Những thách thức từ gian lận thương mại, buôn lậu, việc thực thi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ đầu năm 2020 đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngành mía đường. Nhiều doanh nghiệp đã phải hạ mục tiêu kinh doanh niên vụ 2019 – 2020.
2 năm nhập lậu 3.000 tấn đường
Báo cáo tại hội nghị bàn các giải pháp chống buôn lậu đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh mới đây, ông Trương Văn Ba – Phó Chánh văn phòng – Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) quốc gia cho biết, tính từ đầu năm 2018 đến hết tháng 9/2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 876 vụ buôn lậu đường, xử phạt hành chính trên 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường vi phạm trị giá hơn 12,5 tỷ đồng.
Doanh nghiệp và người trồng mía lao đao vì đường nhập lậu. Ảnh: T.L
Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,8 triệu tấn đường. Trong khi vụ mùa 2018-2019, trong nước chỉ sản xuất được gần 1,2 triệu tấn, số lượng đường nhập khẩu khai báo qua hải quan chưa đến 100.000 tấn. |
Lượng đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan, là 1 trong 4 nước sản xuất đường hàng đầu thế giới. Ngành mía đường Thái Lan được chính phủ trợ giá và giá thành sản xuất của Thái Lan thấp hơn Việt Nam.
Theo ước tính của ông Cao Anh Đương – quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường nhập lậu từ Thái Lan qua đường bộ Campuchia, vào Việt Nam trong năm qua là khoảng 800.000 tấn.
Chia sẻ thẳng thắn tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Cẩn – Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, ủy viên Ban chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá, các vụ xử lý, kiểm tra chưa tương xứng với lượng đường nhập lậu. Tính toán từ nhu cầu tiêu dùng thực tế (tiêu dùng trực tiếp tới cung cấp nguyên liệu cho ngành bánh kẹo, nước giải khát…), mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,8 triệu tấn đường, trong khi vụ mùa 2018 – 2019, trong nước chỉ sản xuất được gần 1,2 triệu tấn, số lượng đường nhập khẩu khai báo qua hải quan chưa đến 100.000 tấn, chứng tỏ lượng đường nhập lậu rất cao.
Theo ông Cẩn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có một phần buông lỏng quản lý ở địa phương, đặc biệt trên tuyến nổi cộm An Giang, Long An, Tây Ninh. Sự phối hợp chống buôn lậu từ biên giới vào sâu trong nội địa chưa đồng bộ, còn có dấu hiệu tiếp tay cho buôn lậu. Bên cạnh đó, một số nhà máy hệ thống phân phối đường vì lợi nhuận cục bộ chưa thống nhất và đồng tâm chống buôn lậu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, thậm chí còn tiếp tay cho buôn lậu.
Để chống buôn lậu đường, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề ra 5 giải pháp, trong đó, tăng cường lực lượng vùng biên, gắn trách nhiệm của người chỉ huy, tổ công tác và từng địa bàn cụ thể cũng như quan tâm hỗ trợ để phát triển kinh tế địa phương nhất là kinh tế biên giới, hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho người dân đia phương, để từ đó ổn định cuộc sống, không tiếp tay cho buôn lậu.
“Sắp tới Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ có các kế hoạch chuyên đề, chuyên án làm mẫu xử lý các vụ việc. Để công tác chống buôn lậu hiệu quả, công an các tỉnh, lực lượng biên phòng cũng như các cơ quan quản lý chức năng khác cần tăng cường công tác quản lý đấu tranh” – ông Cẩn nói.
Hạ mục tiêu doanh thu, lợi nhuận
Những khó khăn bủa vây đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành mía đường phải hạ mục tiêu kinh doanh. Niên vụ 2018 – 2019 (1/7/2018 – 30/6/2019), Công ty CP Đường Kom Tum đặt mục tiêu doanh thu 763,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6,64 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo gửi cổ đông mới đây, tổng doanh thu thực tế của công ty niên vụ này mới đạt 333,24 tỷ đồng, bằng 43,64% mục tiêu, lợi nhuận sau thuế đạt 4,526 tỷ đồng, bằng 68,12% mục tiêu.
Lãnh đạo Công ty CP Đường Kom Tum lý giải, các doanh nghiệp mía đường trong nước, trong đó có Đường Kom Tum phải đối mặt với sức ép của đường ngoại nhập lậu giá rẻ, giá bán sản phẩm thấp, trong khi giá thành sản xuất cao.
Do vậy, niên vụ 2019 – 2020 (1/7/2019 – 30/6/2020), Đường Kom Tum giảm mục tiêu kinh doanh với mức doanh thu 486,56 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6,24 tỷ đồng.
Thuận lợi hơn Đường Kom Tum, niên vụ năm 2018 – 2019, Công ty CP Mía đường Sơn La đạt 890,2 tỷ đồng tổng doanh thu và 63,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao hơn so với kế hoạch đề ra. Dẫu vậy, bước sang niên vụ 2019 – 2020, Mía đường Sơn La cũng hạ mục tiêu, chỉ còn 863,9 tỷ đồng tổng doanh thu, 25,53 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 2% và 60% so với kết quả thực hiện của niên vụ trước.
Sở dĩ, Mía đường Sơn La phải hạ mục tiêu, theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp này, vì ngành mía đường đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực từ lượng đường nhập lậu tăng mạnh, chủ yếu từ Thái Lan. Trong khi đó, hiện trong nước còn tồn kho khoảng 700.000 tấn đường, doanh nghiệp càng sản xuất nhiều, càng có nguy cơ thua lỗ.
Không riêng Công ty Mía đường Sơn La, hay Đường Kom Tum, hầu hết doanh nghiệp mía đường Việt Nam đều đang đứng trước thách thức rất lớn. Việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết trong ATIGA đồng nghĩa, từ sau ngày 1/1/2020, đường từ Thái Lan với mức giá chỉ khoảng 8.000 – 9.000 đồng/kg sẽ tràn vào thị trường Việt Nam, thấp hơn so với giá bán của các nhà máy đường trong nước khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg.
Theo tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nếu năm 2020 thực hiện ATIGA, đường nhập khẩu chính ngạch tràn vào Việt Nam, giá đường trong nước sẽ phải giảm thêm 15 – 20% khiến doanh nghiệp đường trong nước và 33 vạn hộ nông dân chịu tác động lớn. Riêng 22 nhà máy đường có công suất dưới 3.000 tấn/ngày sẽ phải phá sản, đóng cửa do không thể cạnh tranh. Do đó, VSSA kiến nghị Chính phủ xem xét kéo dài thêm thời hạn bỏ thuế suất 3 – 5 năm.
Ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương: Không thể trì hoãn việc thực hiện ATIGA Ông Phạm Quốc Doanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA): Doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho ATIGA P.V (ghi) |
Theo Dân việt