nằm trong Khu công nghệ cao (quận 9, TP.HCM), cho biết bạn đang đăng thông tin trên mạng xã hội để chuẩn bị “nhảy việc” sau tết.
“Theo tôi tìm hiểu, các vị trí giám sát, quản lý công nghiệp, vận hành sản xuất không lo thiếu việc. Hiện rất nhiều công ty ở những khu công nghiệp đăng tuyển dụng. Từ khi ra trường đến nay, tôi chỉ làm lâu nhất ở chỗ làm đầu tiên khoảng bốn năm để lấy kinh nghiệm, sau đó nhảy việc trong khoảng hai năm để tìm kiếm những vị trí cao hơn, có mức lương tốt hơn. Lương cho các vị trí này mấy năm gần đây tăng khá nhanh” – Minh cho biết.
“Vị trí hiện tại lương không cao nhưng là cấp quản lý, tôi làm vì muốn có thêm kinh nghiệm để nộp vào những vị trí tương tự ở các công ty gia công cho các hãng quốc tế. Các đồng nghiệp cùng công ty cũ cũng đều sẽ nhảy việc” – Đ.V.Lang (35 tuổi), giám đốc vận hành sản xuất một công ty nước ngoài, nói.
“Mức lương cơ bản cho các vị trí trên dao động 12-20 triệu đồng/tháng, nhưng thu nhập có thể lên tới 20-30 triệu đồng do đặc thù làm ca, kíp. Đối với các vị trí quản lý, giám sát, vận hành sản xuất nếu có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ sẽ là một lợi thế lớn để có thể ứng tuyển vào các công ty nước ngoài” – V.Lang cho biết.
Hầu hết các đồng nghiệp ở công ty của V.Lang cũng có ý định nhảy việc cuối năm để có cơ hội công việc tốt hơn. “Việc thăng tiến ở chỗ làm hiện tại cần có thời gian và khó biết trước. Thu nhập cũng tăng nhưng không nhiều. Trong khi đó cơ hội tìm kiếm các vị trí cao hơn ở các công ty khác có thể dễ dàng hơn nhiều” – anh nói thêm.
Một số lao động trẻ thừa nhận thích “nhảy việc” cuối năm bởi lúc đó đã có tiền thưởng cuối năm “lận lưng”.
Theo chị Nguyễn Thu Trang (giám đốc dịch vụ tuyển dụng và tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam), năm nay thị trường việc làm cuối năm khá sôi động với nhiều vị trí cao cấp. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng vị trí lãnh đạo điều hành. Mảng sản xuất liên tục có nhu cầu tuyển dụng vị trí quản lý từ cấp trung trở lên, bao gồm quản lý nhà máy, quản lý chất lượng, kỹ sư, vận hành hay các vị trí hỗ trợ.
Từ đầu năm đến nay nhiều nhà máy mới được xây dựng hoặc mở rộng tại phía Bắc. Đặc biệt tại các khu vực như Hải Phòng, Hà Nam có nhiều nhu cầu về nhân sự trong mảng sản xuất. Với mảng ngân hàng, nhu cầu tuyển dụng sôi động hơn đối với các vị trí quan hệ khách hàng ở cấp cao và các vị trí thuộc mảng ngân hàng số.
Cần tìm hiểu kỹ “đích nhắm”
Nói về xu hướng nhảy việc cuối năm ở lao động trẻ, chị Nguyễn Thu Trang nhận định đó là câu chuyện “năm nào cũng lặp lại”. Ứng viên, đặc biệt là các bạn trẻ, luôn mong muốn có thêm các thử thách mới, đồng thời có mức lương hoặc vị trí cao hơn khi thay đổi công việc. Dẫu vậy, chị Thu Trang cũng bổ sung hiện nay thị trường Việt Nam vẫn được đánh giá là luôn thiếu ứng viên tiềm năng nên việc tuyển dụng diễn ra ở mọi thời điểm trong năm chứ không chỉ sôi động giai đoạn đầu năm.
Vậy các lao động trẻ cần lưu ý những gì? “Các bạn nên tìm hiểu kỹ nơi mình chuẩn bị ứng tuyển thông qua các kênh thông tin uy tín gồm website, fanpage của doanh nghiệp, tìm kiếm các thông tin trên Internet, hoặc thông qua tư vấn viên của các công ty tuyển dụng việc làm…” – chị Thu Trang đưa ra lời khuyên.
Bên cạnh lương, thưởng và chế độ đãi ngộ, các bạn trẻ cần lưu ý một số điểm để có những lựa chọn nơi làm việc phù hợp nhất: về môi trường làm việc, tầm nhìn của công ty, ngành nghề kinh doanh của công ty có phù hợp với định hướng cá nhân hay không, lãnh đạo công ty cũng như lãnh đạo trực tiếp, đồng nghiệp, công việc ứng tuyển có phù hợp nguyện vọng cá nhân của bạn hay không… Sở dĩ điều này quan trọng vì theo một số chuyên gia nhân sự, việc “nhảy việc” quá thường xuyên sẽ không tốt cho người lao động dù năng suất lao động của họ cao.
Theo kết quả khảo sát lương Mercer – Talentnet trên 342.000 người (thực hiện trên 605 doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc 16 lĩnh vực khác nhau như công nghệ, hàng tiêu dùng, dược phẩm, sản phẩm…) được công bố vào tháng 10-2019, tỉ lệ tăng lương ở VN cao hơn mức lạm phát, trong đó nhóm ngành tài chính có tỉ lệ thưởng cao nhất.
Cụ thể, tỉ lệ tăng lương năm 2019 của nhóm công ty nước ngoài là 8,6% và nhóm các công ty Việt Nam là 8,9%. Tỉ lệ tăng lương này cao hơn tỉ lệ lạm phát và tình hình tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2019.
Báo cáo tuyển dụng do VietnamWorks (thuộc Tập đoàn Navigos Group) đưa ra vào cuối tháng 10-2019:
* 75% người được khảo sát trong lĩnh vực sản xuất có ý định chuyển việc.
*l Những ứng viên cấp càng cao có ý định chuyển việc càng nhiều, theo đó có đến 83% ứng viên thuộc cấp giám đốc hoặc cao hơn cho biết sẽ chuyển việc trong cuối năm 2019, 76% nhóm ứng viên thuộc cấp trưởng phòng/quản lý cũng có đồng quan điểm.
* Thế hệ X (những người sinh năm 1965 -1980) trong lĩnh vực sản xuất thường có khuynh hướng “tái khởi động” tìm việc sau 5 năm gắn bó với công ty.
* Những ứng viên nhiều kinh nghiệm (độ tuổi từ 40 trở lên) được dự đoán sẽ có nhu cầu tìm việc cao nhất trong cuối năm 2019. Có đến 84% ý kiến trong số họ cho biết ý định chuyển việc, cao hơn so với thế hệ Y (sinh năm 1981-1995) chiếm 74% và thế hệ Z (sinh năm 1996 trở về sau) chiếm 69%.
Đối mặt thách thức tuyển nhân sự
Xu hướng nhân sự “nhảy” việc vào thời điểm cuối năm là phổ biến những năm qua. Và nhân sự thường có xu hướng nộp đơn xin nghỉ việc tùy vào thời điểm nhận toàn bộ thưởng thành tích (performance bonus). Điều này tuy ít nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng với các công ty có đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự thì không quá đáng lo, vì họ thường coi đó như một thách thức thường đối mặt.
Nói về mặt hại của câu chuyện trên, dĩ nhiên doanh nghiệp mất người và chủ doanh nghiệp dễ rơi vào cảm giác bất mãn, thất vọng vì không nhận được lòng trung thành từ những người mà tổ chức đã dày công đào tạo, tưởng thưởng.
Với chính các nhân sự ra đi thời điểm trên, về lâu dài họ cũng sẽ khó nhận được sự tín nhiệm ở nơi mới. Trên thực tế, hầu hết các nhà tuyển dụng đều muốn chiêu mộ người giỏi nhưng cũng phải phù hợp về mặt giá trị cốt lõi với doanh nghiệp, trong đó có yếu tố integrity (chính trực, trung thực, giữ cam kết) để xây dựng văn hóa tổ chức. Nên họ có thể hiểu một người sẵn sàng đến với mình vì tiền thì cũng rất dễ ra đi vì tiền.
Nguồn: tuoitre.vn